Công nhân cà phê Ia Pia kêu cứu

Công nhân cà phê Ia Pia kêu cứu
TP - Nhiều năm qua mỗi công nhân trồng cà phê ở Ia Pia, Ia Vêr được Xí nghiệp VINACAFE II tại Gia Lai (Vina) cấp 12 kg gạo, 1 kg cá khô, 1 lít nước mắm/tháng.

Nhưng nguồn trợ cấp đó cũng từ tháng 2/2006 đến nay đã cạn kiệt, khiến hàng trăm công nhân phải kêu cứu...

Người lao động khốn đốn

Chiều 30/3/2006, sau 3 tháng nợ hơn 600 triệu đồng tiền điện, Điện lực Gia Lai cắt toàn bộ điện sinh hoạt và sản xuất ở Nông trường cà phê Ia Pia của XN cà phê Vina (trực thuộc Cty Dịch vụ và Xuất khẩu Cà phê II-Tổng Cty Cà phê Việt Nam).

Hơn 600 công nhân trồng cà phê ở đây rơi vào tình cảnh điêu đứng. Không điện, những dãy nhà tập thể tối tăm, oi bức dưới cái nóng như thiêu đốt giữa mùa khô Tây Nguyên. Không bơm được nước giếng sinh hoạt, nhiều gia đình phải đi 3-4 km khiêng từng can nước về dùng. Trẻ em nhớp nhúa, người lớn bức bối.

Chúng tôi vào khu tập thể Đội 4, cả chục người ở nhưng không có lấy một ngụm nước tiếp khách. Nghe có nhà báo về, hàng trăm người từ các đội khác kéo đến. Chị Nguyễn Thị Đức-quê Nghi Xuân -Hà Tĩnh, công nhân Đội 7 nói trong nước mắt:

“Vợ chồng tôi vào đây từ năm 1999, lúc mới thành lập nông trường, thấy đất đai tươi tốt, màu mỡ nghĩ đây là miền đất hứa nên ra sức làm ăn. Song càng làm càng nợ nần, đói khổ.

Anh Võ Văn Thọ-chồng tôi nhận 1 ha cà phê vối, Xí nghiệp giao khoán 3 năm từ 2004 đến 2006 tổng cộng 31 tấn, song vụ mùa 2004 chỉ thu được 3,3 tấn, vụ 2005 thu 2,5 tấn vụ 2006 này mới tưới nước đợt 1, hoa cà phê đã khô hết, chắc chắn năng suất sẽ thấp hơn vụ 2005.

Nhận 1 ha cà phê sau 3 năm chồng tôi phải gánh món nợ hơn 20 tấn cà phê. Ngoài công sức bỏ ra 7 năm ròng chẳng thu được tý nào, với mức khoán thế này càng làm càng nợ!”.

Chị Đức còn cho biết: Số công nhân vào cùng lúc với vợ chồng chị đã bỏ đi gần hết, vợ chồng chị có 3 đứa con nhỏ, lo ăn từng bữa không đủ lấy tiền đâu mua vé xe về quê!

Chị Đỗ Thị Ngọc nhận 0,95 ha cà phê trồng năm 2000. Lô của chị Ngọc, cà phê tốt nhất xí nghiệp, song năm đầu năng suất đạt 4/5 tấn giao khoán, năm thứ 2 được 4/7 tấn giao khoán, năm 2006 này khoán 9 tấn năng suất chắc tầm 3 tấn.

Lại lỗ, lại nợ. Vợ chồng chị Ngọc đến nay là con nợ ít nhất xí nghiệp nhưng cũng đã nợ đến 14 tấn cà phê quả tươi. Chị Ngọc nêu ý kiến rằng từ năm 2003 đến nay nhiều công nhân người Kinh phải gánh thêm phần chăm sóc 1 lô cho công nhân đồng bào dân tộc ít người, song tiền công của họ xí nghiệp Vina vẫn chưa thanh toán.

Vợ chồng chị Ngọc quê từ Hà Tây vào làm công nhân, chuyển hộ khẩu vào giao cho cán bộ xí nghiệp xác nhận để ra xã Ia Pia-Chư Prông nhập khẩu, song cán bộ tổ chức làm mất hết giấy tờ. Bây giờ gia đình chị thành người bất hợp pháp.

Công an huyện Chư Prông kiểm tra không có hộ khẩu đã phạt tiền vợ chồng chị (và nhiều người khác), con sinh ra không được làm giấy khai sinh, ốm đau không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Nhiều chị em công nhân xí nghiệp sinh đẻ không có chế độ thai sản...

Đời sống của hơn 600 công nhân ở đây ngày càng khốn đốn. Từ tháng 5/2004, mỗi công nhân được cấp 16kg gạo và ứng thực phẩm trị giá 150.000đ/tháng cho cả gia đình.

Từ tháng 11/2005 đến nay giảm còn 12 kg gạo, 1 kg cá khô và 1 lít nước mắm. Do nông trường cà phê ở vùng sâu vùng xa cách chợ  hơn chục km nên đời sống kinh tế, văn hóa xã hội hết sức thiếu thốn.

Tổng Cty Cà phê Việt Nam cần vào cuộc

Ngày 6/4/2006, chúng tôi có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Thông-Giám đốc XN Vina cà phê. Ông Thông cho biết, toàn XN có 731 ha cà phê, ở Ia Pia, Ia Vêr (Chư Prông) có 658 ha và 622 công nhân, hàng trăm người là đồng bào dân tộc tại chỗ.

Dự án ở Ia Pia, Ia Vêr triển khai từ năm 1999, được xem là dự án thành công của Tổng Cty Cà phê Việt Nam do giá đầu tư không tăng so với dự toán. Xí nghiệp là đơn vị hạch toán phụ thuộc Cty VINACAFE II, song từ năm 2001 Cty mẹ liên tục thua lỗ, nợ hiện nay hàng trăm tỷ đồng do vậy 3 năm nay dự án này không được tiếp tục vay vốn đầu tư.

Cty VINACAFE II nhiều lần đề nghị Tổng Cty Cà phê Việt Nam - đơn vị phê duyệt dự án có biện pháp tháo gỡ song vẫn không có văn bản trả lời. Hiện nay Tổng Cty đang thực hiện quyết định 49, Cty VINACAFE II trong diện giải thể, phá sản nên XN Vina lại càng khó khăn.

Ông Thông cho biết tiền đầu tư vào Nông trường cà phê Ia Pia đã lên đến hàng trăm tỷ đồng và số phận hơn 600 công nhân ở đây rất cần giải pháp kịp thời của Tổng Cty Cà phê Việt Nam. Quyền lợi chính đáng của người lao động ở đây rất cần được giải quyết thỏa đáng.

MỚI - NÓNG