Trao đổi với hơn 400 sinh viên tham gia sự kiện, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội cho biết Insurtech đã và đang đem lại những lợi ích vượt trội cho khách hàng nhưng cũng không ít thách thức cho các doanh nghiệp bảo hiểm. “Từ vài năm nay, đặc biệt là năm 2017-2018, các công ty bảo hiểm ứng dụng Insurtech đang có những cuộc thay đổi trong hoạt động, sản phẩm, dịch vụ mang tính cách mạng. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm mạnh mẽ ứng dụng công nghệ vào trong các giai đoạn của chuỗi giá trị bảo hiểm, từ khâu nghiên cứu thị trường, marketing, thiết kế sản phẩm, đánh giá rủi ro, bán sản phẩm, sau bán hàng cho đến giải quyết chi trả quyền lợi cho khách hàng, đã nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động chạy nhanh hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ”, ông Dũng phát biểu.
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống, theo ông sẽ gặp nhiều thách thức như khả năng tụt hậu, không theo kịp được xu thế, kèm theo đó là những thay đổi về tư duy, về thói quen, thay đổi hệ thống, quy trình nghiệp vụ….
Có mặt trong buổi nói chuyện chuyên đề, bà Vương Mỹ Phụng, Phó Tổng giám đốc phụ trách bộ phận chiến lược tiếp thị và truyền thông Công ty Bảo hiểm FWD đã có những chia sẻ mới mẻ về một công ty bảo hiểm công nghệ như FWD Việt Nam. FWD là một công ty thực hiện 100% phương thức thanh toán hoàn toàn bằng điện tử, không nhận bằng tiền mặt, là công ty 100% không sử dụng giấy, ngay từ thời khắc đầu tiên các nhân viên tư vấn tài chính đến gặp khách hàng, giới thiệu với khách hàng dựa trên ipad và việc giúp khách hàng đăng ký hợp đồng bảo hiểm của mình, đơn đăng ký bảo hiểm của mình cũng hoàn toàn là trên ipad.
Đối với FWD, công nghệ trong bảo hiểm sẽ được dùng xuyên suốt trong một mô hình kinh doanh chứ không chỉ bắt đầu từ một phòng ban, từ giai đoạn bán sản phẩm bảo hiểm đến phát hành hợp đồng bảo hiểm cho đến việc cam kết bồi thường hợp đồng bảo hiểm như thế nào cũng như là đưa đến trải nghiệm cho khách hàng.
Ông Vũ Công Thắng, Giám đốc Cấp cao Phụ trách Chiến lược Kinh doanh Công ty BHNT Manulife Việt Nam cũng đã có bài trình bày thu hút về ứng dụng 4.0 trong InsurTech trong doanh nghiệp mình để tìm hiểu về ứng dụng 4.0 trong dịch vụ khách hàng và hỗ trợ đại lý cũng như nghề bảo hiểm nhân thọ trong thời đại 4.0. Ông Thắng cho biết Manulife đang ngày càng có những bước tiến mới trong việc áp dụng công nghệ, điển hình như ePos là giải pháp giúp cho các đại lý bảo hiểm, hay ứng dụng dành cho khách hàng Ginie.
Tại buổi nói chuyện, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng đã trao tặng cho Nhà trường và các em sinh viên 50 cuốn Từ điển bảo hiểm, hiện là tài liệu giá trị đối với các giảng viên, sinh viên quan tâm đến đến ngành tài chính-bảo hiểm.
Buổi nói chuyện chuyên đề tại Đại học Kinh tế TP.HCM được Hiệp hội tổ chức tiếp sau thành công của các buổi nói chuyện với sinh viên tại Đại học Kinh tế Quốc dân - Hà Nội và Đại học Tôn Đức Thắng - TP.HCM, nâng tổng số sinh viên tiếp cận với ngành bảo hiểm lên 1.300 sinh viên trong năm 2018.
Đây là một trong những hoạt động xã hội mà Hiệp hội cùng 18 doanh nghiệp thành viên triển khai nhằm mang lại những kiến thức mới nhất, những xu hướng thay đổi trong ngành bảo hiểm nhân thọ đến với sinh viên - những người sẽ là lực lượng lao động chính trong ngành bảo hiểm. Từ sự thấu hiểu về ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm nhân thọ với cuộc sống và sự đóng góp của ngành đối với nền kinh tế, các sinh viên sẽ có sự ủng hộ nhiệt thành đối với bảo hiểm nhân thọ để đảm bảo an toàn tài chính cho bản thân và cho những người thân yêu.