Sân bay không phải là yếu tố thu hút đầu tư
Sốt đất là hiện tượng giá đất tăng với một tốc độ đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn. Đa phần các cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và làm đẩy giá lên cao do nguồn cung có hạn.
Các cơn sốt đất dễ trở thành sốt đất ảo khi giá trị đất không còn phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi. Trong các cơn sốt đất thì nhu cầu đất chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ chờ thời.
Cơn sốt đất tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước mới đây là do một bộ phần người dân truyền tai nhau về việc sắp quy hoạch đất tại địa phương để xây sân bay Téc Ních với diện tích lên tới 500ha, sau khi đoàn khảo sát của tỉnh đến để khảo sát vị trí để xin chủ trương.
Sân bay Téc Ních tại Bình Phước không phải là cây đũa thần làm cho nền kinh tế của tỉnh và thị trường bất động sản khởi sắc chỉ trong một thời gian ngắn như thế. Có thể dễ dàng nhìn thấy rằng việc xây dựng một sân bay không thể là một bước ngoặt cho kinh tế toàn tỉnh. Thứ nhất đây chỉ mới dừng lại ở mức chủ trương đang đợi xem xét và phê duyệt. Thứ hai việc giá thị trường bất động sản tại tỉnh có tăng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.
Với giả định là sân bay sẽ được hoàn thành, theo một góc nhìn thực tế thì việc này cần ít nhất 5-7 năm để hoàn thành kế hoạch và được phê duyệt, và rồi xây dựng sẽ mất thêm 3-5 năm nữa. Như vậy là từ lúc khảo sát đến lúc khánh thành thì cũng gần 10 năm nếu mọi việc diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, để vân hành trơn tru và thật sự thu hút đầu tư đáng kể thì cần 5-10 năm nữa.
Hơn nữa, việc có sân bay tại địa phương không phải là yếu tố chính để thu hút đầu tư. Những yếu tố quan trọng hơn trong việc gia tăng giá trị bất động sản và tạo sức hút trên thị trường bao gồm đầy cung cấp đầy đủ các tiện ích xã hội như trường học bệnh viện, giao thông thuận lợi và cơ hội nghề nghiệp. Việc hình thành một khu dân cư không phải là dễ và liên quan đến bài toán kinh tế đô thị. Các địa phương cần có những sức hút khác biệt để khuyến khích di dân đến địa phương một cách cơ học.
Chúng ta phải đặt câu hỏi là vì sao nhiều người lại di cư đến Bình Dương chứ không phải Bình Phước? Đơn giản là vì Bình Dương có nhiều ưu điểm hơn và đáp ứng được những nhu cầu của đa phận bộ phân người dân. Cho nên, để tăng giá trị bất động sản thì phải nắm bắt được nhu cầu và đáo ứng để tạo ra sức hút riêng biệt để thu hút nguồn lao động và di dân đến địa phương một cách cơ học. Vì thế nên việc xây thêm một con đường hoặc có một sân bay nội địa chưa đủ để tác động trực tiếp đến thị trường.
Thật sự thì không phải cứ xây sân bay thì địa phương nào cũng phát triển mạnh mẽ như Đà Nẵng và Nha Trang. Sân bay Phù Cát tại Quy Nhơn, Bình Định là một minh chứng rất rõ ràng khi đã mất rất lâu mới phát triển được như hôm nay. Tuy nhiên đến nay sức ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội địa phương vẫn chưa thể so sánh được với Đà Nẵng và Nha Trang. Chúng ta nên nhìn thấy rằng, có sân bay không phải là yếu tố quyết định để Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống nhất Việt Nam và Nha Trang trở thành thành phố du lịch hàng đầu cả nước, mà là do nhiều yếu tố khác nữa mới tạo ra giá trị cho thành phố như vậy.
Quay trở lại câu chuyện Bình Phước, việc người dân địa phương chạy theo cơn sốt và bán đi những mẩu đất mà đã là nguồn thu nhập chính từ trước giờ được đánh giá là quan ngại. Tại huyện Hớn Quản, nơi mà đa phần người dân địa phương trước giờ sống nhờ vào nông nghiệp như là trồng cây cao su và thu hoạch mủ cao su để nuôi sống gia đình. Vậy việc bán đi những mẩu đất này không khác gì bán đi cần câu cá khi giờ họ đã mất đi nguồn thu nhấp chính. Đây là một vấn đề rất cần sự quan tâm của các cấp quản lý.
Sốt đất là cuộc chơi của những đội lái
Cơn sốt đất hiện nay ở Bình Phước là “mô típ” quen thuộc từng diễn ra ở nhiều nơi. Đầu năm 2020 tại các khu vực Bình Ba thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng từng xảy ra cơn sốt đất tương tự ngay sau khi có đề xuất xây dựng khu đô thị của một tập đoàn lớn.
Đặc điểm của những cơn “sốt đất ảo” là đều ăn theo các thông tin chưa rõ ràng về các đề xuất xây dựng dự án hạ tầng quan trọng như sân bay, cao tốc, hay các đại đô thị của các doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch triển khai. Thông qua lực lường “cò đất” hùng hậu giá đất được đẩy lên cao chóng mặt. Giao dịch chủ yếu là lướt cọc, sang tay chứ không có giao dịch thật bởi những người này không có nhu cầu sử dụng đất. Cơn sốt đất cũng chỉ diễn ra một thời gian ngắn.
Những người chỉ cần một chút kinh nghiệm cũng đủ biết những gì diễn ra ở Bình Phước là cơn sốt ảo. Thông tin về sân bay chỉ đang là một đề xuất lập nghiên cứu quy hoạch chứ chưa phải là một quyết định chính thức. Hiện nay, quy hoạch phát triển sân bay Việt Nam đến năm 2050 chưa có sân bay nào ở Bình Phước. Nếu sân bay này được bổ sung thì còn cả thời gian rất dài.
Mặc khác, cho dù được phê duyệt lập quy hoạch sân bay thì chưa chắc dự án sẽ được thông qua bởi tính khả thi không cao. Khoảng cách từ Bình Phước đến TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương chỉ khoảng 150km. Với khoảng cách này người dân trong khu vực chuộng sử dụng phương tiện cá nhân vừa thuận lợi, vừa đỡ tốn kém. Trong tương lai, các tuyến cao tốc kết nối được xây dựng càng rút ngắn thời gian di chuyển. Bình Phước không phải là địa phương có thế mạnh nổi trội về du lịch nên rất khó để thu hút đông đảo du khách từ các địa phương khác đến đây.