Công Phượng chờ phép màu mang tên Miura

Công Phượng chờ phép màu mang tên Miura
Nếu nhìn vào những gì mà Công Phượng trình diễn sau 7 vòng đấu đầu tiên của V-League, hẳn có rất nhiều người tin rằng tiền đạo này sẽ không có tên trong thành phần của đội Olympic Việt Nam, chuẩn bị cho giải châu Á.

Nói theo cựu danh thủ Nguyễn Mạnh Dũng (cũng từng là cựu cầu thủ của HA Gia Lai ở giai đoạn vàng son nhất của CLB này), thì sở dĩ Công Phượng và nhiều đồng đội của anh tại đội bóng phố núi có suất, là nhờ các tuyển hủ Olympic dự Asiad năm ngoái đã ngoài 22 tuổi (đội tuyển Olympic được tập trung lần này thực chất là U22, chứ không phải U23), nên họ tạm ở nhà, và Công Phượng cùng các cầu thủ khác mới được gọi thay họ.

Thành ra, việc Công Phượng lên tuyển có thể xem là đặc ân bất ngờ dành cho cầu thủ đang khoác áo HA Gia Lai. Đấy cũng có thể coi là một cơ hội nữa cho tiền đạo gốc xứ Nghệ chứng tỏ năng lực với HLV Miura và với người hâm mộ cả nước. 

Trước đây, không mất quá nhiều thời gian để HLV Miura nhận xét ngay rằng Công Phượng và nhiều đồng đội ở HA Gia Lai chưa đủ tầm đá V-League. Lúc đó, ngay sau khi vị HLV người Nhật phát biểu như thế, nhiều người còn cãi, nhưng càng về sau, càng thấy lứa cầu thủ của bầu Đức đuối ở đấu trường V-League, người ta mới tin vào cặp mắt của người có nghề như HLV Miura.

Những gì mà Công Phượng thực hiện sau 6 vòng đấu đầu tiên của V-League quá nhạt nhòa. Không những không thể so với trình độ V-League, mà Công Phượng còn có dấu hiệu tụt lại so với những đồng đội cùng trang lứa, nhất là so với Tuấn Anh.

Điều đáng ngại nhất nơi lối chơi của Công Phượng nằm ở chỗ người ra e rằng lối chơi ấy không hợp với bóng đá đỉnh cao, vì nó quá lắt nhắt, rườm rà và khả năng thích nghi lại kém.

Trông vào HLV Miura

Sở dĩ Công Phượng và nhiều đồng đội thích nghi kém có lẽ là do từ 7 – 8 năm nay, dàn cầu thủ của bầu Đức chỉ đá chung với nhau, rồi chỉ biết đến một HLV duy nhất là ông Graechen Guilllaume, từ lúc mới bắt đầu học đá bóng, cho đến lúc trưởng thành.

Ngay cả khi đá ở các giải trẻ năm ngoái cũng vậy, U19 Việt Nam năm ngoái dù mang danh là đội tuyển cấp quốc gia, nhưng thực chất chỉ là học viện của bầu Đức có tăng cường.

Bây giờ thì Công Phượng được làm quen với HLV Miura, thứ nhất đây là chuyên gia khác hoàn toàn với “giáo viên” đào tào trẻ Graechen Guillaume, thứ hai vị HLV người Nhật mang trong mình phong cách huấn luyện của bóng đá đỉnh cao, chứ không phải là những bài học xáo mòn mà Công Phượng và các đồng đội cứ phải lặp đi lặp lại suốt 7 – 8 năm trời.

Người ta hy vọng rằng HLV Miura sẽ giúp Công Phượng và nhiều cầu thủ xuất thân từ đội bóng của bầu Đức vỡ ra nhiều bài học quý, đầu tiên là khả năng thích nghi với một môi trường mới, những đồng đội mới. 

Tiếp đến là thích nghi với sự cạnh tranh nơi đội tuyển Olympic, chứ không phải cách mà họ luôn được đặt sẵn chỗ như suốt hơn 1 năm vừa rồi.

Người ta hy vọng rằng HLV Miura sẽ dạy cho Công Phượng nói riêng và các cầu thủ của bầu Đức nói chung những bài học thực tế, thay vì chỉ là lý thuyết ở trường, rồi khi đem vào áp dụng nơi bóng đá đỉnh cao, lứa này đang lạc lỏng vì ở quá xa so với thực tế.

Muốn thế thì người lớn bớt can thiệp vào công việc của vị HLV người Nhật. Nếu thế thì trong quá trình sàng lọc danh sách sơ bộ (30 cầu thủ hiện tại tập trung ở đội Olympic chỉ là danh sách sơ bộ), để đi đến danh sách chính thức, lỡ Công Phượng hay bất cứ cầu thủ nào khác bị loại thì người lớn làm ơn xem như đấy là điều bình thường của quy luật cạnh tranh. Bởi họ càng dành sẵn chỗ cho các cầu thủ cưng của mình, thì càng có nguy cơ làm hại sự phát triển của Công Phượng và các đồng đội.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG