Công tác tuyên giáo phải luôn đổi mới, chủ động, nhạy bén

Công tác tuyên giáo phải luôn đổi mới, chủ động, nhạy bén
LTS: Ngày 7-2-2012, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Ban Tuyên giáo Trung ương. Kết thúc buổi làm việc, Tổng Bí thư có phát biểu quan trọng. Tiền Phong trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu này. Tiêu đề do tòa soạn đặt.

Thưa các đồng chí,

Cách đây hơn 5 tháng, tôi đã đến làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 Khóa X “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh cộng nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Hôm nay, tôi và đồng chí Lê Hồng Anh có buổi làm việc với các đồng chí về hoạt động của Ban Tuyên giáo Trung ương. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư tôi xin gửi tới các đồng chí cùng toàn thể anh chị em làm công tác tuyên giáo cả nước lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Tôi hoan nghênh Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan có liên quan đã chuẩn bị kỹ, tham gia đầy đủ, tích cực buổi làm việc hôm nay. Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã báo cáo tóm tắt về công tác của Ban trong năm qua và phương hướng, nhiệm vụ năm 2012; đại diện lãnh đạo các ban, các bộ đã phát biểu làm sâu sắc thêm nhiều vấn đề và nêu rõ kiến nghị; đồng chí Thường trực Ban Bí thư đã cho ý kiến. Để kết thúc buổi làm việc, tôi nói thêm mấy ý có tính gợi mở để tiếp tục triển khai thực hiện.

Chúng ta đều biết, với chức năng là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng; về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên giáo; đồng thời là cơ quan chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực này, Ban Tuyên giáo Trung ương có phạm vi hoạt động rất rộng, nội dung rất phong phú, quan trọng thuộc hai mảng lớn: Tuyên huấn và Khoa giáo.

Năm 2011 là năm có nhiều sự kiện quan trọng, nhiều khó khăn, thử thách mới, song toàn Đảng, toàn dân ta với sự đồng tâm nhất trí cao đã tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và thu được nhiều kết quả ban đầu rất có ý nghĩa, tạo đà để năm 2012, chúng ta tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI.

Thời gian này năm ngoái, gặp nhau ai cũng nói tình hình có nhiều khó khăn dồn dập, rất băn khoăn, lo lắng. Giá cả tăng cao, tình hình Bắc Phi – Trung Đông, sóng thần Nhật Bản…Cùng một lúc, chúng ta triển khai một khối lượng công việc rất lớn: bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; tổ chức 4 hội nghị Trung ương bàn những vấn đề rất quan trọng; xử lý, giải quyết nhiều công việc đột xuất nằm ngoài ý muốn, như: tình hình ở Mường Nhé, diễn biễn phức tạp ở Biển Đông, đối phó với khủng hoảng, suy thoái tài chính kinh tế toàn cầu...

Sau Đại hội lần thứ XI của Đảng, phải sắp xếp lại tổ chức nhân sự, có sự điều chuyển cán bộ; phấn khởi cũng có, tâm tư cũng có; có người phù hợp, có người chưa phù hợp lắm. Ban Tuyên giáo Trung ương cũng phải sắp xếp kiện toàn tổ chức, bổ sung nhân sự. Cán bộ mới có thế mạnh của cán bộ mới, nhưng không phải đã quen việc ngay. Kết quả ban đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng rất có ý nghĩa.

Cho đến nay, nhìn tổng thể, mặc dù tình hình thế giới và trong nước còn có những khó khăn bất ổn, tâm trạng xã hội có những lo lắng, băn khoăn, song an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn ổn định; kinh tế tiếp tục phát triển, kiềm chế được lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng gần 6%, sản xuất lương thực đạt sản lượng hơn 42 triệu tấn, xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo. Phong trào xây dựng nông thôn mới, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tích cực triển khai thực hiện; không khí dân chủ trong Đảng, trong Quốc hội, trong xã hội tiếp tục được phát huy.

Tết Nhâm Thìn vừa qua, theo báo cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, tình hình cơ bản là tốt, giá cả không tăng đột biến; tháng Giêng chỉ tăng khoảng 1%; Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng 0,8% – 0,9% (là mức thấp nhất trong 10 năm qua). Ra Tết không khí vui vẻ, đầu năm nhiều lễ hội, khách du lịch miền Trung rất đông; đông đảo bà con Việt kiều về nước ăn Tết thấy hài lòng...

Năm 2011, chúng ta cũng đã xây dựng được nhiều quy chế làm việc, kế hoạch, chương trình công tác, một số đề án quan trọng. Vừa rồi đã tập trung vào xây dựng Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân; Nghị quyết Trung ương 4 về kết cấu hạ tầng, một trong những mũi đột phá chiến lược rất quan trọng mà Đại hội Đảng đã xác định.

Trước đó, Hội nghị Trung ương 3 bàn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung vào 3 trọng tâm: tái cơ cấu đầu tư công; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu thị trường tài chính. Hội Nghị Trung ương 2 xây dựng quy chế làm việc của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ban Đảng, lần này nhiều việc không phải giao Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định mà Trung ương quyết định, như: Quy định 19 điều đảng viên không được làm; Hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng…Vừa xây dựng những nghị quyết có tính định hướng lâu dài, vừa giải quyết những việc thường xuyên như bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, kiện toàn tổ chức bộ máy và xử lý những việc đột xuất.

Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình, đang phấn đấu để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nói như vậy để thấy rõ chúng ta đã đạt được những kết quả rất có ý nghĩa trong năm 2011. Có thể nói, chưa bao giờ Tổ quốc ta, dân tộc ta có được cơ đồ như ngày nay.

Trong những thành tựu chung ấy, có sự đóng góp rất quan trọng của ngành Tuyên giáo cả nước và Ban Tuyên giáo Trung ương. Nổi bật nhất là đã tham gia tích cực và có hiệu quả cao các hoạt động phục vụ Đại hội Đảng. Đã tổ chức tốt việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Công việc tham mưu cho Bộ Chính trị và các cấp ủy ra chỉ thị, hướng dẫn kế hoạch triển khai, chuẩn bị các loại tài liệu, tổ chức lực lượng báo cáo viên các cấp và tổ chức các lớp nghiên cứu nghị quyết đã được tiến hành, khẩn trương và nghiêm túc. Ngành Tuyên giáo đã nỗ lực hoàn thành một khối lượng lớn công tác tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy trên các lĩnh vực công tác tư tưởng, văn hóa văn nghệ, khoa giáo và thông tin đối ngoại; Ban đã hoàn thành 15 đề án trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư, số lượng này nhiều gấp rưỡi các năm trước.

Công tác tuyên giáo đã bám sát để tuyên truyền kịp thời các hoạt động của Đảng và Nhà nước, các ngành và địa phương. Chỉ đạo và định hướng tuyên truyền về Đại hội Đảng, các nghị quyết của Trung ương, về bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, các kỳ họp của Quốc hội; các hoạt động đối ngoại của Đảng và nhà nước ta, đặc biệt là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng ta do Tổng Bí thư dẫn đầu; tuyên truyền cổ động cho các phong trào và các sự kiện quan trọng.

Đã tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề “nóng”, nổi cộm và bức xúc trong xã hội. Tổ chức công tác đấu tranh về quan điểm nhằm uốn nắn các nhận thức lệch lạc và đặc biệt là phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ đường lối của Đảng và các chủ trương lớn của nhà nước ta.

Trong đó, nổi lên là đấu tranh chống việc lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, kích động chia rẽ dân tộc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Việc đấu tranh về quan điểm tiến hành thông qua học nghị quyết, có ý kiến trong các cuộc làm việc, trao đổi và tổ chức viết bài đưa lên phương tiện thông tin đại chúng.

Đã thực hiện được nhiều công việc xây dựng Ban Tuyên giáo Trung ương và ngành Tuyên giáo trên cả nước. Sau Đại hội XI, có sự thay đổi và điều chuyển cán bộ lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và phần lớn ban tuyên giáo cấp tỉnh, tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên của Ban và ngành đã đoàn kết thống nhất, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng nội bộ.

Nhìn tổng thể, khối lượng công việc mà Ban Tuyên giáo Trung ương nói riêng, ngành Tuyên giáo toàn quốc nói chung đã thực hiện trong một năm là rất lớn, nhiều, đa dạng và đúng chức năng nhiệm vụ. Chất lượng công việc về cơ bản là tốt, đạt yêu cầu. Nguyên nhân đạt được kết quả nói trên là: Có sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy đảng các cấp; sự đoàn kết và nỗ lực của đội ngũ cán bộ tuyên giáo; sự phối hợp giữa ngành Tuyên giáo và các ban, ngành liên quan đã có một số tiến bộ.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và cảm ơn các đồng chí, các anh chị em làm công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo trong cả nước, trong đó đặc biệt có vai trò quan trọng của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Bước sang năm 2012, các đồng chí đã nêu phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm ngành Tuyên giáo phải làm, đồng chí Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành cũng đã góp thêm ý kiến. Tôi hoàn toàn nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ mà Ban đề ra. Tôi đề nghị các đồng chí quan tâm thêm 4 vấn đề không chỉ cho năm 2012 mà cả những năm sắp tới như sau:

Thứ nhất, các đồng chí cần nhận thức đầy đủ hơn nữa, sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò công tác tuyên giáo nói chung, công tác xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng nói riêng trong tình hình hiện nay. Điều này các đồng chí đều biết rõ, song tôi muốn nhắc lại ở cấp độ cao hơn, với trình độ nhận thức cao hơn bởi những diễn biến phức tạp, những đòi hỏi cao hơn của tình hình hiện nay. Cái mới ở đây là gì? Ngay trong năm 2012, chúng ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) có nhiều điểm mới, Ban Tuyên giáo Trung ương cần tìm ra những điểm mới để nghiên cứu, giới thiệu, quán triệt.

Thí dụ: về 8 mối quan hệ lớn, cần nắm vững và được giải quyết tốt trong quá trình đổi mới, đi lên Chủ nghĩa xã hội; về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, không đầu tư theo chiều rộng mà theo chiều sâu, tức là hàm lượng khoa học, công nghệ phải tăng lên nhiều; hội nhập quốc tế chứ không chỉ hội nhập kinh tế quốc tế,... Hội nhập có mặt phải, mặt trái, chúng ta hội nhập mà không hòa tan, hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

Hiện nay chúng ta là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, chúng ta triển khai hoạt động đối ngoại toàn diện. Từ đó, đặt ra rất nhiều vấn đề về tuyên truyền đối ngoại trong khi tình hình trong nước, quốc tế, nhất là tình hình quốc tế diễn biến rất mau lẹ, bất trắc, phức tạp, khó lường, chẳng hạn như các sự kiện ở Trung Đông và Bắc Phi.

Những sự kiện đó gây tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hiện nay, trình độ chính trị, văn hóa của cán bộ, đảng viên và nhân dân cao hơn rất nhiều, đòi hỏi cao hơn nhiều, do đó công tác tư tưởng - văn hóa bây giờ bên cạnh những thuận lợi cũng khó hơn trước nhiều. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là động lực phát triển. Hai Hội nghị Trung ương sắp tới sẽ bàn về các vấn đề này.

Công tác tư tưởng là quan trọng hàng đầu, nhưng khó ở chỗ tư tưởng rất trừu tượng. Khi kiểm điểm nhiều người cứ nhận là bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối, nhưng thực tế có đúng như thế không? Phân loại tổ chức đảng hằng năm phần lớn là trong sạch, vững mạnh, nhưng khi xảy ra chuyện gì thì dường như không rõ trách nhiệm. Thậm chí, có cả cán bộ nguyên là lãnh đạo trước khác, nay cũng nói khác, gây phân tâm tư tưởng, trong khi bên ngoài các thế lực thù địch tấn công ta bằng những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”.

Điều đáng sợ nhất bây giờ là trong một bộ phận cán bộ đảng viên, nhân dân, kể cả trong cán bộ tuyên giáo là sự mơ hồ, không phân biệt đúng sai, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, mất nhuệ khí đấu tranh, nặng về thu vén cá nhân. Chính bởi vậy, tôi mong toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là ngành tuyên giáo và đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, vai trò, vị trí quan trọng của công tác tư tưởng.

Thứ hai, cần bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của năm 2012, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; triển khai đồng bộ các hoạt động, thực hiện sáu nhiệm vụ của Ban một cách bài bản, có chất lượng, hiệu quả cao với nhiều hình thức, phương pháp mới phù hợp hơn. Công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo phải luôn luôn đổi mới, không thể sáo mòn, phải thực hiện bằng nhiều kênh thông tin phong phú, đa dạng, hiện đại. Chú trọng lĩnh vực giáo dục lý luận chính trị. Đó chính là để giữ vững sự kiên định, trung thành về lý tưởng, đừng để xẩy ra hiện tượng nói chẳng biết đúng sai, chẳng dám tỏ rõ chính kiến. Chú ý công tác tuyên truyền miệng, tăng cường đối thoại. Chú ý công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, đặc biệt là báo mạng, Internet. Mục tiêu là phục vụ cho phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội. Kinh tế mà không phát triển, của cải không dồi dào, phân hóa giàu nghèo tăng lên thì rất khó làm công tác tư tưởng. Bố trí sai cán bộ, sinh ra tâm tư cũng làm khó cho công tác tư tưởng.

Trong năm 2012, các đồng chí cần tập trung vào việc tuyên truyền thực hiện các nghị quyết đã ban hành, nhất là Nghị quyết Trung ương 3; Nghị quyết Trung ương 4; thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; những vấn đề bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chú trọng mảng khoa giáo hiện nay đang yếu, hiện mới chỉ nặng về xử lý công việc hàng ngày; cần tăng cường quan tâm hơn nữa những vấn đề giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ. Vừa tham mưu, vừa đề xuất, lại vừa triển khai tổ chức thực hiện tuyên truyền đối nội và đối ngoại; vừa tuyên truyền mặt tích cực vừa phê phán các quan điểm sai trái, uốn nắn những nhận thức lệch lạc và đấu tranh bác bỏ các quan điểm thù địch. Chuẩn bị những đề án quan trọng để trình các Hội nghị Trung ương trong năm 2012.

Thứ ba, về các lĩnh vực liên quan trực tiếp của ngành Tuyên giáo, đề nghị các đồng chí chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, chủ động hơn nữa, nhạy bén hơn nữa việc thực hiện các nghị quyết, như: Công tác lý luận, công tác báo chí, công tác văn hóa, văn học - nghệ thuật, xây dựng đội ngũ trí thức. Trên cơ sở đó, tham mưu thể chế hóa, cụ thể hóa đề xuất triển khai thực hiện nghị quyết. Tăng cường kiểm tra, giám sát, biểu dương những việc làm tốt, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những sai phạm. Phối hợp tốt hơn nữa các binh chủng làm công tác tuyên giáo. Tổ chức công việc, sắp xếp chương trình một cách bài bản, khoa học, chặt chẽ để hoàn thành tốt, dứt điểm các công việc được giao.

Thứ tư, về bảo đảm các điều kiện để các đồng chí hoàn thành những nhiệm vụ nêu trên, đặc biệt là công tác xây dựng nội bộ ngành, trong đó cần tập trung:

- Xây dựng đội ngũ cán bộ những người làm công tác tuyên giáo, không chỉ là những đồng chí trực tiếp làm ở ngành Tuyên giáo mà nói rộng ra là cả những người làm công tác báo chí, phát thanh, truyền hình, văn học nghệ thuật, giáo dục, khoa học, là vấn đề rất quan trọng. Đội ngũ đó đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị, sự kiên định, vững vàng, trung thành tuyệt đối, có dũng khí đấu tranh và có trình độ chuyên môn giỏi. Tính chất và yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác tuyên giáo, trong khi tình hình diễn biến nhanh, phức tạp, đòi hỏi phải nói được, viết được, thuyết phục được. Điều quan trọng là về mặt phẩm chất tuyệt đối không để bị cám dỗ bởi tiền bạc hay vật chất, không để sa vào cạm bẫy của các thế lực xấu, thế lực thù địch. Những người đi giáo dục cũng phải được giáo dục, những người làm công tác tư tưởng cũng phải được bồi dưỡng về mặt tư tưởng.

- Phải nâng cao vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu. Các đồng chí bí thư cấp ủy phải là người trực tiếp làm công tác tư tưởng. Công tác tư tưởng là công tác của toàn Đảng, do đó, bí thư cấp uỷ phải trực tiếp nắm và trực tiếp chỉ đạo công tác tư tưởng. Phải có sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành; giữa đối nội, đối ngoại; có quy chế rõ ràng, cụ thể.

- Nghiên cứu để kiến nghị với Đảng và Nhà nước có cơ chế, chính sách chăm lo điều kiện làm việc, lương, chế độ, chính sách, phụ cấp cho cán bộ làm công tác tuyên giáo.

- Công tác xây dựng cơ quan tuyên giáo; bảo đảm thống nhất, các tổ chức đảng, đoàn thể, chính quyền hoạt động có thực chất, thiết thực. Thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 đề nghị Ban Tuyên giáo đi đầu thực hiện.

Thưa các đồng chí,

Tôi hy vọng, sau buổi làm việc hôm nay, chúng ta sẽ có thêm khí thế mới, quyết tâm mới, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên giáo, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn, xin chúc các đồng chí và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân viên ngành Tuyên giáo cả nước mạnh khoẻ, hạnh phúc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.