Ngày 20/2, trao đổi với PV về kế hoạch kéo giảm tội phạm trong 3 tháng tới của Công an TPHCM sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, trưởng phòng tham mưu Công an TPHCM, cho biết công an thành phố đã đưa ra một số công tác trọng tâm trong năm 2016 nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Cụ thể như, Công an TPHCM sẽ tập trung tấn công tội phạm để kiềm chế sự gia tăng và kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.
Tăng cường lực lượng tuần tra công khai kết hợp với hóa trang để phòng chống tội phạm, nâng cao hoạt động của lực lượng công an cơ sở, công an xã, phường.
Đối tượng Hà Mai Hiếu (22 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) ra tay cướp giật chiếc điện thoại iPhone 6S của du khách Đài Loan ở khu vực trung tâm TPHCM vào chiều 18/2 bị hình sự đặc nhiệm quận 1 bắt giữ.
Phối hợp với các ban ngành liên quan cùng giải quyết các tệ nạn xã hội, như phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM đề xuất quản lý những người nghiện có nơi cư trú ổn định. Ngoài ra, Công an TP cũng sẽ tham mưu cho UBND TP để xây dựng chương trình xã hội hóa, lắp đặt hệ thống camera giám sát tới từng ngõ ngách của TP nhằm đảm bảo an ninh trật tự.
Tuy nhiên, Đại tá Quang cho biết, việc xử lý những người nghiện có nơi cư trú ổn định hiện nay là rất khó khăn, cơ chế xử lý rất chậm do bị vướng các quy định về mặt pháp luật, nhưng đây lại là nguồn phát sinh tội phạm.
“Bằng tất cả nỗ lực của toàn ngành, Công an thành phố tin rằng sẽ kéo giảm được tình hình tội phạm trong thời gian tới”, Đại tá Quang nhấn mạnh.
Kêu gọi và hỗ trợ người phát hiện, thông báo trường hợp vô gia cư
Liên quan đến việc quản lý người xin ăn, người sống lang thang không có nơi cư trú nhất định trên địa bàn thành phố, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM (Sở LĐ-TB&XH TP) cho biết, đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND TP giải quyết một số khó khăn, vướng mắc phát sinh như: giải quyết cơ bản tình trạng phụ nữ mang thai hoặc có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; các đối tượng sử dụng ma túy có hành vi xin ăn, sinh sống nơi công cộng; vướng mắc về thời hạn chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP, tình trạng người xin ăn giả dạng (người bệnh, bán vé số, tăm bông, thầy tu đi khất thực…), lợi dụng trẻ em để xin ăn ngày càng gây khó khăn trong việc xử lý.
Từ ngày 28/12/2015 đến ngày 18/2/2016, Trung tâm Bảo trợ xã hội (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP) đã tiếp nhận 2.285 trường hợp. Trong năm 2015, có 1.866 trường hợp được giải quyết hồi gia, trong đó có 44 trường hợp được giới thiệu việc làm hội nhập cộng đồng. Hỗ trợ dạy văn hóa, dạy nghề cho 280 người.
“Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND TP thực hiện thí điểm hỗ trợ cá nhân khi phát hiện và thông báo xử lý các trường hợp xin ăn, sinh sống nơi công cộng nhằm khuyến khích thực hiện từ cộng đồng”, đại diện Sở nhấn mạnh.