Công trình xây dựng sai phạm ở Hà Nội: Không vội được đâu?

Nhà 4 tầng hầm hiện đang dừng thi công
Nhà 4 tầng hầm hiện đang dừng thi công
TP - Trong khi công trình đồ sộ 8B Lê Trực (Hà Nội) sau nhiều năm mới xử lý thì cùng trên trục đường này lại xuất hiện 1 công trình được cấp phép “lạ” khiến dư luận bức xúc. Những vi phạm trật tự xây dựng luôn khiến dư luận nhức nhối, nhưng để giải quyết dứt điểm không phải chuyện dễ.

Từ chối cung cấp thông tin cho báo chí

Theo nguồn tin của PV Tiền Phong, UBND quận Ba Đình vừa hoàn thành phá dỡ giai đoạn 2 công trình vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình). Quá trình phá dỡ kéo dài từ giữa tháng 5/2020 đến nay (gần 5 tháng) và UBND quận đã tạm ứng 17 tỷ đồng từ ngân sách quận cho hoạt động này. Phía bên dưới, những rào sắt đang được thu dọn sau khi hoàn thành giai đoạn 2.

Tuy nhiên, dù nhận được nhiều câu hỏi về tiến độ dự án này, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận, lãnh đạo UBND quận Ba Đình đều không phản hồi. Ông Bùi Thanh Bình - Trưởng phòng Quản lý Đô thị cho biết, đã có báo cáo về việc phá dỡ 8B Lê Trực nhưng không thể cung cấp cho các cơ quan báo chí bởi việc này quận  đã báo cáo lên Thành ủy. Tuy vậy, UBND quận Ba Đình là chủ đầu tư, đơn vị trực tiếp chi trả và giám sát việc tháo dỡ. Việc liên tục từ chối cung cấp thông tin cho báo chí được coi là thiếu trách nhiệm, nhất là với một “lô cốt” sai phạm trật tự xây dựng như 8B Lê Trực.

Đáng chú ý, cùng trên trục đường này, một công trình nhà ở riêng lẻ ở 15 phố Sơn Tây (phường Điện Biên, quận Ba Đình) được cấp 5 tầng nổi nhưng có tới 4 tầng hầm,  cũng gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian qua.

Trong quá trình xây dựng, công trình này bị người dân “tố” việc cấp phép không đúng quy định của pháp luật, thi công ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), hiện nay tất cả các công trình có tầng hầm đều phải áp dụng theo Thông tư 03 của Bộ Xây dựng ban hành năm 2016, sửa đổi năm 2019. Theo đó, với các công trình cấp III (nhà ở riêng lẻ) chỉ được làm 1 tầng hầm, độ sâu thấp hơn 6 m.

Về trường hợp nhà riêng lẻ xây tới 4 tầng hầm, Bộ Xây dựng đã có các văn bản trả lời rõ Sở Xây dựng Hà Nội về thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng và thẩm định hồ sơ thiết kế đối với nhà ở riêng lẻ có từ 2-5 tầng hầm theo phân cấp quy định tại Thông tư số 03/2016 của Bộ Xây dựng.

“Tại Phụ lục 2 - Phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu (Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng) đã quy định, loại kết cấu nhà, thuộc cấp công trình cấp III chỉ được phép xây dựng 1 tầng hầm, với số tầng nổi từ 2-7 tầng”, văn bản quy định nêu rõ.

Bị đình chỉ thi công

Ngay từ đầu tháng 8, khi báo chí phát hiện ra vụ việc thì UBND quận Ba Đình đã thông báo sẽ cho kiểm tra và khẳng định nếu có sai phạm sẽ xử lý. Tuy nhiên, tới nay gần 2 tháng việc xử lý với công trình nhà riêng lẻ 4 tầng hầm vẫn chưa có thông tin cụ thể.

Đến thời điểm này, công trình mới tạm bị đình chỉ để kiểm tra lại việc cấp phép. Việc này diễn ra sau khi Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra  nội dung phản ảnh, kiến nghị của các hộ dân khu nhà ngõ 15 phố Sơn Tây về căn nhà có 4 tầng hầm, được cho là của nguyên lãnh đạo một ngân hàng.

Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố  Hà Nội kiểm tra, giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, trả lời cho các hộ gia đình và báo cáo Thủ tướng kết quả giải quyết.

Trao đổi với PV Tiền Phong, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định: Việc cấp phép 4 tầng hầm cho nhà dân riêng lẻ bộc lộ nhiều bất cập. Đặc biệt, làm 4 tầng hầm ở trong đô thị đặt ra nhiều vấn đề an toàn cho các hộ dân xung quanh. Thi công nhiều tầng hầm rất phức tạp, muốn làm được phải có ý kiến của Bộ Xây dựng chứ không thể tùy tiện bằng 1 giấy phép. “Chưa kể an ninh không gian ngầm đô thị - Thế giới đã rất quan tâm đến cái này nhưng ở Việt Nam vẫn là khái niệm mới mẻ”, KTS Tùng nói.

Theo KTS Tùng, để tránh những bất cập xảy ra trong hoạt động quản lý trật tự xây dựng thì phải minh bạch, công khai quy trình cấp phép, giấy phép xây dựng, có thiết kế đô thị kiểu mẫu, chứ không phải xin cho, đảm bảo người dân có thể giám sát. “Hiện chúng ta đang thực hiện số hóa, đô thị thông minh, công nghệ 4.0, phải “thông minh” ngay từ công tác quản lý đô thị”, KTS Tùng khẳng định.

MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.