Công chức 'ăn cắp giờ hành chính': Phát hiện kỷ luật ngay

Công chức 'ăn cắp giờ hành chính': Phát hiện kỷ luật ngay
TP - Sau những ồn ào về chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố tụt hạng, lại đến cú sốc về sự hài lòng của doanh nghiệp quá thấp, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TN&MT) Hà Nội, ông Vũ Văn Hậu đã có được khoảng lặng để nhìn về ngành.

> ‘Sờ gáy’ công chức có vấn đề
> Gắn 'sao' chấm điểm công chức

Ông nói, mỗi cán bộ công chức sở đều phải rút kinh nghiệm và cố gắng nhiều hơn nữa. Đây thực sự là nỗi buồn của cả ngành TN&MT thành phố, trong đó có ông.

Con số điều tra xã hội học mà Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đưa ra cho thấy sự hài lòng của doanh nghiệp đối với sở là thấp nhất trong số 5 sở được khảo sát. Là người đứng đầu sở TN&MT- sở “nắm” nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế- xã hội thành phố, ông đánh giá thế nào về điều tra trên?

Công bằng mà nói, con số mà Ban Tuyên giáo đưa ra đối với sở chúng tôi là: Số đơn vị, cá nhân rất hài lòng là 12%; hài lòng mức độ là 57% và không hài lòng là 16,8%. Nếu cộng số rất hài lòng với hài lòng là 68%, nên không thể nói là 90% người dân và doanh nghiệp không hài lòng được. Nhưng dù thế nào, mỗi cán bộ, nhân viên trong sở đều thấy mình cần phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh và cố gắng hơn nữa.

Mặc dù con số 16,8% doanh nghiệp và người dân không hài lòng về số học thì không cao nhưng với uy tín của ngành là đáng kể. Kết quả điều tra xã hội học của Thành ủy đưa ra là dịp để chúng tôi nhìn lại mình và làm việc cho tốt hơn.

Trị công chức “gặp gỡ” Doanh nghiệp ngoài... quán

Hàng trăm căn hộ tại khu đô thị Nam Thăng Long nhiều năm chờ sổ đỏ. Anh: Tuấn Minh
Hàng trăm căn hộ tại khu đô thị Nam Thăng Long nhiều năm chờ sổ đỏ. Anh: Tuấn Minh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định “hiện còn tới 30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp về”. Nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của công chức, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, sở đã kiểm tra, xử lý cán bộ ăn cắp giờ công làm việc riêng, “gặp gỡ” doanh nghiệp ngoài quán?

 Đúng là quy định về cấp sổ đỏ cho người dân và các dự án nhà ở đang rất bất hợp lý. Đó là thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp

Ông Vũ Văn Hậu

Ngay sau khi có Chỉ thị 01 của Chủ tịch UBND thành phố về năm kỷ cương hành chính 2013, sở đã chấn chỉnh mạnh lề lối làm việc, bổ sung quy định đi làm thì nhất định phải đúng giờ. Cán bộ từng phòng ban đơn vị trong ngày đi làm việc ở đâu, làm gì thì lãnh đạo phòng, ban phải biết, phải báo cáo. Có việc riêng cần nghỉ phải xin phép.

Vừa rồi chúng tôi đi kiểm tra đột xuất thì lãnh đạo phòng báo cáo được đúng lý do số cán bộ có mặt và không có mặt. Sở đã thành lập bộ phận chuyên đi kiểm tra các phòng và cả các quán cà phê khu vực xung quanh sở để nắm tình hình và kịp thời nhắc nhở, xử lý cán bộ. Sau một thời gian kiểm tra ráo riết, đến nay không còn hiện tượng cán bộ la cà ngoài quán trong giờ làm việc.

Vậy sở đã có bộ quy chế để xử lý đối với những công chức ăn cắp giờ và “gặp gỡ” doanh nghiệp ngoài quán?

Nếu phát hiện là tôi kỷ luật ngay. Nhẹ nhất là phê bình và thông báo trong sở và các cơ quan thuộc sở. Nếu kỷ luật ít nhất là khiển trách. Điều mà tôi cần nói rõ hơn đó là hiện nay, theo phân cấp và quy trình thì ngoài những trường hợp có khiếu nại, các chuyên viên của sở không được tiếp xúc trực tiếp với người dân.

Với doanh nghiệp phải nộp hồ sơ vào bộ phận “một cửa”, rồi từ đó mới chuyển đến các bộ phận chuyên môn giải quyết. Trường hợp phải tư vấn, làm việc với doanh nghiệp thì cán bộ phải làm việc tại phòng khách tầng 1 có lắp camera theo dõi toàn bộ hoạt động của cán bộ.

Những con số điều tra mà ban Tuyên giáo đưa ra đúng vào lúc thành phố đã và đang triển khai Nghị quyết T.Ư 4, vậy vai trò của tổ chức Đảng ra sao trong việc khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà của một bộ phận công chức?

Chúng tôi đã có phương án khắc phục sau khi kiểm điểm Nghị quyết T.Ư 4, bao gồm cả những vấn đề báo chí và dư luận đã nêu. Chuyên môn tốt nhưng phải làm sao “vừa hồng vừa chuyên”, phải gắn được với công tác tư tưởng.

Với mỗi cán bộ ngành TNMT, ngoài thông hiểu pháp luật ra phải nắm được quá trình hoạt động, thành công thất bại của ngành để từ đó có vận dụng giải quyết công việc có tình, có lý và dứt điểm. Trong những năm qua tỷ lệ hồ sơ tồn đọng giảm rất nhiều. Thường xuyên có chuyên viên làm việc đến 7 giờ tối.

Mức độ hài lòng của doanh nghiệp còn thấp cũng gián tiếp cho thấy có thể sự nhũng nhiễu một bộ phận công chức sở còn cao, ông có chia sẻ gì về mối quan hệ giữa công tác xây dựng Đảng với việc cải cách hành chính?

Làm tốt cải cách hành chính là biện pháp ngăn ngừa tình trạng tiêu cực sách nhiễu (Một biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Nếu làm tốt việc đôn đốc chất lượng và tiến độ công việc thì cán bộ khó có điều kiện mà nhũng nhiễu. Hay nói cách khác, là giúp ngăn ngừa sự suy thoái. Tôi ví dụ thế này, nếu ngay tuần đầu sau khi thụ lý hồ sơ, các phòng chuyên môn đã hoàn thiện và trình giám đốc sở thì doanh nghiệp còn phải “gặp gỡ” cán bộ, chuyên viên làm gì? Rõ ràng tình trạng tiêu cực, sách nhiễu doanh nghiệp sẽ khó xảy ra.

Cấp sổ đỏ vẫn phiền dân

Hàng ngàn hộ dân tại Hà Nội nhiều năm qua phải chờ sổ đỏ. Đây cũng được coi là một trong những bức xúc nổi cộm với ngành, ông có giải pháp gì để cải thiện tình trạng này?

Đúng là quy định về cấp sổ đỏ cho người dân và các dự án nhà ở đang rất bất hợp lý. Hồ sơ đều phải nộp tại văn phòng đăng ký đất đai của sở rồi sau đó mới chuyển về các quận để cấp sổ đỏ. Như vậy là phải hai lần thẩm định qua các phòng ban chuyên môn và doanh nghiệp, người dân vẫn phải giải trình, bổ sung. Đó là thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp. Theo tôi tiếp tục nên giao lại cho quận, huyện thẩm định trực tiếp và cấp sổ đỏ, không cần qua văn phòng đăng ký đất đai của sở.

Được biết, mới đây sở đã cho phép doanh nghiệp được “nợ” một số thủ tục trong triển khai các dự án. Bên cạnh mặt tích cực tạo thông thoáng cho doanh nghiệp, những món “nợ” này đôi khi cũng có nguy cơ để lại nhiều hậu quả, rủi ro?

Đúng là điều này đang làm khó cho lãnh đạo sở vì cũng có sự rủi ro trong trường hợp doanh nghiệp không tự giác thực hiện các món “nợ”. Những cái gì cho nợ thì phải phân kỳ được ví dụ thủ tục về môi trường, thiết kế cơ sở nhưng trong quyết định giao đất chúng tôi ghi rõ là phải hoàn thành các thủ tục còn nợ này thì mới được cấp phép xây dựng. Tôi cho rằng đã chấp nhận cải cách hành chính thì phải có khó khăn. Trong lần gặp gỡ doanh nghiệp mới đây tôi đã nói rất rõ phải có sự đồng cảm của doanh nghiệp, của báo chí trong cải cách hành chính...

Cảm ơn ông!

Để nắm bắt thông tin, tôi đã đặt hòm thư (ngay tầng 1, bộ phận Một cửa) để người dân có thể góp ý trực tiếp cho giám đốc thì lại không nhận được thông tin gì? ý kiến thăm dò dư luận của Thành ủy và chỉ số năng lực cạnh tranh vừa qua đúng là sự báo động. Đây là nỗi buồn của cả ngành TNMT Hà Nội.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG