Công bố Top 10 công ty du lịch - lữ hành uy tín năm 2019

Ngày 10/12/2019, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Top 10 Công ty Du lịch - Lữ hành uy tín năm 2019.

Top 10 Công ty Du lịch - Lữ hành uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát khách du lịch và chuyên gia trong ngành; Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 11/2019 về quy mô vốn, thị trường, lao động, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2020.

Lễ công bố chính thức Top 10 Công ty Du lịch - Lữ hành uy tín năm 2019 tổ chức vào ngày 09 tháng 01 năm 2020 tại Khách sạn InterContinental Hanoi Landmark72, TP. Hà Nội.

Bảng 1: Danh sách Top 10 Công ty Du lịch - Lữ hành Việt Nam uy tín năm 2019

Công bố Top 10 công ty du lịch - lữ hành uy tín năm 2019 ảnh 1

Nguồn: Vietnam Report

Bảng 2: Danh sách Top 10 Công ty Du lịch - Lữ hành đón khách du lịch vào Việt Nam (inbound) uy tín năm 2019

Công bố Top 10 công ty du lịch - lữ hành uy tín năm 2019 ảnh 2

Nguồn: Vietnam Report

Bảng 3: Danh sách Top 10 Công ty Du lịch - Lữ hành đưa khách du lịch ra nước ngoài (outbound) uy tín năm 2019

Công bố Top 10 công ty du lịch - lữ hành uy tín năm 2019 ảnh 3

Nguồn: Vietnam Report

Triển vọng và các xu hướng chính của ngành du lịch, lữ hành Việt Nam

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 11/2019 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1,8 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng đạt gần 16,3 triệu lượt người.  Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu lữ hành mạnh, có khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường thế giới. Thị phần khách quốc tế đến Việt Nam trong khu vực và trên thế giới được cải thiện đáng kể. Thị trường châu Á vẫn chiếm thị phần cao nhất với 77,6% tổng số lượng khách; khách từ châu Âu chiếm 14,1%; khách châu Mỹ chiếm 6,1% và châu Úc chiếm 2,6% (tăng 0,5%). Nhóm khách có tốc độ tăng trưởng cao bao gồm: Thái Lan có mức tăng trưởng cao nhất với 45,4%; Đài Loan (Trung Quốc) 27%; Indonesia 22%; Hàn Quốc 21%; Phillipines 20%. 

Vị trí của Du lịch Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trên bản đồ du lịch thế giới. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút mạnh dòng khách du lịch, là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế cao nhất thế giới.

Hình 1: Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019

Công bố Top 10 công ty du lịch - lữ hành uy tín năm 2019 ảnh 4

Nguồn: Vietnam Report

Năm 2018 tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng (chiếm 8% GDP). Tính đến 11 tháng đầu năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 649.000 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 12 tỷ USD, trong đó dịch vụ du lịch đạt 8,4 tỷ USD (chiếm 70,2% tổng kim ngạch), tăng 11%. 

Top 5 thách thức của ngành Du lịch - Lữ hành Việt Nam

Theo kết quả nghiên cứu và khảo sát các doanh nghiệp trong ngành và chuyên gia của Vietnam Report, hiện ngành Du lịch - Lữ hành Việt Nam đang đối mặt với 5 thách thức lớn bao gồm: quản lý khai thác tài nguyên du lịch chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có (72,22%); cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ (chiếm 61,11%); nguồn nhân lực được đào tạo bài bản còn thấp, thiếu tính chuyên nghiệp (55,56%); quy định chính sách thiếu đồng bộ (44,44%); chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hoạt động quảng bá chưa có nhiều đột phá (38,89%).

Hình 2: Top 5 thách thức với ngành Du lịch - Lữ hành Việt Nam

Công bố Top 10 công ty du lịch - lữ hành uy tín năm 2019 ảnh 5

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp và chuyên gia Du lịch - Lữ hành, tháng 11/2019

Thứ nhất, thách thức nằm ở việc khai thác tài nguyên du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, chưa khai thác được thế mạnh của từng vùng, từng địa phương trong khi đây là vấn đề then chốt để ngành du lịch phát triển một cách bền vững. Có những điểm khách tập trung quá đông, gây ra tình trạng quá tải, không đảm bảo chất lượng, nhưng có những điểm lại không thu hút được khách du lịch. 

Thách thức thứ hai chính là cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật du lịch còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ giữa các vùng, miền, khu, điểm du lịch, nhiều cơ sở bị xuống cấp, còn thiếu những cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí cao cấp, chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. 

Thứ ba, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp Du lịch - Lữ hành trong khảo sát của Vietnam Report, thì nguồn nhân lực trong ngành du lịch hiện nay còn thiếu về số lượng nhân lực chất lượng cao. Cuộc cách mạng 4.0 đang tác động vào nhiều ngành, lĩnh vực, đặt ra yêu cầu cao hơn cho đội ngũ nhân lực phải đảm bảo kỹ năng, nghiệp vụ và thành thạo sử dụng các phần mềm, công nghệ quản lý du lịch thông minh. 

Thứ tư, một số chính sách có liên quan đến du lịch hiện nay còn bất cập, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch để nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút khách du lịch như việc cấp thủ tục vi sa còn chậm, thời gian thị thực ngắn, gây ra tâm lý e ngại cho du lịch và là rào cản cho việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam.  

Thứ năm, ngành du lịch trong những năm qua đã có nhiều hoạt động để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch qua các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, mức chi tiêu cho hoạt động quảng bá du lịch của Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều nước, chưa có nhiều đột phá và theo bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về hiệu quả quảng bá du lịch, Việt Nam chỉ đứng thứ 80 trong tổng số 136 quốc gia, xếp sau Lào và Campuchia. 

4 xu hướng của ngành Du lịch - Lữ hành 

Theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, năm 2020, ngành Du lịch sẽ mang lại mức tăng trưởng trên 10%. Tuy nhiên, giai đoạn 2019 - 2020, tốc độ tăng trưởng du lịch tại nước ta sẽ dần chậm lại do khối lượng khách du lịch đang dịch chuyển tiệm cận ngưỡng mức trần tương đương với chất lượng hạ tầng du lịch Việt Nam hiện nay. 

Châu Á là điểm đến hấp dẫn được nhiều người Việt Nam lựa chọn khi du lịch nước ngoài

Với khách du lịch Việt Nam, châu Á vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất với khoảng cách địa lý ngắn, miễn thủ tục visa, có nhiều tương đồng văn hóa, và có nhiều đường bay thẳng từ Việt Nam đến các quốc gia châu Á của các hãng hàng không giá rẻ được đưa vào khai thác đã giúp khu vực này ngày càng được nhiều người Việt Nam lựa chọn trong chuyến du lịch nước ngoài. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report đối với nhóm khách từng đi nước ngoài, có đến 98,05% số người được hỏi lựa chọn châu Á là điểm đến của mình, tiếp đó là châu Âu (24,68%), châu Úc (12,99%), châu Mỹ (11,04%) và cuối cùng là châu Phi (3,25%). 

Hình 3: Khu vực đi du lịch nước ngoài của người Việt Nam

Công bố Top 10 công ty du lịch - lữ hành uy tín năm 2019 ảnh 6

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách du lịch, tháng 11/2019

Xu hướng ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch và du lịch tự túc chiếm ưu thế

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 làm thay đổi cách làm du lịch, từ quản lý tới xúc tiến, quảng bá, kinh doanh du lịch và khách hàng cũng có sự thay đổi phương thức đi du lịch, chọn nơi lưu trú, thói quen tìm hiểu thông tin du lịch, thay vì sử dụng sách, báo, tờ rơi… chuyển sang tra cứu thông tin du lịch trên internet. Theo đó, có 78,67% khách du lịch tham gia khảo sát của Vietnam Report phản hồi tìm kiếm tour từ một công ty du lịch qua mạng xã hội như Facebook, Instagram…, website du lịch (64,89%), hỏi người quen, bạn bè (64,44%), video và các bài viết của Travel blogger (32,44%). Các hình thức truyền thống như đài/truyền hình và báo/tạp chí/sách chiếm tỷ lệ thấp. Các doanh nghiệp cần tận dụng xu thế này để có kế hoạch kinh doanh phù hợp, tiết giảm chi phí. 

Hình 4: Kênh thông tin tìm kiếm tour từ một Công ty Du lịch - Lữ hành

Công bố Top 10 công ty du lịch - lữ hành uy tín năm 2019 ảnh 7

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách du lịch, tháng 11/2019

Nhiều khách du lịch trẻ tự lên kế hoạch cho chuyến đi của mình, tự tìm hiểu, và tự chuẩn bị mọi thứ cho chuyến du lịch. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report có 60,94% khách lựa chọn hình thức du lịch cá nhân tự túc, du lịch theo tour trọn gói xếp thứ hai với 57,81%, việc mua từng phần dịch vụ của tour du lịch chỉ chiếm tỷ lệ thấp 9,38%. 

Xu hướng lưu trú theo loại hình homestay ngày càng được ưa chuộng

Cùng với sự phát triển của công nghệ, khách du lịch ngày càng có sự đa dạng trong lựa chọn phòng nghỉ. Bên cạnh lựa chọn hình thức khách sạn nghỉ dưỡng (chiếm tỷ lệ 77,43%), thì loại hình homestay ngày càng được ưa chuộng (56,19%), bởi có nhiều ưu điểm như chi phí rẻ, tiện nghi, không gian sáng tạo và tiện nghi. 

Hình 5: Loại hình lưu trú của khách du lịch

Công bố Top 10 công ty du lịch - lữ hành uy tín năm 2019 ảnh 8

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách du lịch, tháng 11/2019

Xu hướng du lịch xanh

Theo các chuyên gia trong ngành du lịch, lĩnh vực du lịch cao cấp vẫn sẽ phát triển, xu hướng dựa vào bảo tốn, phát triển tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn bản sắc dân tộc sẽ trở thành những khía cạnh cần được chú ý và ưu tiên hàng đầu. Du lịch sinh thái, du lịch xanh sẽ ngày càng phát triển và nở rộ khi những nhận thức về bảo vệ môi trường của công dân toàn cầu ngày một tiến bộ. 

Top 4 giải pháp đối với doanh nghiệp để thu hút thêm khách du lịch

Các doanh nghiệp Du lịch – Lữ hành với sản phẩm điển hình là các chương trình du lịch, một sản phẩm dễ dàng bị sao chép và bắt chiếc một cách nhanh chóng, các doanh nghiệp cạnh cạnh tranh với nhau dựa trên chất lượng sản phẩm. Theo kết quả khảo sát với khách du lịch và các chuyên gia trong ngành cho thấy việc cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch, lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng là ưu tiên hàng đầu với 84,62% người được hỏi lựa chọn. 

Hình 6: Top 4 giải pháp thu hút thêm khách du lịch cho doanh nghiệp Du lịch – Lữ hành

Công bố Top 10 công ty du lịch - lữ hành uy tín năm 2019 ảnh 9

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách chuyên gia và khách du lịch, tháng 11/2019

Kết quả khảo sát của Vietnam Report chỉ ra 21,57% khách du lịch đã từng không hài lòng về công ty du lịch, trong đó phần lớn là lý do nhân viên tư vấn không nhiệt tình, hướng dẫn viên không chuyên nghiệp. Chăm sóc khách hàng tốt sẽ góp phần giữ chân khách hàng với doanh nghiệp, vì vậy, có tới 63,30% chuyên gia và khách du lịch cho rằng các doanh nghiệp du lịch cần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư nghiên cứu những thay đổi trong thói quen và thị hiếu của khách du lịch (52,84%), xây dựng chiến lược giá phù hợp với nhu cầu thị trường (49,78%). 

Kết quả phân tích dữ liệu truyền thông của Vietnam Report chỉ ra rằng, số lượng bài báo về doanh nghiệp rất ít, sự xuất hiện của các đại diện doanh nghiệp không nhiều (so sánh với các ngành dịch vụ khác như vận tải, thực phẩm - đồ uống, bán lẻ…). Xét về sự đa dạng nhóm chủ đề bao phủ, đa số thông tin của doanh nghiệp tập trung vào các chủ đề Sản phẩm, Giá cả và Hình ảnh/PR. Nếu như năm 2018, chủ đề được bao phủ nhiều nhất là Hình ảnh/PR thì năm nay có sự dịch chuyển, Giá cả là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất. 

Hình 7: Các nhóm chủ đề bao phủ nhiều nhất trên truyền thông ngành Du lịch - Lữ hành Việt Nam

Công bố Top 10 công ty du lịch - lữ hành uy tín năm 2019 ảnh 10

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Du lịch - Lữ hành Việt Nam từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2019

Khuyến nghị giải pháp để phát triển ngành Du lịch – Lữ hành Việt Nam 

Các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị năm nhóm giải pháp trọng tâm để phát triển ngành Du lịch – Lữ hành Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm: 

Hình 8: Top 5 nhóm giải pháp phát triển ngành Du lịch – Lữ hành Việt Nam

Công bố Top 10 công ty du lịch - lữ hành uy tín năm 2019 ảnh 11

Nguồn: Vietnam Report

Một là, tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ ngành du lịch đặc biệt chính sách miễn thị thực dài hạn cho các thị trường trọng điểm.

Hai là, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đến các điểm du lịch, cơ sở vật chất cao cấp.

Ba là, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Bốn là, mở rộng thị trường, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thiết thực và hiệu quả.

Năm là, đẩy mạnh quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch.

Bức tranh về ngành Du lịch – Lữ hành Việt Nam trong năm 2019 với những điểm sáng trong tăng trưởng lượt khách và tổng thu. Tuy nhiên, hoạt động du lịch vẫn còn gặp nhiều thách thức cần sự hỗ trợ của nhà nước và sự chung tay của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành. Sự lớn mạnh của từng doanh nghiệp sẽ đóng góp tạo đà tăng trưởng cho toàn ngành, và là cầu nối góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam với khách du lịch trong và ngoài nước.

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Du lịch - Lữ hành Việt Nam uy tín năm 2019 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông đã được Vietnam Report và các đối tác ứng dụng từ năm 2012, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ, Ngân hàng, Bảo hiểm, Chứng khoán, Dược, Thực phẩm - Đồ uống, Bán lẻ, Vận tải - Logistics...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp Du lịch - Lữ hành được đăng tải trên 6 kênh truyền thông có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2019. Tổng số có 303 bài báo, với tương ứng 728 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story - level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức - khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

MỚI - NÓNG