Công trình cấp nước tập trung xã Ea Pô nằm trên địa bàn thôn Bằng Sơn, được nhận diện bằng tấm biển xanh ghi tên công trình, chủ đầu tư, ngày khởi công-hoàn thành, đơn vị thi công.
Muốn tiếp cận, PV phải băng qua lối mòn, xung quanh cỏ dại và cây bắp phủ quá đầu người. Vào bên trong, cỏ dại bao phủ gần kín nhà điều hành, ống dẫn nước có dấu hiệu hoen rỉ, xuống cấp. Đặc biệt, cây xanh còn mọc trên bồn chứa nước.
Đường vào công trình cấp nước
Chị Lưu Thị Thúy, một người dân sống gần công trình cấp nước cho hay, đơn vị thi công đã đấu nối đường ống dẫn nước, bắt đồng hồ điện cho gia đình. Tuy nhiên, công trình chỉ hoạt động hơn 1 tháng thì dừng.
Theo chị Thúy, trước khi làm, họ yêu cầu người dân làm cam kết sử dụng nước. Chị và nhiều hộ dân xung quanh cũng làm nhưng không hiểu vì lý do gì khiến nhà máy nước ngưng hoạt động. Không có nước máy, chị Thúy đành sử dụng nước giếng khoan để ăn uống, sinh hoạt.
Hai bên đường dẫn vào công trình cấp nước, cỏ mọc quá đầu người
Bà Triệu Thị Nha, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Bằng Sơn cho biết, toàn thôn có hơn 115 hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu (gồm dân tộc Kinh, Tày, Nùng). Người dân trong thôn chủ yếu dùng nước giếng khoan chưa qua xử lý. Khi công trình khởi công, người dân rất phấn khởi vì mong có sạch để nấu ăn, sinh hoạt. Thế nhưng, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng gần 3 tháng thì ngưng hẳn. Họp cử tri, người dân cũng phản ánh rất nhiều về việc này. Cạnh nhà máy nước còn có 1 điểm trường bỏ hoang từ nhiều năm nay.
Nhà điều hành bị cỏ bao phủ
Theo tìm hiểu, công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Thời gian thi công từ tháng 7 đến tháng 12/2019 thì hoàn thành.
Công trình gần như để hoang
Ông Đinh Công Xoan, Chủ tịch UBND xã Ea Pô, cho biết trước khi thi công, có hơn 700 hộ dân đăng ký sử dụng nước, nhưng khi vận hành chỉ còn 150 hộ. Ba tháng đầu, chủ đầu tư hỗ trợ kinh phí chi trả tiền điện bơm nước. Về sau, người dân ít dùng, thu tiền nước không đủ trả chi phí vận hành nên nhà máy ngừng hoạt động.