Anh Ngô Chí Hùng (công nhân Công ty Thoát nước đô thị TPHCM) vừa lau nước mắt, vừa nói mỗi lần ngụp lặn xuống cống nạo vét, thu gom rác để chống ngập là để lại trong anh nhiều cảm xúc.
Anh Hùng kể: Chúng tôi nhiều lần bị bỏng vì nước cống có hóa chất. Nhiều anh em công nhân đạp miểng chai, sắt thép nhọn, ông kim tiêm… bị vứt xuống cống. Có nơi vừa thu gom hôm trước, hôm sau quay lại thì rác đã ngập ngụa trong lòng cống. Chúng tôi vớt không xuể
“Chúng tôi cảm thất rất tủi thân. Vì sao công nhân vệ sinh môi trường, cũng vì dân phục vụ, ngụp lặn dưới dòng nước đen hôi thúi để vớt rác mà không được tôn trọng? Họ thản nhiên vứt rác xuống cống trước mặt chúng tôi. An hem lên tiếng nhắc nhở thì bị mắng, thậm chí dọa đánh”, anh Hùng ấm ức.
Anh Hải (Đội trưởng Đội vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) kể công việc hàng ngày của các công nhân là bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Nhiều hôm rác trên kênh quá nhiều, anh em làm đến 18 giờ tối. Có hôm, mới 4 giờ sáng đã bắt đầu vớt rác vì lệ thuộc thủy triều. Rác dưới kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và Tân Hóa – Lò Gốm rất đa dạng; từ nệm mút cũ, salon, thậm chí giường tủ, bàn ghế hư hỏng… đều bị tống sống kênh.
Anh chia sẻ: Anh em lặn xuống kênh vớt lên thì người nổi đầy mụn, ghẻ, sức khỏe bị ảnh hưởng. Trời nắng hay trời mưa làm công việc vớt rác đều cực như nhau. Trước khia, tôi cứ nghĩ xuống kênh vớt rác, ngâm mình trong nước thì sẽ rất mát mẻ nhưng sự thật không như vậy. Năm vừa rồi đội của tôi có 5 công nhân xin nghỉ việc. Làm việc trong môi trường độc hại nhưng thu nhập bình quân của công nhân chỉ từ 5-7 triệu đồng/tháng nên cuộc sống nhiều người rất khó khăn”.
Chị Trần Khánh Xuân (công nhân Công ty Dịch vụ Công ích Quận 1) kể công việc quét dọn rác hàng ngày của chị bắt đầu lúc 5 giờ sáng, lúc người dân đang ngủ say để trả lại những con đường, góc phố sạch đẹp khi mọi người thức dậy. Vậy mà vẫn còn không ít người dân thiếu ý thức; tụ tập, ăn uống xong để rác tại chỗ hay vứt thẳng xuống kênh rạch.
“Họ nói nếu tụi tao không vứt rác thì làm sao có công việc cho tụi bay làm khi công nhân đến nhắc nhở đừng xả rác. Nhiều quán bar, hàng quán vứt rác ra đường bất kể giờ giấc. Trong các dịp lễ hội, Tết, phố đi bộ Nguyễn Huệ rất vui nhưng khi người dân ra về thì để lại cả một bãi chiến trường. Phường Bến Nghé có cầu Thị Nghè 1, Thị Nghè 2, người buôn bán vứt rác tại chỗ. Xe ba gác cũng lén lút đổ rác, xà bần xuống các bãi đất trống. Mình rất bực nhưng không có quyền hạn xử lý, chỉ biết dọn dẹp cho họ.
Anh Thạch Thiên Hữu (công nhân Công ty Môi trường Đô thị TPHCM) cho biết trên địa bàn quận có nhiều đơn vị thu gom rác dân lập từ chối thu gom rác thải độc hại nên người dân phải lén lút vứt rác ở nơi công cộng. Có những nơi, đặc biệt là các chung cư, nhiều cư dân không mang rác xuống đất mà ném cả bịch từ trên lầu xuống. Có công nhân bị ném cả bịch rác vào đầu…
Long (công nhân Công ty dịch vụ Công ích Quận 12) ngậm ngùi: Cách đây 3 ngày, một công nhân đang quét dọn rác trong lề thì bị xe máy đâm thẳng vào người. Hai năm trước, một công nhân đang làm việc thì bị xe bán tải lao từ bên kia đường qua tong tử vong.
Theo ông Uông Văn Sang (phụ trách đội phản ứng nhanh Công ty Thoát nước Đô thị TPHCM) đề nghị các bộ phận thu gom rác cần thống nhất với người dân thời điểm nhận rác và yêu cầu không đưa rác ra đường chờ thu gom. Ông Sang kể: “Tôi gặp rất nhiều trường hợp bỏ rác ở gốc cây, hố ga. TPHCM đang vào mùa mưa. Những bao rác to đùng có thể trôi xuống cống làm tắc nghẽn cống và gây ngập nước. Công ty có bộ phận đi lượm từng bao rác trên miệng cống nhưng thú thật là lượm không xuể”.
Ông Cao Văn Tuấn, đại diện Công ty Môi trường Đô thị TPHCM cho biết mỗi ngày, thành phố thải ra khoảng 9.200 tấn chất thải rắn sinh hoạt; khoảng 1.500 – 2.000 tấn chất thải công nghiệp không nguy hại; 1.500 - 1.700 tấn chất thải rắn xây dựng; 350 - 400 tấn chất thải nguy hại và 22 tấn chất thải rắn y tế nguy hại.
Theo ông Tuấn, sự gia tăng nhanh chóng khối lượng rác hàng năm (từ 6 - 10%), sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân với các hành vi xả rác ra đường và kênh rạch đã tạo nhiều áp lực cho các đơn vị thu gom rác và cho công tác quản lý chất thải rắn của TPHCM.
Theo ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM, cuộc vận động người dân không xả rác đã có tác động tích cực đến ý thức, hành vi của người dân. Các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia chuyển hóa hơn 700 điểm đen tồn đọng về rác. Nhiều mô hình sinh hoạt cộng đồng, cây xanh hình thành từ các điểm nóng trước kia.
Cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thật sự quan tâm, đặc biệt là thiếu biện pháp chế tài hành vi xả rác. Công nhân băn khoăn về chính sách tiền lương còn thấp. Ban Dân vận sẽ lắng nghe, báo cáo đầy đủ với Ban thường vụ Thành ủy, UBND TPHCM để xem xét giải quyết.
“Sự hy sinh thầm lặng, lao động vất vả của công nhân vệ sinh môi trường phải được tôn vinh. Sự thờ ơ, cố tình gây khó khăn cho công nhân môi trường phải bị lên án”, ông Lưu bày tỏ.