Công suất khai thác của xe buýt đã chạm trần

Công suất khai thác của xe buýt đã chạm trần
Dù cơ sở hạ tầng và phương tiện liên tục được đầu tư, nhưng hiện nay công suất khai thác của xe buýt đã chạm trần. Do đó rất nhiều vấn đề của xe buýt, như: lái, phụ xe đánh khách, bỏ bến, dừng đỗ không đúng nơi quy định, quá tải…
Công suất khai thác của xe buýt đã chạm trần ảnh 1

Ông Nguyễn Phi Thường, Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), cho biết hiện công suất khai thác phương tiện xe buýt Hà Nội đã chạm giới hạn.


Đụng trần

Năm 2001, bình quân một xe buýt chỉ vận chuyển 119 hành khách/ngày, 10 năm sau, con số này là 1.152 hành khách/ngày và đã chạm ngưỡng tối đa. Hệ số sử dụng sức chứa bình quân toàn mạng đạt 80%, đây là mức rất cao. Trong khi đó, giờ cao điểm hệ số sử dụng sức chứa của xe buýt càng cao hơn (bình quân là 140%), đặc biệt ở các tuyến trục hành lang lên gần 200%.

Theo thống kê của Transerco, năm 2001 xe buýt chỉ vận chuyển 15 triệu lượt khách, nhưng năm 2011 đã vận chuyển hơn 400 triệu lượt khách. 10 năm qua, tuy luồng tuyến xe buýt đã tăng 2,4 lần, phương tiện tăng 4 lần, năng lực vận chuyển tăng 30 lần song trước nhu cầu quá lớn của người dân, hiện một xe buýt 80 chỗ nhiều khi phải gánh đến 200 người. Do quá đông, nếu chỉ đứng cũng không đủ chỗ. Vì thế khi đến các điểm điểm dừng, đỗ, lái phụ xe có tâm lý ngại mở cửa, nên mới có tình trạng bỏ bến và dừng, đỗ không đúng nơi quy định.

Bên cạnh đó, nạn trộm cắp, móc túi ở các điểm trung chuyển và trên xe giờ cao điểm chưa giảm, thái độ phục vụ kém của một số lái và phụ xe đang gây bức xúc trong dư luận. Hạ tầng dành cho xe buýt còn thiếu và yếu, ông Thường thừa nhận.

Chưa có loại hình mới san sẻ

Trong tương lai, khi mạng lưới đường sắt đô thị phát triển, xe buýt sẽ là phương tiện gom khách. Mặc dù đã tới ngưỡng, nhưng ít nhất thập kỷ tới, xe buýt vẫn là phương tiện giao thông công cộng chủ lực của Hà Nội. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành và Quản lý giao thông đô thị, cảnh báo lượng hành khách hàng năm tăng quá nhanh (3 - 4%), nên xe buýt rất khó đáp ứng được tối đa nhu cầu của người dân.

“Thời gian tới thành phố sẽ dành 35 tỷ đồng để đầu tư cải tạo hạ tầng xe buýt đoạn hành lang điểm trung chuyển Long Biên - Yên Phụ - Thanh Niên; xây dựng điểm trung chuyển Hoàng Quốc Việt và mua sắm xe buýt tiêu chuẩn”, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết. Ngoài ra, mỗi năm sẽ đầu tư mới 100 - 150 xe, nghiên cứu thí điểm đầu tư loại xe Minibus (16 chỗ) để phát triển các tuyến gom khách từ các ngõ, phố sâu ra các tuyến buýt trên phố chính, đồng thời nghiên cứu tăng cường loại xe buýt chuyên chở học sinh, cần tăng tần suất trên các trục tuyến đường quá tải.

Tuy nhiên, một số chuyên gia giao thông cho rằng, việc tăng năng lực vận chuyển chỉ là giải pháp tình thế. Bởi diện tích đất dành cho giao thông của Hà Nội đã quá chật hẹp (khoảng 6% thay vì 20% như tiêu chuẩn). Việc tăng lượng xe buýt quá mức chỉ khiến tình trạng ách tắc trầm trọng hơn. Do đó, Hà Nội cần khẩn trương phát triển các loại hình giao thông công cộng khác như đường sắt đô thị, đẩy nhanh việc giãn mật độ dân số, trước mắt là di dời các BV, trường ĐH ra khỏi nội đô.

Báo Đất Việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG