Công Phượng và thất bại nhìn từ quả panenka

Nhiều người hâm mộ bình luận rằng, cú sút phạt panenka bất thành cũng đã khép lại một năm thất bại của Công Phượng, một ngôi sao luôn được kỳ vọng ở đội tuyển quốc gia Việt Nam đang chơi trong đội hình tuyển U.21.

Giờ là lúc hãy để cho cầu thủ này và nhiều cầu thủ khác của lứa Công Phượng nghỉ ngơi, tiếp thêm năng lượng và vạch cho mình một lộ trình cho mùa bóng mới, mà ở đó đòi hỏi sự quyết tâm cao hơn gấp nhiều lần mới có thể đạt được thành công trở lại. Nhưng sự thất bại của Phượng hay những cầu thủ khác cũng có “đóng góp” từ sai lầm của không ít người lớn.

Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường mùa bóng này không chơi ở giải trong nước. Bầu Đức đã chọn cho họ một con đường du đấu ở Nhật Bản và Hàn Quốc để tích lũy kinh nghiệm, đồng thời có cơ hội tỏa sáng để không hổ danh lò đào tạo từng một thời được xem là mô hình tốt nhất Việt Nam. Đây là hướng đi tốt, và không phải ai cũng có thể đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu một cách dễ dàng. Trước đây, bóng đá Việt Nam cũng có vài cầu thủ ra nước ngoài, nhưng có người thành công như Huỳnh Đức, Công Vinh, có người không được như ý. Tuy nhiên, hầu hết họ đều phải nỗ lực phấn đấu rất lớn, tự thân vận động chứ không thể có được sự hẫu thuẫn từ phía lò đào tạo như bầu Đức với các học trò của mình.

Thế nhưng, có vẻ như sự kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ và cũng không phải không có “giấc mơ” quá tầm của những vị lãnh đạo đã góp phần khiến những cầu thủ vừa thể hiện được một ít tài năng đã sớm đối diện với sự nghiệt ngã. Trong 3 cầu thủ du đấu thì chỉ có Xuân Trường được xếp vào đội hình đá chính nhỉnh hơn một chút, còn lại hầu hết trong đội hình dự bị hoặc không có tên trong danh sách thi đấu, dù câu lạc bộ mà họ chơi chỉ là ở giải hạng hai, hạng ba. Hình ảnh Công Phượng được khán giả trong nước nhìn thấy nhiều hơn ở các hoạt động… tiếp thị cho câu lạc bộ. Một năm nơi xứ người có lẽ không giúp ích gì nhiều về chuyên môn, nâng cao trình độ chơi bóng mà chỉ thấy nổi lên việc… trao dồi ngoại ngữ.

Các câu lạc bộ nước ngoài rất thực tế. Cầu thủ đạt trình độ, có phong độ tốt thì sẽ được xếp đội hình thi đấu, nếu phong độ không ổn định hay khả năng thua sút thì ngồi dự bị dài dài. Rất khó để nói rằng huấn luyện viên bất công, không nhận ra khả năng của họ. Cũng không thể nói do trình độ các câu lạc bộ này cao, bởi họ chỉ thi đấu ở giải hạng hai, hạng ba, có thể nói thấp hơn mặt bằng V-League, dù quy mô và cách tổ chức chuyên nghiệp hơn. Điều này có thể nhận thấy rằng, sự tung hô về tài năng của các cầu thủ này trước đây là hơi quá, một mặt khiến cho người hâm mộ ngộ nhận về một lứa cầu thủ mới có thể “san bằng tất cả”, một mặt khiến cho chính các cầu thủ không nhận thức được mình đang ở đâu để mà phấn đấu.

Mới đây, để “động viên” học trò của mình, HLV Grachen còn cho rằng, ông thuộc lòng khả năng của Công Phượng, không thể có hai trận đấu liên tiếp cầu thủ này thi đấu tệ. Vậy rồi trận thứ hai, Công Phượng cũng không khá hơn và kết thúc bằng sự bực tức khi đá quả phạt panenka mà trên thế giới chỉ có những siêu sao mới dám cho mình cái quyền sử dụng. Thay vì tiếp tục nuông chiều, hãy để các cầu thủ trẻ này trở lại mặt đất, từ đó họ mới có thể phát huy hết khả năng của mình. Nếu không, họ sẽ rất khó vượt qua chính mình và bóng đá Việt Nam sẽ mất đi những cầu thủ tiềm năng.

Theo Theo Sài Gòn Giải Phóng
MỚI - NÓNG