Con động kinh, mẹ tưởng… đói
Gần tháng nay, bé Mít, 9 tháng tuổi, con chị Mai (Dương Quảng Hàm, Tp.HCM) thường xuyên khóc to, mắt môi tím tái. Chị Mai nghĩ là con đói, khóc nhiều nên kiệt sức, vì thế chỉ cho con uống sữa và dỗ dành. Sau đó, bé lại trở về trạng thái bình thường, chơi đùa vui vẻ. Nhưng càng về sau, tình trạng khóc to của bé càng hay diễn ra. Một ngày, bé phải lặp đi lặp lại ít nhất 3 lần cơn khóc to, tím tái, thường là những lúc đòi đồ chơi nhưng không được đáp ứng, nhưng cũng có khi tự dưng bé khóc. Chị Mai lúc cáu gắt: “Mới mấy tháng mà giỏi ăn vạ, hệt như ba mày”, lúc cưng nựng “Thương quá, mẹ bận chưa kịp cho ăn nên khóc tím cả người đây”. Một lần, bé lịm hẳn trên tay chị, đầu nghẹo sang một bên. Chị Mai mới hốt hoảng la toáng lên. Chồng chị vì đã học qua lớp sơ cứu ở cơ quan nên nhanh chóng ấn vào huyệt nhân trung cho Mít rồi đưa con tới bệnh viện.
Sau khi làm hàng loạt xét nghiệm, siêu âm tim và đo điện não đồ, bác sỹ chẩn đoán bé bị động kinh nhẹ. Chị Mai hoang mang: Trộm vía, con mình vẫn khỏe mạnh, ăn ngủ tốt, khôn lanh, sao lại bị động kinh được?! Chị lại đưa con đến khám bệnh viện khác, kết quả vẫn tương tự và cũng được kê thuốc chống động kinh. Lúc này chị Mai mới tin là con bị động kinh và khóc ngất chính là triệu chứng điển hình của bé.
BSCKII. Trần Bình Nguyên, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung Ương cho hay: Trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ gặp các triệu chứng khóc ngất như con chị Mai không phải ít. Những cơn khóc ngất với các biểu hiện như trên là cơn khóc bệnh lý, không đơn thuần là những cơn khóc sinh lý. Con chị Mai sau khi xét nghiệm thì được chẩn đoán động kinh, một số trẻ khác lại có vấn đề về tim mạch. Trên thực tế, khi trẻ quấy khóc, các mẹ thường nghĩ tới nguyên do là vì đói, vì mệt, vì đòi hỏi… ít người ngờ tới những căn bệnh nghiêm trọng như tim, rối loạn tiêu hóa hay tổn thương thần kinh.
Không điều trị, thành mạn tính
Cơn khóc ngất tím (hay còn gọi khóc lặng) được định nghĩa là một tình trạng khóc không thể giải thích được và gay gắt ở một trẻ khoẻ mạnh. Cơn khóc làm co thắt các cơ vùng hầu họng làm trẻ lặng đi sau đó có thể tím tái hoặc thậm chí giật nhẹ tay chân. Hai bệnh lý nguy hiểm nhất liên quan tới cơn khóc ngất là bệnh tim bẩm sinh và động kinh.
Bác sĩ Nguyên cho hay nếu trẻ thường xuyên tái diễn cơn khóc mà không được điều trị sớm thì nguy cơ tử vong cao, khoảng 5-10%. Những em may mắn giữ giữ được tính mạng cũng dễ bị cơn khóc ngất để lại di chứng.
Với trẻ khóc ngất vì bị động kinh nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến cho bệnh động kinh ngày càng nặng, thành mạn tính. Còn những em không bị động kinh cũng dễ bị tổn thương dây thần kinh cảm giác và tâm lý vì cơn khóc ngất cản trở lưu lượng máu lên não. Đồng thời điều trị muộn hoặc không điều trị sẽ khiến tần số khóc tăng lên và làm giảm khả năng thích nghi của bé với môi trường, dẫn tới sự mẫn cảm và yếu ớt.
Vì vậy, bác sĩ Nguyên khuyên cha mẹ không nên chủ quan, thấy bé khóc bất thường nên đưa đi khám thần kinh hoặc tim mạch. Đặc biệt để chẩn đoán chính xác bệnh lý, bác sĩ cần cha mẹ cung cấp chi tiết về thời gian, hoàn cảnh, triệu chứng khi khóc của con. Không ít đứa trẻ khóc ngất bệnh lý nhưng khi đến khám, cha mẹ không kể được chính xác các thông tin trên, khiến bác sĩ nhầm lẫn không cho xét nghiệm, siêu âm và điện não đồ nên bỏ qua bệnh. Do đó, khi thấy con đã từng khóc ngất thì nên quan sát, ghi chép lại hoàn cảnh và biểu hiện của con lúc đó.
Phân biệt khóc bệnh lý và sinh lý
Khóc là biểu hiện thường thấy ở trẻ nên nhiều cha mẹ chủ quan, đánh đồng triệu chứng con khóc ngất bệnh lý với con khóc sinh lý. Khóc sinh lý thường xảy ra khi trẻ môi trường thay đổi, nóng, lạnh bất thường hoặc khi trẻ đói khát; khi các yếu tố này được điều chỉnh hay đáp ứng thì trẻ sẽ trở lại bình thường.
Còn khóc bệnh lý xảy ra đôi khi rất tự nhiên “chẳng làm sao cũng khóc” và biểu hiện ngày càng rõ rệt. Trong cơn khóc ngất báo hiệu bệnh nguy hiểm, trẻ thường có những dấu hiệu khác kèm theo như khó thở, ngất, da tái nhợt, đặc biệt có cơn co giật nhẹ. Những dấu hiệu này thường thoáng qua rất nhanh, không quá một phút.