Sau khi xác định danh tính 39 người, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã liên hệ với từng gia đình nạn nhân để thông báo một số thông tin liên quan.
Cùng ngày, cảnh sát hạt Essex của Anh công bố danh tính 39 nạn nhân, gồm họ tên, quê quán và tuổi.
Thông tin nhận dạng chính thức đã được trình lên Ủy ban Nhận dạng, lên Sĩ quan cảnh sát cấp cao của Hoàng gia - bà Caroline Beasley Murray. Sĩ quan cảnh sát cấp cao phụ trách cuộc điều tra, ông Tim Smith, nói: “Ưu tiên của chúng tôi là nhận dạng các nạn nhân, là bảo vệ phẩm giá của những người đã thiệt mạng và hỗ trợ gia đình, bạn bè của các nạn nhân”.
“Điều vô cùng quan trọng với chúng tôi là bảo đảm rằng người thân của từng người nhận được tin báo, và họ có một khoảng thời gian để suy nghĩ về thông tin thảm kịch này trước khi thông tin cụ thể về người nhà của họ được công bố”, ông Smith nói.
Bà Caroline Beasley Murray gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình các nạn nhân khi họ đang phải trải qua giai đoạn khó khăn không thể tưởng tượng này. Bà Murray thông báo cảnh sát Essex đã phối hợp với Việt Nam để đưa danh sách tên các nạn nhân.
Công việc của Ủy ban Nhận dạng là xác định xem liệu đã có đủ bằng chứng để xác nhận danh tính các nạn nhân hay chưa. Quy trình này gồm nhiều bước đi, bao gồm việc đối chiếu dấu vân tay, kiểm tra ADN, xem xét hồ sơ y tế hay dấu vết riêng như vết sẹo hoặc hình xăm. Quan chức cảnh sát cấp cao của Hoàng gia có nhiệm vụ xác định các tiêu chí mà một quy trình nhận dạng cần đạt được.
Cảnh sát Essex khẳng định họ hiểu rằng có rất nhiều cuộc họp cung cấp thông tin cho báo chí ở Việt Nam và rất nhiều người đang quan tâm đến vụ việc. Chính phủ, Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia và cảnh sát Essex đã làm việc với quan chức cảnh sát cấp cao của Hoàng gia để bảo đảm rằng mọi chi tiết đều được thẩm tra nhằm bảo vệ nhân phẩm cho những người thiệt mạng cũng như thể hiện sự tôn trọng với gia đình và bạn bè của họ.
Lục soát nhiều địa chỉ của 2 nghi phạm
Trong khi đó, Cảnh sát Ireland hôm 7/11 tiến hành đợt đột kích nhằm tìm ra 2 anh em người Ireland đang bị truy nã vì liên quan 39 người Việt Nam xấu số. Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Ireland với sự hỗ trợ của Đơn vị ứng phó tình huống khẩn cấp (ERU) được trang bị vũ khí hạng nặng đã lục soát nhiều địa chỉ của 2 anh em nghi phạm ở hạt Monaghan.
Báo Irish Mirror dẫn một số nguồn tin nói rằng, những địa chỉ đó liên quan đến Ronan Hughes, 40 tuổi, và em trai Christopher, 34 tuổi, đều bị lục soát. Mấy chiếc xe jeep, tiền mặt và tài liệu bị cảnh sát tịch thu trong sáng 7/11.Những cuộc truy quét khác liên quan đến vụ việc cũng đang được triển khai.
Hai anh em Hughes, người Ireland, bị truy nã vì bị tình nghi ngộ sát và buôn người. Họ có những quan hệ ở hạt Bắc Armach và Bắc Monaghan. Sau khi phát hiện thi thể 8 phụ nữ và 31 người đàn ông trên chiếc xe tải hôm 23/10, các điều tra viên Essex kêu gọi hai đối tượng này ra đầu thú.
Lực lượng truy quét cùng lục soát hai công ty vận tải và tài chính của anh em nhà Hughes. Bốn chiếc xe SUV bị tịch thu cùng với giấy tờ tài chính và tiền mặt.
Cảnh sát Ireland cho biết, năm qua, họ đã điều tra một băng nhóm bị tình nghi liên quan đến nhiều hoạt động buôn lậu, buôn người quốc tế. Và cuộc điều tra này được đẩy nhanh trong 2 tuần qua.
Mười địa điểm khác, bao gồm 7 ngôi nhà và 3 khu vườn, nằm ở vị trí khác nhau cũng đã bị cảnh sát lục soát.
Danh tính 39 nạn nhân (do Bộ Công an Việt Nam thông báo ngày 8/11:
1. Đinh Đình Bình; quê quán: Hải Phòng
2. Võ Nhân Du; quê quán: Hà Tĩnh
3. Cao Tiến Dũng; quê quán: Nghệ An
4. Nguyễn Tiến Dũng; quê quán: Quảng Bình
5. Lê Văn Hà; quê quán: Nghệ An
6. Nguyễn Ngọc Hà; quê quán: Quảng Bình
7. Nguyễn Văn Hiệp; quê quán: Nghệ An
8. Trần Ngọc Hiếu; quê quán: Hải Dương
9. Hoàng Văn Hợi; quê quán: Nghệ An
10. Nguyễn Bá Vũ Hùng; quê quán: Thừa Thiên - Huế
11. Trần Mạnh Hùng; quê quán: Hà Tĩnh
12. Nguyễn Huy Hùng; quê quán: Hà Tĩnh
13. Nguyễn Văn Hùng; quê quán: Nghệ An
14. Võ Văn Linh; quê quán: Hà Tĩnh
15. Trần Hải Lộc; quê quán: Nghệ An
16. Nguyễn Đình Lượng; quê quán: Hà Tĩnh
17. Phạm Thị Trà My; quê quán: Hà Tĩnh
18. Võ Ngọc Nam; quê quán: Nghệ An
19. Trần Thị Ngọc; quê quán: Nghệ An
20. Nguyễn Văn Nhân; quê quán: Hà Tĩnh
21. Bùi Thị Nhung; quê quán: Nghệ An
22. Trần Thị Mai Nhung; quê quán: Nghệ An
23. Phạm Thị Ngọc Oanh; quê quán: Nghệ An
24. Nguyễn Huy Phong; quê quán: Hà Tĩnh
25. Nguyễn Minh Quang; quê quán: Nghệ An
26. Đinh Đình Thái Quyền; quê quán: Hải Phòng
27. Nguyễn Trọng Thái; quê quán: Nghệ An
28. Bùi Phan Thắng; quê quán: Hà Tĩnh
29. Phan Thị Thanh; quê quán: Hải Phòng
30. Cao Huy Thành; quê quán: Nghệ An
31. Lê Ngọc Thành; quê quán: Nghệ An
32. Trần Thị Thơ; quê quán: Nghệ An
33. Trần Khánh Thọ; quê quán: Hà Tĩnh
34. Hoàng Văn Tiếp; quê quán: Nghệ An
35. Nguyễn Đình Tứ; quê quán: Nghệ An
36. Nguyễn Thọ Tuân; quê quán: Nghệ An
37. Dương Minh Tuấn; quê quán: Quảng Bình
38. Đặng Hữu Tuyên; quê quán: Nghệ An
39. Nguyễn Thị Vân; quê quán: Nghệ An.
Thủ tục đưa thi hài về nước
Nếu muốn đưa thi hài (xác chết) hoặc di hài (lọ tro) về Việt Nam an táng, cần có các giấy tờ do cơ quan thẩm quyền nước chủ nhà cấp. Đối với thi hài, đó là giấy chứng tử, giấy chứng nhận kiểm dịch thi hài (không phải chết do bệnh truyền nhiễm), giấy chứng nhận bảo quản thi hài đúng quy chuẩn vận chuyển hàng không quốc tế (quan tài 3 lớp: vải, gỗ, kẽm), theo Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đối với lọ tro, đó là giấy chứng tử, giấy chứng nhận hỏa thiêu, giấy chứng nhận kiểm dịch (Ở một số nước, giấy này và giấy chứng nhận hỏa thiêu là một).
Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài không thể chi trả các chi phí cho việc chôn cất, hỏa táng hoặc hồi hương thi hài, di hài người chết, nhưng có thể giúp chuyển tiền từ người thân, bạn bè ở Việt Nam để trả cho các chi phí nêu trên thông qua Quỹ Bảo hộ công dân. Cơ quan đại diện cũng không thể giúp điều tra về nguyên nhân chết.