Công trình nước sạch làm...…chuồng dê

Người dân buôn Liêng, xã Chư Drăng tận dụng công trình nước sạch làm chuồng nuôi dê.
Người dân buôn Liêng, xã Chư Drăng tận dụng công trình nước sạch làm chuồng nuôi dê.
TP - Trong khi hàng trăm công trình nước sạch đầu tư xây dựng bằng ngân sách đang bị bỏ hoang tại nhiều làng xã trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum có nơi dùng làm nơi nuôi dê, thì dân chúng phải tự đào giếng để có nước sạch mà dùng.

Tại buôn Ngôm (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, Gia Lai), một công trình nước sạch được dựng lên chỉ cách nghĩa trang của buôn khoảng 50m, hiện những thanh cột sắt đang han gỉ. Công trình này xây dựng từ năm 2006 với kinh phí 284 triệu đồng. Cô Nay H’luy, giáo viên trường mẫu giáo Chư Drăng cho biết: Công trình nước sạch này nằm trong khuôn viên của trường, nhưng vì nghĩa trang cách đó chỉ 50m nên nhà trường phải dẫn ống nước từ nhà dân tới trường với chiều dài tới 300m để có nước sinh hoạt cho 32 em nhỏ.

Năm 2009, công trình nước sạch nhằm phục vụ nước sinh hoạt cho 200 hộ dân ở buôn Liêng (xã Chư Drăng) được xây dựng với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, nay cũng bị bỏ hoang. Một số hộ dân tận dụng hàng rào thép gai quanh công trình nước sạch để làm chuồng dê. “Công trình này xây xong, cho nước sạch 3 tháng sau đó hỏng không ai sửa rồi bỏ luôn đến nay. Bây giờ người dân trong buôn Liêng góp tiền tự đào giếng, vì nước giếng trong hơn”- Chị Siu Đuốt nói.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, nguyên nhân công trình cấp nước nông thôn hỏng nhiều là do xây dựng lâu năm nên xuống cấp, nguồn nước bị khô cạn do hạn hán, rừng đầu nguồn bị chặt phá. Đặc biệt, một số nơi ý thức sử dụng nước của người dân kém, để xảy ra tình trạng chặt phá đường ống. Đáng nói, một số công trình chưa làm tốt việc đánh giá chất lượng nguồn nước khi lập dự án đầu tư, nên đã xảy ra tình trạng chất lượng nguồn nước không đảm bảo an toàn. Trách nhiệm bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa được giao cho đơn vị quản lý công trình và UBND cấp huyện thực hiện. Nhưng do khả năng cân đối, bố trí ngân sách của các địa phương còn rất hạn chế nên Sở đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, hàng năm hỗ trợ thêm kinh phí cho các địa phương.

Được biết, toàn tỉnh Gia Lai có 313 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, trong đó 85 công trình không hoạt động, 41 công trình hoạt động kém hiệu quả. Còn tỉnh Kon Tum có 81/360 công trình nước sạch không hoạt động, 59/360 công trình kém hiệu quả.

Ông Đặng Trần Huân - Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kon Tum xác nhận có 49/81 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung không sử dụng được, đã được các huyện đề nghị thanh lý. Về lâu dài, để các công trình cấp nước hoạt động hiệu quả, cần phải có tổ đội quản lý, thu chi rõ ràng.

MỚI - NÓNG