Gia đình của Taylor Gammel, 19 tuổi, đã báo cảnh sát khi phát hiện cô bị mất tích vào đêm 26/10. Sau nhiều giờ tìm kiếm, cảnh sát nhận được tin báo Taylor đang ngồi ở ven đường trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê.
Cô gái nói với cảnh sát rằng không nhớ nổi tại sao mình lại ở đây. Buổi tối cô đi ngủ bình thường lúc 22h, đến khi tỉnh dậy thì phát hiện mình đứng giữa đường. Lúc đó khoảng 6h sáng.
Tiến sĩ Shlini Paruthi, một chuyên gia về giấc ngủ làm việc tại St. Louis University, nói với ABCNewsrằng ông đã nghiên cứu nhiều về chứng mộng du nhưng quả thực Taylor đi bộ trong đêm đến 15 km là trường hợp hiếm có, lần đầu ông nghe thấy.
Người mắc bệnh mông du thường đang ngủ bỗng ngồi dậy, mở mắt, đi vòng quanh phòng hoặc đi về phía có ánh sáng. Họ thường mở cửa ra ngoài, bước xuống cầu thang hoặc đến cửa sổ, trèo lên cửa sổ… Người bệnh còn có một số hoạt động phức tạp như di chuyển đồ đạc, đi vào nhà tắm, cởi hoặc mặc quần áo và nhiều hoạt động tương tự khác. Một số người còn vào ôtô lái đi một quãng đường dài trong lúc thực sự đang ngủ...
Tiến sĩ Paruthi cho biết, mộng du có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, thường gặp ở trẻ em, ngay cả trẻ em mới biết đi. Tiếng ồn lớn, ngưng thở khi ngủ hay chứng ợ nóng có thể gây ra mộng du. Vì vậy, người bị mộng du hay gia đình có người bị mộng du hãy đề phòng trước khi xảy ra sự cố đáng tiếc.
Không nên cố gắng đánh thức người đang mộng du vì có thể làm họ bị kích động. Để người bệnh ngủ đủ thời gian và có giờ giấc, ngủ ở những nơi yên tĩnh, ban ngày tránh tiếp xúc nơi ồn ào, kích động. Đối với trẻ em cần cẩn thận hơn với những đồ đạc trong phòng, tai nạn ở cầu thang, cửa sổ… có thể khiến trẻ bị thương. Tốt nhất, người bệnh hãy đến bác sĩ để có phác đồ điều trị.