Cựu công tố viên New York cho biết, ông có đầy đủ bằng chứng để bắt đầu vụ kiện đối với Tổng thống Trump.
Những tiết lộ của ông Bharara được đưa ra vài ngày sau phiên điều trần đầu tiên của cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey trước Ủy ban tình báo của Thượng viện. Ông Bharara cũng được mời tham dự phiên điều trần.
Ông Bharara khẳng định đã nhận được hai cú điện thoại bất thường từ ông Trump sau cuộc bầu cử tháng 11/2016 khiến ông "cảm thấy không thoải mái" và cho biết "bị sa thải sau khi từ chối cuộc gọi thứ ba của ông Trump".
Cựu công tố viên Bharara cho biết, ông tin rằng các cuộc gọi của Tổng thống Trump đã vi phạm các ranh giới thông thường giữa người đứng đầu chính phủ với các nhà điều tra hình sự độc lập.
Ông Bharara nói thêm rằng, trong suốt tám năm nắm quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, ông Obama không bao giờ gọi điện thoại trực tiếp cho ông .
Ông Bharara cho biết, cuộc gọi thứ ba của ông Trump được thực hiện hai ngày sau khi lễ nhậm chức. Lúc đó, ông đã không nghe máy và cũng không gọi lại.
"Cuộc gọi đến có nghĩa là tôi sẽ nhận một thông điệp. Tôi đã suy nghĩ về nó và nghĩ rằng không thích hợp để gọi lại. Và 22 giờ sau đó tôi được yêu cầu từ chức cùng với 45 người khác', cựu công tố viên liên bang của thành phố New York nói.
Những tiết lộ của Bharara diễn ra vài ngày sau khi cựu Giám đốc FBI James Comey tuyên bố tại Ủy ban tình báo của Thượng viện rằng, ông Trump đã yêu cầu ông rút khỏi cuộc điều tra về cựu trợ lý của Trump, ông Michael Flynn và mối liên hệ với Nga.
Comey cũng cho biết, ông tin rằng đã bị sa thải sau những nỗ lực điều tra có thể về "sự thông đồng giữa chiến dịch của ông Trump và Nga để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016".
Ông Trump và Nhà Trắng đã bác bỏ những thông tin trên.
Được biết, sau phiên điều trần của cựu Giám đốc FBI James Comey, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions sẽ xuất hiện trước Ủy ban tình báo vào ngày mai 13/6 để trả lời câu hỏi về cáo buộc can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Hiện chưa biết phiên điều trần của Bộ trưởng Tư pháp diễn ra công khai hay kín đáo.