Giải mật Thủy Hử: Khoanh vùng nghi phạm phóng độc tiễn hại chết Tiều Cái

TPO - Người phóng độc tiễn hại chết trại chủ Lương Sơn Tiều Cái ở trận chiến Tăng Đầu thị, phải là kẻ có động cơ làm phản, có tài năng bắn cung. Mật ngữ của tác giả Thi Nại Am cài trong Thụy Hử phần nào chỉ ra "hung thủ".
Sát thủ ẩn mặt phóng độc tiễn hại Tiều Cái nằm trong số hai mươi viên tướng mà vị trại chủ Lương Sơn này dẫn theo trong trận chiến Tăng Đầu thị. Trong số hai mươi viên đầu lĩnh này, có thể loại tiếp mười người theo Tiều Cái cướp trại. Hiển nhiên khi rút chạy thì Tiều Cái phải thuộc nhóm đi đầu và các tướng có nhiệm vụ vây quanh bảo vệ đại ca. Việc tách nhóm giữa đám loạn quân để chạy tới trước, rồi mai phục đón lõng là khó khả thi. Đây sẽ không phải là kế hoạch được tính toán kỹ của sát thủ, bởi quá nhiều bất trắc có thể làm hỏng kế hoạch đó. Một sát thủ muốn ra tay thì không thể thiếu thiên thời, địa lợi và nhân hòa.
Nếu sát thủ là một trong mười vị tướng theo Tiều Cái cướp trại, anh ta không có thời gian để thiết lập nơi mai phục, và cũng rất khó để một mình bí mật tách khỏi đám tàn binh bại tướng mà chạy đến địa điểm thích hợp chọn trước. Đó là một kế hoạch mang đầy tính rủi ro.
Như vậy chỉ có thể khoanh vùng nghi phạm trong mười viên tướng ở đạo quân thứ hai, bao gồm: Lâm Xung, Từ Ninh, Mục Hoằng, Trương Thuận, Dương Hùng, Thạch Tú, Tôn Lập, Hoàng Tín, Đặng Phi, Dương Lâm.
Giải mật Thủy Hử: Khoanh vùng nghi phạm phóng độc tiễn hại chết Tiều Cái ảnh 1 Tiều Cái trúng độc tiễn.
Để xác định gã phản bội trong số mười viên đầu lĩnh kể trên, chúng ta cần nhấn mạnh lại một số quan điểm như sau: thứ nhất sát thủ phải có động cơ làm phản, thứ hai phải có tài năng bắn cung, và thứ ba, quan trọng nhất là mật ngữ của tác giả cài trong bộ truyện (xem các phần trước ở đây).
Nhất định không phải Lâm Xung
Lâm giáo đầu là thần tượng của nửa số người đọc Thủy Hử, chàng không thể là kẻ phản bội. Giả như có chút nghi vấn liên quan đến chàng thì tôi cũng không dám viết ra để thổi bùng cơn giận dữ của độc giả. Nhưng đúng là Lâm Xung không có động cơ giết Tiều Cái. Lâm là người thuộc cựu đảng, một tay giết Vương Luân để đưa Tiều Cái lên ngôi trại chủ. Nếu lại ra tay với trại chủ đời sau thì còn ai dám dùng chàng ta nữa. Con người Lâm Xung được coi là thẳng thắn trượng nghĩa, còn nhớ vụ đầu danh trạng, khi ở bước đường cùng mà Lâm còn suy nghĩ đắn đo mãi mới ra tay đánh người vô tội.  Hơn nữa tội của Lâm với triều đình rất lớn, không kể hiềm khích với Cao Thái úy, thì những tội rành rành là đốt thảo trường, giết quan lại, bỏ trốn khi đang chịu lưu đày... đều khó lòng để được dung tha.
Giải mật Thủy Hử: Khoanh vùng nghi phạm phóng độc tiễn hại chết Tiều Cái ảnh 2 Hình ảnh Lâm Xung trong bản phim Thủy Hử
Xét ở hoàn cảnh bấy giờ, đám giặc Lương Sơn Bạc chưa phải mối nguy lớn như Tứ khấu (chỉ nước Liêu, Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp, là bốn đối tượng bị quân Lương Sơn chinh phạt sau khi về với triều đình). Quân Lương Sơn mới dám duy nhất đánh phá Thanh Châu. Các đạo quân triều đình chinh phạt Lương Sơn đều là nhỏ lẻ. Thế nên điều kiện để được chiêu an chưa lớn như sau này. Giả như có được chiêu an thì những đại phạm như Lâm Xung và đám cướp sinh thần của Sái thái sư cũng khó mà được an ổn. Vả lại Lâm cũng không hề có chí muốn trở lại làm quan. Như vậy giết Tiều Cái để Tống Giang lên ngôi chủ không có lợi cho Lâm.
Không có khả năng là Hoàng Tín

Mặc dù Thủy Hử từng mô tả Hoàng Tín biết dùng cung, nhưng quay lại mối quan hệ của Hoàng Tín với Tống Giang, ta không thấy manh mối nào cho thấy Hoàng Tín thân thiết tới mức có thể bán mạng cho Tống Giang. Con người Hoàng Tín cũng thuộc dạng nhỏ mọn, thích danh hão, tự tư tự lợi. Hồi 33 Thủy Hử tả khi đánh nhau với ba anh em trại Thanh Phong: “Sau Hoàng Tín thấy thế ba người hăng hái, sợ khi lỡ ra mình lại bị bắt thì tất nhiên giảm mất uy danh, liền ngoắt cương ngựa quay về lối sau để chạy. Ba anh hảo hán thấy vậy cùng nhau gắng sức đuổi theo. Hoàng Tín không kịp nom đến quân lính, ra roi hết sức mà chạy tháo một mình về tót ngay Trấn Thanh Phong.”
Rồi khi Hoàng Tín về hàng Tống Giang cũng là trong hoàn cảnh vô cùng bất lợi: binh thua tướng mất, trại bị vây, mà kề bên lại đang có một ông sư phụ Tần Minh tới làm thuyết khách. Để so sánh quan hệ giữa Tống Giang và Hoàng Tín với mối quan hệ giữa Tống Giang và các tướng khác, ta thấy mỗi khi chiêu hàng được người nào, Tống Giang thường cuốn lấy làm đủ trò, này cởi trói, nào xụp xuống lạy, nói toàn ái ngữ... nhưng riêng khi Hoàng Tín lại hàng, cả một đoạn truyện không hề nhắc tới việc họ Tống ngó ngàng đến họ Hoàng: “Tống Giang truyền lệnh cho bọn lâu la, không được giết hại một người dân và một người lính nào trong trại đó. Lại truyền cho vào trại bên nam, bắt hết cả nhà Lưu Cao để giết. Vương Nụy Hổ được lệnh ấy, vội vàng đến đó cướp lấy vợ Lưu Cao, cùng các thứ kim ngân tài vật, lừa ngựa trâu dê thì giao cho đám lâu la thu nhặt để tải về. Hoa Vinh trở về nhà thu dọn các đồ đạc. Công việc thu xếp đâu đấy yên ổn rồi, mấy vị hảo hán cùng nhau dóng ngựa áp tải các đồ vật mà trở về sơn trại.”
Giải mật Thủy Hử: Khoanh vùng nghi phạm phóng độc tiễn hại chết Tiều Cái ảnh 3 Hoàng Tín
Nếu độc giả còn ngờ vực thì có thể dẫn tiếp một chứng cứ cho thấy mối quan hệ của Tống Giang và Hoàng Tín là cực tệ. Hồi 63 Thủy Hử khi Đại đao Quan Thắng đánh Lương Sơn, Hô Duyên Chước trá hàng, ra trận lập công giết một tiểu tướng bên Lương Sơn, trá xưng là Hoàng Tín.
“Quan Thắng nghe nói, vội thu quân về trại, cất chén mừng Hô Duyên Chước mà hỏi rằng:
- Trấn Tam Sơn Hoàng Tín là thế nào?
Hô Duyên Chước nói:
- Người đó cũng là mệnh quan của triều đình, trước làm Đô giám ở Thanh Châu, sau cùng với Hoa Vinh, Tần Minh cùng đi lạc thảo. Hắn ta bình nhật đối với Tống Công Minh vẫn là bất hợp; ngày nay Tống Giang sai hắn ra đánh, chính là muốn giết đi cho rảnh.”
Đoạn trích cho thấy mối quan hệ xấu giữa Tống và Hoàng nhiều người hay biết nên Hô Duyên Chước mới nhân đó bịa chuyện. Cho nên nói Hoàng Tín bán mạng cho Tống Giang thực khó tin. Bởi không vì tình nghĩa mà bán thì chỉ có thể vì ngôi vị trong trại. Kết quả ta thấy vị trí của Hoàng Tín khá xoàng, không được xếp trong ngôi Thiên Cang, mà chỉ thuộc nhóm 16 viên mã quân tiểu bưu tướng. Trong khi nói về thời gian lên Lương Sơn, Hoàng Tín thuộc nhóm thứ hai, chỉ sau nhóm bảy người Tiều Cái. Trong 16 viên tiểu tướng này ta thấy có cả loại vô danh tiểu tốt như Trần Đạt, Dương Xuân, Chu Thông.
Phải chăng là Tôn Lập?
Bệnh Uất Trì Tôn Lập được miêu tả là một tay kiện tướng, đánh ngang sức với Hô Duyên Chước và cũng tài nghề cung tiễn “mình cao tám thước, bắn được cung cứng, cưỡi nổi ngựa hay”.
Chúng ta không thấy Thủy Hử mô tả về mối quan hệ giữa Tôn Lập và Tiều Cái hay Tống Giang, nên khó mà luận về động cơ hành động của Tôn Lập. Tuy nhiên họ Tôn giống như họ Lâm, đều tự mình tạo ra tội to với triều đình: bản thân là quan quân mà kết giao với đảng sơn tặc (Trâu Uyên, Trâu Nhuận), phá ngục Đăng Châu, lại giả danh quan binh triều đình để đánh phá Chúc gia trang. Tội của Lập là tử tội, khó lòng được dung thứ. Do vậy việc phế Tiều lập Tống không có lợi gì cho Tôn cả.
Giải mật Thủy Hử: Khoanh vùng nghi phạm phóng độc tiễn hại chết Tiều Cái ảnh 4 Bệnh Uất Trì Tôn Lập
Sau khi Tống Giang lên ngôi chủ trại Lương Sơn, ta cũng thấy Tôn Lập không được lợi lộc gì, dẫu võ công cao cường không kém Hô Duyên Chước trong ngũ hổ, mà địa vị chỉ thuộc nhóm mã tướng hạng ba như Hoàng Tín, dưới cả mấy anh loàng xoàng như Sử Tiến, Mục Hoằng.
Như vậy, ta có thể loại Tôn Lập ra khỏi vòng nghi vấn để tập trung vào bảy nghi phạm còn lại.
Từ Ninh, Mục Hoằng, Trương Thuận, Dương Hùng, Thạch Tú, Đặng Phi, Dương Lâm. Trong bảy người này thì Mục Hoằng là tay mã tướng khá thiện chiến. Thạch Tú xuất thân tiều phu lội rừng, có thể hơi biết bắn cung, còn lại thì thông tin khá ít ỏi. Ta buộc phải dùng phương pháp đặc biệt: hỏi chính tác giả - để khoanh vùng thủ phạm.
(Còn tiếp)
MỚI - NÓNG