Vụ hỏa hoạn xảy ra tại Cty TNHH Hải Nam (Gia Lâm, Hà Nội). |
Vào mùa nắng nóng, nhiệt độ tăng, độ ẩm xuống thấp, các vật liệu, đồ đạc dễ bắt cháy cộng với việc sử dụng điện và các loại nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Điển hình, ngày 21/4 vừa qua, vụ cháy nhà dân tại ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch (Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) khiến 5 người trong gia đình tử vong. Tiếp đó, ngày 25/4, cháy xưởng vải tại xã Hợp Thành (Mỹ Đức, Hà Nội) làm 1 người tử vong là con trai chủ nhà xưởng.
Nguyên nhân các vụ cháy, nổ không chỉ do các nguyên nhân khách quan, mà còn có sự chủ quan, không chấp hành quy định về đảm bảo an toàn PCCC như vụ hỏa hoạn tại Cty TNHH Hải Nam (Gia Lâm, Hà Nội) thiêu rụi 800m2 kho, xưởng, xảy ra ngày 1/5 vừa qua. Theo cơ quan công an, đơn vị này đưa công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC và lén lút sản xuất khi bị đình chỉ hoạt động.
Để hạn chế cháy, nổ xảy ra, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị. Lắp đặt các thiết bị bảo vệ như cầu chì, công tắc, cầu dao chống quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn…
“Người dân cũng không nên dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, “trường hợp bất khả kháng” thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ” – cơ quan công an khuyến cáo.
Khi ô tô, xe máy… bắt buộc phải để trong nhà thì nên cách xa nơi đun nấu. Đối với nơi thờ cúng sử dụng các vật liệu chống cháy, hạn chế đốt vàng mã và chỉ thắp hương khi có người trông coi. Trước khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ người dân phải kiểm tra nơi đun nấu, thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
Những ngôi nhà tập thể cũ quây kín "chuồng cọp" ngoài ban công. Ảnh minh họa: Thanh Hà |
Chuẩn bị trước phương án thoát nạn
Nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra vào ban đêm, rạng sáng lúc mọi người trong nhà ngủ say dẫn đến nạn nhân bị ngạt khói, khí độc. Ngoài ra, một số ngôi nhà ở đô thị bị quây kín tôn, “chuồng cọp” chống trộm, khi xảy ra cháy không có lối thoát nạn.
Do đó, cơ quan công an khuyến cáo, người dân không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra.
Đối với nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên. Đồng thời chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn và không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.
Mỗi gia đình cũng nên dự kiến các tình huống để thoát nạn an toàn khi có cháy. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng để phục vụ chữa cháy, bình chữa cháy, các thiết bị cảnh báo cháy sớm, phổ biến cho mọi người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.
Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị PCCC
Đối với các cơ quan, doanh nghiệp phải quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, sắp xếp vật tư, hàng hóa gọn gàng đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC và ngăn cháy theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị, phương tiện PCCC… xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có cháy, nổ xảy ra.