Cống hiến tuổi đôi mươi

0:00 / 0:00
0:00
Đội hình tình nguyện phản ứng nhanh phòng, chống COVID-19 tại Sóc Trăng đến nhà dân hỗ trợ chống dịch. Ảnh: NVCC
Đội hình tình nguyện phản ứng nhanh phòng, chống COVID-19 tại Sóc Trăng đến nhà dân hỗ trợ chống dịch. Ảnh: NVCC
TP - Sau những ngày tham gia chống dịch căng thẳng ở TPHCM, những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi lại kề vai sát cánh, lên đường hỗ trợ ngăn chặn đại dịch COVID-19 ở Sóc Trăng.

Kiên trì thuyết phục

Một tháng nay, Phạm Uyển Nhi (20 tuổi, quê TPHCM) cùng hơn 20 thành viên đội hình tình nguyện phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM bám trụ tại tỉnh Sóc Trăng để giúp địa phương chống dịch.

Uyển Nhi cho biết, thời gian cùng đồng đội “chiến đấu” tại TPHCM đã giúp cô tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm về phòng chống dịch bệnh. Từng chứng kiến nhiều hoàn cảnh đau thương trong đại dịch, càng thôi thúc cô lên đường đi Sóc Trăng theo tiếng gọi của trái tim.

Tại Sóc Trăng, với tinh thần “hết mình hỗ trợ khi địa phương cần”, Uyển Nhi và các thành viên trong đội tham gia lấy mẫu xét nghiệm PCR và test nhanh cho người dân; đưa các trường hợp F0, F1 đi cách ly tập trung và tham gia một số hoạt động khác theo đề nghị từ địa phương.

Cống hiến tuổi đôi mươi ảnh 1

Diễm Mi (sinh viên Trường Cao đẳng Viễn Đông) lấy mẫu xét nghiệm cho bà con huyện Trần Đề Ảnh: NVCC

Những ngày đầu đến huyện Trần Đề, khó khăn lớn nhất của Nhi và đồng đội là về giao tiếp, phải làm quen với phương ngữ bản địa. Có trường hợp không hợp tác trong quá trình lấy mẫu và còn bị đe doạ. “Điều khiến mình vui nhất là nhóm đã vận động, giải thích cho bà con hiểu hơn về dịch bệnh để cùng đồng lòng phòng, chống dịch”, Nhi chia sẻ.

Là người con của Sóc Trăng, lần trở về này Nguyễn Thị Diễm Mi (20 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng Viễn Đông) xem đây là dịp để cô góp sức trẻ cống hiến cho quê hương, nhờ kinh nghiệm mấy tháng liền tham gia hoạt động chống dịch ở TPHCM.

Diễm Mi cho biết, nhờ lợi thế học ngành điều dưỡng, lại được tập huấn kỹ về dịch bệnh, nên cô đã nhập cuộc tự tin, thạo việc. Hằng ngày, Mi cần mẫn lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, hỗ trợ đưa F0, F1 đến các khu cách ly…

Có một số nơi lấy mẫu ở xa trung tâm, xe cấp cứu không vào được, Mi cùng các bạn phải đi xe máy và mang theo nhiều thiết bị để hỗ trợ người dân. Mi và các bạn cũng gặp một số người dân không hợp tác, ảnh hưởng đến tiến độ, khiến nhiều hôm cả đội về tới trụ sở UBND xã để giao mẫu đã là 9 giờ tối.

“Người dân không được tư vấn đầy đủ về COVID-19, nên họ lầm tưởng một số triệu chứng đó như cảm lạnh thông thường, lúc tụi em đến thì họ không cho lấy mẫu”, Mi nói và cho biết, các thành viên phải dành nhiều thời gian giải thích cho từng nhà để họ hợp tác lấy mẫu.

Lan tỏa nhiệt huyết

Uyển Nhi và Diễm Mi đều từng là thành viên Đội SOS hướng Nam (thuộc Hội LHTN Việt Nam TPHCM) có nhiệm vụ tuần tra, hỗ trợ các vấn đề giao thông, cấp cứu, vá xe miễn phí cho người dân. Trước khi tham gia chi viện cho Sóc Trăng, cả hai đã hỗ trợ chống dịch tại các điểm nóng ở TPHCM. Trong đó, Diễm Mi tham gia từ đầu tháng 6 cho đến khi Thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.

Chia sẻ về thời gian hỗ trợ địa bàn Sóc Trăng, Diễm Mi cho biết, dù gặp nhiều trở ngại, nhưng không vì thế mà cô và đồng đội bỏ cuộc. Kiên trì và chân thành sẽ nhận được sự hợp tác của người dân. “Gần như ngày nào cũng có những kỷ niệm với công việc. Chính đồng đội và người dân xung quanh luôn mang đến cảm giác thân thuộc sau những lúc mệt mỏi. Nhiều người dân Sóc Trăng thương tụi em lắm! Họ dành từng miếng bánh, bịch trái cây vườn nhà cho tụi em để bày tỏ sự cảm ơn. Chỉ vậy thôi cũng đủ xua tan một ngày mệt nhọc rồi”, Diễm Mi bộc bạch và nói rằng, cô sẽ tiếp tục gắn bó, hỗ trợ địa phương thêm một tháng nữa để đẩy lùi dịch bệnh.

Đối với Uyển Nhi, những ngày ở Sóc Trăng đã giúp cô thêm yêu mến mảnh đất, con người nơi đây. Việc tham gia vào “trận chiến” ở Sóc Trăng đã giúp cô được tôi luyện thêm để trưởng thành và dày dạn hơn.

“Tuổi trẻ chính là lúc chúng ta cống hiến hết mình và lan toả nhiệt huyết tới mọi người, tới các thế hệ mai sau”, Nhi nói thêm.

Quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh

Anh Nguyễn Hoàng Anh, Đội phó thường trực Đội hình tình nguyện phản ứng nhanh phòng, chống COVID-19 tại Sóc Trăng, cho biết toàn đội có 24 thành viên đang hỗ trợ tại 3 địa bàn có dịch bùng phát mạnh nhất tỉnh Sóc Trăng là huyện Trần Đề, huyện Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu. Trong đó, huyện Trần Đề là địa bàn rộng, mức độ bùng phát dịch nặng nhất, nên hơn một nửa quân số của Đội tăng cường tại đây. “Dự kiến ban đầu sẽ hỗ trợ đến 30/11, nhưng do tình hình vẫn chưa ổn nên Đội sẽ ở lại đến ngày 31/12, để tiếp tục hỗ trợ tỉnh với quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh”, anh Hoàng Anh cho biết.

MỚI - NÓNG