Theo thông cáo từ Sở Y tế Nghệ An, hệ thống RO có bộ phận sản xuất và tạo nước RO hoàn toàn bình thường, hệ thống dẫn nước RO đến các máy có những điểm nối và gấp khúc, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Nghệ An kết luận nguyên nhân xảy ra sự cố do nước. Từ đó, yêu cầu bệnh viện HNĐK Nghệ An rà soát lại toàn bộ quy trình, hệ thống chạy thận nhân tạo. Thay toàn bộ hệ thống dẫn nước R.O theo tiêu chuẩn quy định.
Trước đó, như Tiền Phong đưa tin, ngày 30/7, trong quá trình chạy thận, 10 bệnh nhân đang lọc máu có dấu hiệu bất thường. Trong đó, 4 bệnh nhân chỉ có biểu hiện thoáng qua, tự khỏi sau khi kết thúc cuộc lọc, theo dõi tại bệnh viện trong thời gian 30 phút không thấy biểu hiện bất thường nên đã được ra viện. 06 bệnh nhân còn lại có biểu hiện nặng hơn với các triệu chứng rét run, sốt, mệt, khó thở khi đang lọc máu được 2 – 3h.
Các bệnh nhân đã được hạ sốt, ngừng lọc máu, trong đó 3 bệnh nhân hết triệu chứng sau khi ngừng lọc máu khoảng 20 – 30 phút, theo dõi không thấy các triệu chứng nặng nên đã được cho về, 03 bệnh nhân có biểu hiện sốt, rét run, tụt huyết áp, khó thở nên đã được chuyển khoa Hồi sức tích cực chống độc.
3 bệnh nhân nặng gồm: Đặng Thị Trường, (SN 1957), xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, Nghệ An; Nguyễn Thị Hường, (SN 1986), xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; Hồ Thị Lộc, (SN 1980), xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An.
Sáng 31/7, 2/3 bệnh nhân nặng theo đề nghị của gia đình đã được chuyển lên tuyến trên - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Bệnh nhân Đặng Thị Trường tiếp tục ở lại điều trị, đến thời điểm này đã hồi phục.
Liên quan đến sự cố, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh đã chỉ đạo thành lập Hội đồng chuyên môn xử lý sự cố của bệnh viện HNĐK Nghệ An. Qua đó, yêu cầu bệnh viện này ngừng chạy thận. Lấy mẫu nước RO đầu ra, đầu vào gửi Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường Hà Nội xét nghiệm. Kiểm tra lại tất cả các quy trình chạy chận, rửa quả lọc, test acid tồn dư, tẩy máy, pha acid citric 30%, acid MDT. Mời chuyên gia B hỗ trợ bệnh viện…