Công bố bản thảo bộ Lịch sử Việt Nam mới nhất: Lấp nhiều khoảng trống

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chụp ảnh cùng một số nhà khoa học tham gia biên soạn bộ sách
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chụp ảnh cùng một số nhà khoa học tham gia biên soạn bộ sách
TP - Nhiều khoảng trống của lịch sử Việt Nam thời cổ- trung đại, cận- hiện đại trong những bộ quốc sử trước đây, nay được bổ sung vào bản thảo bộ Lịch sử Việt Nam vừa được bàn giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ hôm qua, 12/11. Bộ Lịch sử Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện để tiến tới nghiệm thu cấp Nhà nước và xuất bản đến công chúng.

Bộ Quốc sử chính thức

Lịch sử Việt Nam từng ghi nhận 3 bộ Quốc sử được biên soạn trong thời đại phong kiến gồm Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên và Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều bộ thông sử về lịch sử Việt Nam được biên soạn và xuất bản, nhưng chỉ bộ Lịch sử Việt Nam gồm 2 tập do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì là bộ sử mang tính quốc gia đầu tiên (Tập 1 xuất bản năm 1971, Tập 2 xuất bản năm 1985).

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, 35 năm đã qua đi, Việt Nam và toàn thế giới trải qua nhiều sự kiện trọng đại, yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải sớm có một bộ quốc sử mới được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tư tưởng chính trị - xã hội thời đại.

Năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam. “Đây là Đề án hết sức đặc biệt, lớn về quy mô, rộng về phạm vi nghiên cứu, nhận được sự quan tâm rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, học giả quốc tế”, ông Tạc cho biết.

Đề án được giao cho GS. Phan Huy Lê - “cây đại thụ” của nền sử học Việt Nam làm chủ nhiệm, cùng nhiều “cây đa, cây đề” khác của nền sử học đương đại. Tổng cộng gần 300 nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trên cả nước, thuộc tất cả các chuyên ngành của khoa học lịch sử, một số là các nhà nghiên cứu văn hoá và các lĩnh vực liên quan cùng tham gia biên soạn.

Sau 5 năm miệt mài lao động, đội ngũ đông đảo các nhà khoa học đã xây dựng nên bản thảo đồ sộ của bộ Lịch sử Việt Nam với 25 tập thông sử (trong đó 13 tập Lịch sử Việt Nam thời kỳ cổ-trung đại, 12 tập thời kỳ cận-hiện đại) và 5 tập Biên niên sự kiện lịch sử (trong đó, 3 tập thời kỳ cổ-trung đại, 2 tập thời kỳ cận-hiện đại). “Đây là bộ Quốc sử được biên soạn một cách nghiêm ngặt để có thể tồn tại với thời gian, với dân tộc”, Thứ trưởng Tạc nói.

Trình bày khách quan

Chia sẻ về thời kỳ cổ - trung đại trong Lịch sử Việt Nam, GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ nhiệm đề án cho biết, quan niệm trước đây thường coi lịch sử Việt Nam khởi đầu từ các lớp cư dân thời nguyên thủy ở miền Bắc rồi tiếp đến thời dựng nước Văn Lang, Âu Lạc, qua đến Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam cho đến Việt Nam ngày nay. Trên dòng chảy lịch sử này, về phía Nam, người Việt đi đến đâu, lịch sử tiếp nối đến đấy. Vì thế, lịch sử Nam Trung bộ và Nam bộ chỉ bắt đầu từ thế kỷ 16, 17, bỏ trống khoảng thời gian trước đó và lịch sử Chăm Pa, Phù Nam hầu như bị gạt ra. Hạn chế này đã được khắc phục trong bộ Lịch sử Việt Nam lần này.

Cũng theo GS.TS Vũ Minh Giang, một điểm mới của bộ Quốc sử là nghiên cứu, xem xét các biến cố lịch sử trong mối quan hệ với những thay đổi khí hậu, môi trường và điều kiện tự nhiên; đồng thời làm rõ những quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch và thế giới. “Không còn tình trạng lịch sử Việt Nam được trình bày biệt lập với khu vực và thế giới”, GS. Giang nói.

Về những vấn đề còn tranh cãi trong lịch sử cổ-trung đại, GS. Giang cho biết: “Các tác giả đã cố gắng trình bày một cách khách quan để người đọc hiểu được đó là những vấn đề còn tiếp tục nghiên cứu; đồng thời đưa ra những luận giải khoa học để độc giả cập nhật những nhận thức khoa học mới nhất”. Riêng lịch sử cổ - trung đại Việt Nam dài hơn 10.000 trang với sự tham gia soạn thảo của hơn 150 nhà sử học.

Cùng với phần thông sử, Đề án cũng biên soạn 5 tập biên niên sự kiện lịch sử Việt Nam. “GS Phan Huy Lê chủ trương không bị lệ thuộc vào các bộ biên niên sử trước đây, quyết tâm xây dựng bộ Biên niên sự kiện lịch sử Việt Nam hoàn toàn mới”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ nhiệm đề án nói và cho biết, 5 tập biên niên sử của bộ Lịch sử Việt Nam lần này tái dựng lại các sự kiện lịch sử được tuyển chọn kỹ càng theo các tiêu chí cụ thể và tìm tòi cách trình bày mới.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.