'Hồ Gươm không phải bể cá để thích thả gì thì thả'

'Hồ Gươm không phải bể cá để thích thả gì thì thả'
TPO - KTS Đỗ Vinh Phúc không đồng tình với ý tưởng thả cá thể rùa mới xuống hồ Gươm để thay thế cho "cụ rùa" đã mất. Ông Phúc thẳng thắn nói Hồ Gươm là nơi tâm linh, "không phải bể cá mà thích thả gì thì thả".

Trong cuộc họp giao ban Thành ủy ngày 28/11, ông Võ Tiến Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội thông tin: Qua khảo sát đánh giá môi trường để tiến hành thực hiện nạo vét Hồ Gươm, đơn vị chức năng không còn thấy "cụ rùa" nào như trước đây.

Trước thông tin trên, một số chuyên gia đã có ý tưởng về việc thả một “cụ rùa” mới vào hồ. Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Hồ Gươm có Tháp Rùa mà nay không còn rùa thì rất buồn. Rùa là biểu tượng của Hồ Gươm từ hàng trăm năm, ngay từ tên hồ cũng gắn liền với sự tích trả gươm. Được biết, ý tưởng này đã được ông đưa ra cách đây gần 2 năm khi cụ rùa Hồ Gươm mất năm 2016.

Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Hà Đình Đức - người có nhiều năm nghiên cứu về “cụ rùa” Hồ Gươm cho biết: Hồ Gươm có tất cả 4 cụ rùa, 3 cụ mất cách đây rất lâu, cụ cuối cùng mất ngày 19/1/2016. Suốt 1 năm qua, quá trình theo dõi không phát hiện thêm cụ rùa nào.

Ông Đức nêu quan điểm, Hồ Gươm có “cụ rùa” là rất tốt, nhưng thả loại rùa nào thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Không thể đem rùa Đồng Mô hay một loại rùa bất kỳ nào thả ở đây vì sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như sinh thái Hồ Gươm.

Trước đây có một số rùa ở Thanh Hoá, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ được xác định có AND giống với cụ rùa Hồ Gươm. Nhưng hiện đã không còn, chưa có dấu hiệu nào hậu duệ của cụ rùa Hồ Gươm còn sống.

KTS Đỗ Vinh Phúc cũng không đồng tình với quan điểm thả rùa xuống hồ Gươm thay thế cụ rùa, ông Phúc cho rằng, Hồ Gươm là nơi tâm linh, không phải bể cá mà thích thả gì thì thả. Là người sống ở Hà Nội từ bé, Hồ Gươm là giá trị tồn tại trong tim mỗi người, nơi đó có rùa Hồ Gươm mà mọi người vẫn cung kính gọi là “cụ rùa”.

MỚI - NÓNG