Pakistan

Công nghệ chế biến thuốc giả bằng vữa

Công nhân chế biến thuốc giả ở Pakistan. Ảnh: CNN
Công nhân chế biến thuốc giả ở Pakistan. Ảnh: CNN
Công nhân tại nhiều xưởng ở Pakistan nghiền vữa và trộn chúng với vài chất độc trước khi đổ vào chai, viên nang để tuồn vào các hiệu thuốc.

“Con gái tôi mắc chứng viêm phổi nên tôi mua thuốc từ cửa hàng gần nhà để bé uống. Tuy nhiên, sức khỏe của cháu ngày càng yếu dần. Khi bác sĩ tới nhà để khám, ông ấy nói rằng loại thuốc tôi mua là hàng giả và và việc cho bé uống chúng chẳng khác gì đầu độc con”, Shazill Maqsood, một người Pakistan, kể.

Các cửa hàng dược ở Pakistan mọc lên như nấm. Họ bán đủ loại thuốc như viên nang, viên nén, siro để chữa mọi bệnh. Mặc dù vậy, chủ cửa hàng không thể đưa ra bằng chứng để chứng minh rằng chúng là thuốc chính hãng.

Một video do CNN công bố gần đây cho thấy công nhân nghiền vữa tường thành bột để chế thuốc trong một hẻm gần các cửa hàng dược.

“Các viên nang, chai hoặc siro đều chứa loại bột giống nhau, chỉ khác về màu sắc. Chúng tôi mua nguyên liệu từ khu vực lân cận, bao gồm chai, hộp, nắp chai, vỏ viên nang”, một công nhân nói trong lúc cho bột vào chai để bán.

Javed Iqbal, nhân viên hiệu thuốc, cho biết, ông bán chai, lọ đựng thuốc nhưng phủ nhận việc ông biết những người làm thuốc giả.

“Họ có thể đựng rượu hoặc thuốc. Chúng tôi không biết”, Iqbal nói.

John Clark, một quan chức của Cơ quan xuất nhập cảnh và hải quan Mỹ (ICE) cho hay, kết quả phân tích các loại thuốc giả mà cảnh sát tịch thu ở Mỹ cho thấy thành phần gồm thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, bột vữa tường, sơn và nhiều chất khác.

Phát biểu trước Quốc hội năm 2010, ông Rehman Malik, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan, cho biết, khoảng 45-50% thuốc trên lãnh thổ đất nước là hàng giả hoặc có chất lượng thấp. Năm 2012, một vụ việc xảy ra ở Pakistan khiến 120 người tử vong sau khi uống thuốc chữa bệnh tim.

Xuất khẩu thuốc giả

Công nghệ chế biến thuốc giả bằng vữa ảnh 1

Những gói thuốc giả do hải quan Mỹ tịch thu. Ảnh: CNN

Người dân Pakistan tiêu thụ phần lớn thuốc giả trong nước. Phần thuốc còn lại được xuất sang các quốc gia châu Âu và Mỹ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng một triệu người trên thế giới chết mỗi năm do dùng thuốc giả hoặc kém chất lượng.

“Chúng tôi làm việc ở đây nhưng không khuyên mọi người mua các loại thuốc này. Chất lượng của chúng không cao”, người đàn ông che mặt trong xưởng làm thuốc giả ở Pakistan cho biết.

Trong khi đó, tại các cửa hàng dược, nhân viên vẫn bán thuốc và bận rộn thu tiền của khách hàng.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG