Công khai thi hộ, giao dịch qua Facebook

Sinh viên H.N (phải) gửi thẻ sinh viên nhờ phóng viên thi hộ ngay trước cổng trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Sinh viên H.N (phải) gửi thẻ sinh viên nhờ phóng viên thi hộ ngay trước cổng trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Việc sinh viên đua nhau tìm người học hộ, thi hộ không những đã phổ biến mà ngày càng diễn ra công khai và rất dễ dàng.

Vào Facebook, sẽ có ngay nhan nhản thông tin cần người học hộ, thi hộ trải rộng nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là ở Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM… 

Một “sàn” giao dịch âm thầm hoạt động nhưng lại khá sôi động với nhiều dịch vụ. Từ điểm danh thay, học hộ trong thời gian dài cho đến thi hộ, làm tiểu luận, làm bài thi qua mạng, làm thẻ sinh viên giả…

Bất kỳ một sinh viên, người đi học nào có nhu cầu chỉ cần đăng lên trang Facebook có tên là “Hoc Thue” lập tức người quản trị (admin) sẽ để lại yêu cầu và số điện thoại để “rao tin”.

Sau một thời gian tìm hiểu, chúng tôi liên hệ với nữ sinh viên N.T.H.N (21 tuổi), rao trên trang này là cần thuê người học giúp 3 môn học của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Sau khi liên hệ qua tin nhắn điện thoại, chúng tôi nhanh chóng nhận được phản hồi đồng ý.

Tiếp tục lần theo những số điện thoại được đăng trên các trang Facebook tuyển người thi hộ, chúng tôi liên hệ được với một sinh viên nam tên N.V.D (21 tuổi, sinh viên năm cuối). 

Khi gặp chúng tôi, với vẻ mặt khá mệt mỏi và lo lắng, D. liền đưa ngay lịch thi cho chúng tôi vì đã cận ngày thi. Sau đó, D. đề nghị chúng tôi bắt chước theo chữ ký mẫu của mình. 

D. dặn dò kỹ: “Phải ký cho thật giống vì trường soi chữ ký khi thi, chứ không kiểm tra thẻ sinh viên”. Ngoài ra, D. nói: “Bạn cũng phải thuộc mã số sinh viên và nhập mật mã để biết điểm giữa kỳ trước khi thi của mình”.

Không cần biết người thi hộ học ngành gì

H.N hầu như không quan tâm nhiều về người sẽ quyết định kết quả thi của mình. N. chỉ hỏi người học thuê qua loa vài câu như: học ĐH hay CĐ, trường nào, chuyên ngành nào, nhắm thi khoảng bao nhiêu điểm?... 

Sau đó, sinh viên này thỏa thuận giá ngay qua điện thoại: Thi hộ 3 môn, mỗi môn thi cuối kỳ giá 300.000 đồng, giữa kỳ là 200.000 đồng. H.N cũng không thắc mắc nhiều hay yêu cầu chứng minh năng lực của người đi thi hộ cho mình. 

Thế nên mới có chuyện bi hài là dù học chuyên ngành khối xã hội nhưng chúng tôi nhanh chóng được thuê thi hộ các môn của khối ngành kinh tế như kinh tế tài chính, kiểm toán, phân tích báo cáo tài chính…

H.N hẹn gặp chúng tôi ngay tại cổng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Chỉ sau vài phút trao đổi, một hợp đồng miệng được ký kết. H.N nhanh chóng đưa thẻ sinh viên của mình cho chúng tôi. Hai bên thỏa thuận tiền công sẽ được thanh toán sau khi người thuê nhận được kết quả đạt yêu cầu.

Còn D., cuối cùng ra giá 1 triệu đồng/môn thi rồi giải thích rằng bình thường là giá 800.000 đồng/môn nhưng vì cận ngày thi nên có thể tăng giá. Nhưng kèm theo đó, D. yêu cầu phải đạt được 8 điểm trở lên và đưa thẻ sinh viên cho chúng tôi để thi hộ. D. không hề hỏi thông tin là chúng tôi học ở đâu, trình độ như thế nào?

Công nghệ làm thẻ sinh viên giả

Sau khi thỏa thuận, những sinh viên thuê chúng tôi thi hộ đều gợi ý cần làm thẻ sinh viên giả. Lấy lý do bảo mật, chúng tôi đề nghị H.N cũng như D. giới thiệu địa điểm để liên hệ làm thẻ.

Sau một thời gian tìm hiểu và theo dấu một sinh viên đi làm thẻ giả, chúng tôi vòng vèo qua nhiều con hẻm đến hiệu ảnh trên đường 11 (P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM). 

Người làm thẻ cho biết có 2 cách để làm thẻ sinh viên giả: Đó là thẻ dán và thẻ mới. Với thẻ dán, người làm thẻ sẽ gửi lại một thẻ sinh viên, kèm với hình ảnh của người khác, sau đó hình ảnh sẽ được dán vào thẻ sinh viên. Còn với thẻ mới, sẽ có một thẻ sinh viên khác hoàn toàn giống với thẻ cũ nhưng giá cả đắt hơn.

Chúng tôi đưa ra 2 loại thẻ của 2 trường ĐH khác nhau. Một loại chỉ in trên giấy và ép nhựa. Thẻ còn lại có cả dấu giáp lai trên mã số và ảnh thẻ sinh viên. 

Sau khi xem xét, chủ tiệm ngần ngừ một lúc rồi cho biết chỉ nhận làm loại thẻ đầu tiên vì chỉ cần scan hình người học đè lên hình thẻ cũ là được. Thẻ còn lại phải có phôi con dấu nên không làm được. Tiếp đó, chúng tôi yêu cầu làm 2 thẻ sinh viên giả mang 2 mã số sinh viên khác nhau nhưng cùng một ảnh thẻ, chủ tiệm cũng đồng ý.

Khoảng vài tiếng sau, chúng tôi đã có thẻ mới y hệt thẻ sinh viên cũ với giá 60.000 đồng/thẻ. Chủ tiệm còn đảm bảo thẻ này rất giống thẻ bình thường và có thể thi hộ trót lọt.

Ngoài ra, trên các trang mạng, việc làm giả thẻ sinh viên còn được rao rộng rãi: “Nhận làm thẻ sinh viên, 100.000 - 120.000 đồng/thẻ, lấy ngay sau 40 phút”. Đây là “công nghệ” đang ăn nên làm ra trong mùa thi này của các trường ĐH.

Tiến sĩ Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: Ngày càng nhiều sinh viên thi hộ

Gần đây trong các kỳ thi chuẩn đầu ra ngoại ngữ (lấy chứng chỉ B1), trường thường xuyên phát hiện các trường hợp thi hộ. Mỗi lần thi có khoảng 1 - 2 trường hợp, cá biệt có đợt phát hiện đến 10 trường hợp nhờ thi hộ. 

Hiện nay trường bắt buộc sinh viên đi thi phải mang kèm cả CMND và thẻ sinh viên. Ngoài ra, trước khi thi, sinh viên phải nộp một tấm hình thẻ, trường đóng dấu giáp lai. Nếu nghi ngờ bất kỳ trường hợp nào, giám thị sẽ đối chiếu với hình này để xác minh.

Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng: Dựa vào giám thị

Vì thẻ sinh viên của trường in nhựa, khó làm thẻ hơn so với nhiều trường khác nên số lượng sinh viên thi hộ không nhiều. Đa phần, ngoài việc đối chiếu thẻ sinh viên, trường chủ yếu dựa vào bộ phận giám thị. Giám thị nghi ngờ ai thì sẽ yêu cầu sinh viên đó đối chiếu với các giấy tờ liên quan để xác minh.

PGS-TS Nguyễn Đức Minh - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM: Do giám thị quên công đoạn

Trường có quy định rất nghiêm khắc là nếu vi phạm thi hộ lần đầu sinh viên sẽ bị tạm ngưng học 1 năm, đến lần thứ 2 sẽ bị đuổi học. 

Để phát hiện thi hộ, ngoài việc so chữ ký, trường còn in hình sinh viên trong phòng thi ra giấy để đối chiếu. Tuy nhiên, có thể đôi khi giám thị quên làm công đoạn này khiến sinh viên thi hộ trót lọt.

Theo Lê Cầm - Thanh Vạn

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG