Khang A Tủa trở thành sinh viên của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) năm 25 tuổi – già hơn tất cả các bạn đồng môn của mình.
Năm học sau, Tủa 8 tuổi, vẫn cự tuyệt đến trường. Bố Tủa nhìn con trai mình đăm đăm rồi khẽ khàng nói: "Con phải đến trường thôi. Vì con không thể thất học như bố được".
Ngày khai giảng, Tủa được bố dắt tay qua những thửa ruộng bậc thang bắt đầu vàng rộ để đến ngôi trường dưới chân núi. Vừa đi, ông vừa thủ thỉ với con trai: "Bố thích đi học lắm mà không được học hết lớp 1. Bố đã tự hứa với mình là sau này đẻ các con ra sẽ không bao giờ để các con thất học".
Ông đi học cùng con một tháng, cho đến ngày Tủa bảo với bố là hoá ra trường học không đáng sợ như Tủa nghĩ, không phải thầy cô giáo nào cũng đánh Tủa như Tủa từng bị; cô giáo chủ nhiệm rất đỗi dịu dàng… Lúc đó ông bố người Mông mới yên tâm để con trai một mình đến lớp, để quay lại tiếp tục cuộc mưu sinh chẳng mấy dễ dàng.
"Người Kinh các chị thấy ruộng bậc thang rất đẹp đúng không?" – Tủa hỏi tôi như thế, khi chúng tôi ngồi đối diện nhau trong một góc nhỏ của thư viện Đại học Fulbright – "Nhưng với những đứa trẻ vùng cao tụi em, đó là nỗi ám ảnh. Để đến trường, ngày ngày em phải đi qua những thửa ruộng bậc thang mà đường bờ be chỉ rộng hơn một gang tay người lớn. Những ngày mưa, bờ ruộng trơn, em ngã lăn lông lốc xuống những thửa ruộng phía dưới, đau điếng người, quần áo lấm lem bùn, vừa khóc vừa ôm cặp đến lớp. Em lại về ăn vạ bố. Lại đòi bỏ học". Bố Tủa không dỗ dành con trai, nhưng ông đi vào rừng nhiều buổi chiều, mỗi lần về mang theo một ôm to những cây mương già. Rồi mỗi ngày một tí, trên những thửa ruộng bậc thang mà Tủa phải đi qua để đến trường, ông cặm cụi, cần mẫn làm một cây cầu khỉ nhỏ xíu để Tủa và bạn bè có thể bám men theo đến trường mà không bị ngã khi trời mưa.
Mẹ Tủa đến trường gặp cô giáo, để cùng với cô bàn cách cho Tủa đi học. Một bà mẹ người Mông không biết một từ tiếng Kinh. Một cô giáo người Kinh không biết một từ tiếng Mông. Và một cậu bé người Mông 10 tuổi không thạo cả tiếng Kinh lẫn tiếng Mông đứng ra đảm nhiệm việc phiên dịch... họ đã nói chuyện với nhau về tương lai của Tủa.
Cuối cùng, để Tủa tiếp tục được đi học, cô giáo chủ nhiệm người Kinh đã cho Tủa ở nhờ trong nhà mình.
Tủa có một ông bố sẵn sàng đi làm thuê trong những khu hầm mỏ khắp vùng cao Mù Cang Chải – nơi mà chỉ một trận mưa lớn bất ngờ ập đến cũng có thể cướp đi tính mạng cả chục người – để lo cho con có cái ăn, có cái mặc và có thể đến trường.
Những ngày mưa gió, Tủa đi học trong nỗi ám ảnh rằng bố mình có thể chết bất cứ lúc nào bởi những hiểm hoạ luôn rình rập trong những khu hầm mỏ đó.
Tủa có một cô giáo chủ nhiệm, vì không nỡ để một cậu bé thông minh chịu cảnh thất học, mà đã dang rộng vòng tay cho Tủa sống cùng với gia đình mình.
Có quá nhiều người hi sinh vì Tủa, nên 12 năm học phổ thông, Tủa đặt mục tiêu mình luôn phải ở trong Top đầu.
Mùa hè năm 2014, Khang A Tủa nhận được giấy báo trúng tuyển vào Khoa Hoá - Đại học Bách Khoa. Cho đến thời điểm đó, Tủa là người Mông đầu tiên của Mù Cang Chải đỗ vào một trường đại học lớn như thế.
Nhận được giấy báo chỉ 2 bữa trước ngày nhập học, bố con Tủa cùng ngồi với nhau để giải bài toán làm thế nào để Tủa theo học 4 năm Bách Khoa dưới Hà Nội.
Nhà Tủa có một vườn thảo quả tít sâu trong rừng, một ruộng lúa nhỏ không năm nào trồng đủ thóc cho một gia đình 9 miệng ăn. Nhà Tủa còn có 1 đàn gà 10 con.
Bố Tủa nói: "1 con gà đẻ được 15 quả trứng mỗi tháng. Mỗi quả trứng bán được 2 nghìn đồng. Học phí của trường Bách Khoa là hơn 5 triệu mỗi năm. Cứ cho là 10 con gà cùng đẻ một lúc, bố vẫn không có cách nào để nuôi con đi học. Nhưng con dù thế nào cũng không được bỏ học".
Sau khi quyết với nhau như thế, bố Tủa rút ra 2 triệu đồng nhăn nheo, nhầu nhĩ, là toàn bộ số tiền mà ông đã tích cóp cả đời. Ông dặn dò con trai: "Đó là toàn bộ những gì bố có. Con cầm nó đi học, rồi sau này phải tự tìm cách lo cho mình".
Và cậu bé người Mông xuống Hà Nội với 2 triệu bố cho, nhập học ở trường Đại học Bách Khoa rồi tự lăn lộn mưu sinh theo mọi cách mà cậu có thể.
"Để tiết kiệm, em mua từng thùng mì tôm về ăn thay cơm. Các bạn trong KTX hay mua mì tôm của em để ăn đêm. Nên em nảy ra ý tưởng bán mì tôm. 3,5 nghìn 1 gói mì tôm, mỗi thùng mì em lãi hơn 20 nghìn. Số tiền đó với em lớn đến mức nào, chị không biết được đâu".
Nhờ rất nhiều "20 nghìn quý giá" đó, Tủa "sống sót" qua 1 năm đầu đại học, còn tiết kiệm được vài triệu gửi về cho bố ở quê.
Bài toán mưu sinh được giải. Nhưng Tủa lại không ngừng băn khoăn về lựa chọn của mình.
Trên facebook cá nhân, Khang A Tủa có viết một note nhỏ như này: "Chọn trường để học cũng như chọn vợ, chọn chồng để lấy. Đã là chọn người chung đường với mình mãi thì phải chọn người phù hợp với mình nhất, chứ không phải chọn kẻ giàu, người sang hay chọn kẻ đẹp người xinh".
Chọn trường cũng vậy, phải chọn trường có sứ mệnh phù hợp với sứ mệnh của mình, có môi trường sống và học tập phù hợp với tính cách của mình chứ đừng chọn trường vì cái danh, cái top…".
Tủa thi vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ vì chưa một người Mông Mù Cang Chải nào từng thi đỗ ngôi trường này. Mà cả đời Tủa cho đến lúc đó, Tủa chỉ nghĩ đến việc chọn những gì "Top" nhất, chứ không phải là những gì mình thích nhất.
Sau hơn 1 năm học thì Tủa sớm nhận ra Đại học Bách Khoa Hà Nội dù vẫn luôn là một trường đại học hàng đầu, nhưng lại không hề phù hợp với Tủa. Tủa thích làm thầy giáo hơn là thích học Hoá; Tủa thích làm những công việc liên quan đến xã hội, đến cộng đồng hơn là ngồi từ ngày này qua ngày khác trong phòng thí nghiệm: "Nó giống như là em cưới một cô gái vừa đẹp, vừa giỏi, vừa giàu, nhưng lại không hề đồng điệu với em về tâm hồn vậy".
Nên cuối cùng, sau hơn 2 năm học Bách Khoa, Tủa đã lựa chọn "ly hôn", "kết thúc một cuộc tình tưởng như lãng mạn nhưng lại đầy rẫy những khổ đau" – đó là nguyên văn lời Tủa nói với tôi.
Ngày Tủa quyết định thông báo với bố về sự lựa chọn của mình, Tủa nói: "Con bỏ học ở đây vì con thấy ở đây không có cái mà con muốn học. Nhưng không có nghĩa là con sẽ bỏ học vĩnh viễn. Con sẽ học ở ngoài đời, ở những công việc xã hội mà con làm và một ngày nào đó chọn một ngôi trường mà con thích học".
Bố của Tủa, một người bố đã có lời thề không để con cái của mình thất học, một người bố đã bằng mọi cách để thuyết phục con trai đến trường, sẵn sàng ngồi học cùng con trên lớp, sẵn sàng làm cầu khỉ cho con đi qua những thửa ruộng bậc thang, sẵn sàng làm những công việc có thể phải trả giá bằng tính mạng để nuôi con đi học… vậy mà riêng lần này, ông nói: "Con hãy học theo cách con muốn, lựa chọn điều con nghĩ mình nên làm…".
Sau câu nói của bố, "chàng trai Mông đầu tiên của Mù Cang Chải đỗ Bách Khoa" đã viết đơn xin nghỉ học.
Trong suốt hơn một năm sau khi nghỉ học, Khang A Tủa cùng những cô bạn, cậu bạn người Mông thành lập dự án "action for Hmong’s Development" – " Hành động vì sự phát triển của người Hmong".
"cổ tích ngườiMông"
do chính Tủa sưu tầm và biên soạn.
Tủa vừa tranh thủ đi làm thêm ở các nhà hàng, quán ăn để kiếm sống; vừa dành thời gian đi khắp các vùng núi cao của người Mông để đi sưu tầm lại các câu chuyện cổ tích của người Mông, mang về tập hợp lại nó trong một bộ sách bằng cả tiếng Mông và tiếng Kinh, rồi gửi đến các trường học vùng cao, hy vọng các thầy cô giáo vùng cao sẽ dùng chính những câu chuyện đó để dạy trẻ con người Mông; Tủa làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận như ISEE trong những dự án mà cậu cảm thấy có thể giúp ích cho cộng đồng mình.
Một nhà tuyển trạch của Đại học Fulbright Việt Nam đã vô tình bắt gặp Tủa trong một dự án xã hội như thế và khuyến khích Tủa nộp đơn vào Đại học Fulbright Việt Nam.
Hiếm có ai "hoang dã" như Khang A Tủa.
Khi nộp đơn dự tuyển vào Fulbright, vốn Tiếng Anh của Tủa chỉ là thứ Tiếng Anh mà Tủa học mót được khi phục vụ các du khách Tây trong quán ăn.
"Để viết bài luận trong hồ sơ dự tuyển, em đã dùng google translate 100%" – Lời thú nhận thật thà của Tủa đã khiến tôi không thể không phá lên cười. Không phải lúc nào trong cuộc đời làm báo của mình, tôi cũng nhận được một câu trả lời nằm ngoài mọi trí tưởng tượng của tôi như thế.
Khi tham gia vòng phỏng vấn chính thức của FUV cùng với rất nhiều thí sinh khác trong cả nước, Tủa có lẽ không có gì nhiều nhặn ngoài sự can đảm và lạc quan.
"Khi mà các thầy cô trong ban tuyển sinh phỏng vấn em bằng Tiếng Anh, em thậm chí không thể hiểu họ nói gì chứ đừng nói trả lời họ. Cuối cùng em trả lời phỏng vấn bằng Tiếng Việt. Các bạn thí sinh khác cùng tham gia phỏng vấn với em đã giúp em dịch sang Tiếng Anh. Em đến bây giờ vẫn mãi cảm động, vì có thêm em tức là có thêm một người cạnh tranh, có thêm một đối thủ. Các bạn ấy có thể lựa chọn không giúp em để cho mình thêm cơ hội, nhưng đã không làm thế. Nên kể cả khi ấy chưa biết mình trúng tuyển, em đã biết rằng em thích được học cùng với những người bạn như thế, ở một nơi ấm áp như thế".
Hôm đó, các giáo sư trong hội đồng tuyển sinh hỏi:
- Nếu được kiến tạo một môn học mới trong năm đồng kiến tạo, em sẽ đề xuất gì?
Tủa trả lời:
- Một môn học về văn hoá bản địa.
Một cuộc tranh luận quyết liệt đã nổ ra trong Hội đồng tuyển sinh về trường hợp của Tủa. Những người phản đối lo ngại về trình độ Tiếng Anh của Tủa; lo ngại về khoảng cách 5 tuổi sẽ khiến Tủa không thể hoà đồng được với bạn bè cùng khoá. Nhưng những người ủng hộ thì tin rằng Tủa là viên ngọc thô mà FUV có thể mài rũa.
Nên cuối cùng, Tủa được chọn. Trong hồ sơ trúng tuyển của Tủa, Hội đồng FUV có ghi rõ: "Tủa được chọn vì đã kể một câu chuyện thuyết phục và thể hiện được đích xác những phẩm chất mà Fulbright tìm kiếm ở các sinh viên đồng kiến tạo, đó là tinh thần ham học hỏi, tính tiên phong, hướng tới cộng đồng và nỗ lực bền bỉ".
Cả một chương trình hỗ trợ đặc biệt về Tiếng Anh đã được FUV thực hiện với Tủa, để giúp Tủa có thể bắt nhịp được với bạn bè.
Trở thành sinh viên FUV, Khang A Tủa lập tức nhận được sự chú ý vì trở thành "chàng trai người Mông đầu tiên ở Fulbright". Tất cả đều tò mò về Tủa; tất cả đều hy vọng vào một câu chuyện "cổ tích người Mông" ở Fulbright.
Nhưng tôi không có ý định viết về Tủa như một người hùng. Vì sự thực là chặng đường của Tủa một năm qua ở Fulbright Việt Nam không hề dễ dàng.
Kể cả đã trải qua một khoá học Tiếng Anh hàn lâm do FUV tài trợ suốt mùa hè, thì Tủa vẫn bước vào năm học đồng kiến tạo (100% chương trình được xây dựng và giảng dạy bằng Tiếng Anh) với rất nhiều khó khăn.
Những ngày lên lớp mà không thể hiểu 1/5 những gì thầy cô nói, là việc Tủa đã trải qua. Phải tốn gấp 3 thời gian so với bạn bè để làm bài tập về nhà, là việc Tủa đã trải qua.
Bị một quỹ giáo dục cắt học bổng vì thành tích học tập không như kỳ vọng, cũng là nỗi ngượng chín mặt mà chàng trai người Mông luôn khao khát lọt "Top" phải đối mặt.
Tủa kể:"Vì chẳng có trải nghiệm nào trong đó là dễ dàng, nên có lần em đã tâm sự với một giáo sư về nỗi mặc cảm thua kém lớn dần lên mỗi ngày trong lòng em. Vị giáo sư ấy nói với em như này: Đừng quan tâm cậu hơn ai hay thua kém ai. Cậu chỉ cần tự hỏi cậu ngày hôm nay có tốt hơn chính cậu ngày hôm qua hay không là đủ".
Đó là câu nói giúp Tủa trút đi được tất cả những gánh nặng trong lòng, để sẵn sàng tham gia vào các buổi học mà không hề e sợ; sẵn sàng hỏi những từ mình không biết; sẵn sàng đưa ra một ý kiến nào đó mà không sợ bị bạn bè cười.
Ngày 25/3/2019, Tủa nhận được một tấm card visit mà Đại học Fulbright làm cho Tủa. Trên tấm card có ghi "Khang A Tủa/ Co -design year student/ Sinh viên đồng kiến tạo". Tình cờ thay, 3 năm trước, cũng vào đúng ngày 25/3, Tủa rời khỏi Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Tủa giữ gìn tấm card visit đó rất nâng niu, vì với Tủa đó là những tháng ngày mông lung nhất của tuổi 20. Nhưng hôm nay, khi đang trải qua năm học chính thức đầu tiên sau năm đồng kiến tạo, Tủa nói, sau khi ly hôn với "cô nàng xinh đẹp" Bách Khoa, Tủa hài lòng và hạnh phúc với sự kết đôi của mình với "cô gái" FUV.
Ở FUV, Tủa rất nổi bật khi đứng giữa các bạn đồng môn với chỏm tóc đuôi gà đặc trưng của người Mông và bộ quần áo dân tộc do chính mẹ Tủa kiên nhẫn từng mũi khâu cả năm trời.
"Em không muốn quên mình là ai, mình từ đâu tới" – Tủa giải thích.
Năm Tủa học lớp 10, vì là học sinh giỏi, Tủa được xuống trường nội trú Việt Bắc ở Thái Nguyên học. Ở trường, Tủa mặc quần áo như người Kinh và đã quên rất nhiều từ tiếng Mông. Một ngày, trên tay Tủa xuất hiện một cái nốt ruồi nho nhỏ. Không biết từ "nốt ruồi" trong tiếng Mông có nghĩa là gì, Tủa về nhà hỏi mẹ. Nhưng mẹ Tủa – một người đàn bà Mông không nói được một từ tiếng Kinh đã không thể nào hiểu được câu hỏi của con mình - một đứa con người Mông nhưng lại đang quên dần tiếng Mông.
"Em đang mất đi sự kết nối thiêng liêng với người em yêu thương, gần gũi nhất" – Tủa sợ hãi nhận ra điều đó.
Sau ngày hôm đó, Tủa quay lại trường, nhờ những người giỏi tiếng Mông nhất dạy nói và viết tiếng Mông. Rồi Tủa mặc quần áo Mông đi học, cho đến tận bây giờ, để không quên cội nguồn của mình.
Tủa mang trong lòng mình rất nhiều nỗi ưu tư về dân tộc Mông của mình, về gia đình mình, về giáo dục, về tương lai và số phận của người Mông. Và có lẽ đó là lý do Tủa là một trong 54 sinh viên đầu tiên được FUV lựa chọn để cùng "đồng kiến tạo" lên lịch sử và tương lai của ngôi trường này.
Tủa nói: "Em không thích cách người Kinh lên vùng cao làm từ thiện. Vì sau khi nhận quần áo, nhận lương thực, nhận tiền…người vùng cao ngày càng ỷ lại vào sự giúp đỡ. 100 năm trước, người Mông nổi tiếng với khả năng tự cung tự cấp. Giờ dân tộc em phụ thuộc vào sự cứu trợ từ phân bón đến giống lúa…mà vẫn không đủ ăn.
Em nghĩ vùng cao không cần xây thêm trường nữa. Vì trường học ở vùng cao có lẽ đã tương đối đủ rồi. Chúng ta cần "xây" người dạy, và "xây" cách dạy nhiều hơn. Em không hiểu những thầy cô giáo không biết tiếng Mông, không hiểu văn hoá Mông, không yêu trẻ con người Mông sẽ dạy trẻ con thế nào ở những vùng như quê em?
Em cũng không hiểu tại sao một đứa trẻ người Mông không biết một từ tiếng Kinh mà ngày đầu tiên đến trường lại phải học chuyện cổ tích người Kinh, bằng chữ viết của người Kinh. Rất nhiều đứa trẻ người Mông đã không vượt qua được những trở ngại đó, và từ đời này qua đời khác sống mãi trong nghèo đói và thất học.
Nên khi cùng "đồng kiến tạo" xây dựng chương trình học cho FUV, em mong mình tích luỹ được kiến thức để một ngày nào đó, em có thể góp sức vào việc kiến tạo nên một chương trình học phù hợp hơn cho người Mông".
Ngày hôm nay, ở FUV, Tủa vẫn đang ngồi đối diện với bài toán làm thế nào để sống sót qua 4 năm Đại học ở FUV, khi mà Tủa phải tính toán tiêu số tiền học bổng vốn chỉ vừa đủ cho bản thân mình để giúp bố mẹ nuôi 6 người em khác đang đi học. Khi mà các bạn khác ăn một cái đùi gà trong một bữa cơm, thì Tủa chia cái đùi gà thành 3 bữa.
Nhưng mùa hè vừa rồi, mùa hè đầu tiên của Tủa sau 1 năm học ở FUV, Tủa vét sạch tiền túi chỉ đủ mua một vé máy bay giá rẻ không hành lý ký gửi để bay ra Hà Nội. Về tới Hà Nội với chỉ vỏn vẹn 14 nghìn trong túi, Tủa mượn xe đi chạy grab bike ban đêm, ban ngày Tủa dành thời gian thực hiện dự án "Vườn mơ" – đưa những đứa trẻ Mông xuống thành phố, để dạy cho chúng hiểu thế nào là cuộc sống nơi thị thành.
Cũng mùa hè vừa rồi, Tủa lập fanpage " Ná Nả" - tiếng Mông có nghĩa là "mẹ ơi, mẹ ơi" – để các bà mẹ người Mông như mẹ Tủa có một nơi để bán những sản phẩm mình làm ra từ chai mật ong đến chiếc áo thổ cẩm, mong ước rằng các bà mẹ người Mông cả đời không nói được một từ tiếng Kinh rồi sẽ học cách giao tiếp với người Kinh, kinh doanh như người Kinh, làm giàu như người Kinh…
"Bắt tay vào mới thấy việc gì cũng khó khăn" – Tủa nói – "Bây giờ em hiểu rằng để thay đổi cộng đồng mình, em phải thay đổi chính những người trong gia đình mình trước. Rồi những người đó sẽ tạo ra sự thay đổi cho 5-7 người khác. Cứ thế sự thay đổi sẽ đến dần".
Tên của Tủa trong tiếng Mông có nghĩa là "sự thay đổi tạo ra những bước ngoặt". Thật tình cờ, vì cuộc đời Tủa dường như luôn đối diện với những sự thay đổi và những bước ngoặt.
Tôi không biết Tủa sẽ làm được gì sau 4 năm nữa, khi rời khỏi FUV lúc Tủa 30 tuổi. Nhưng tôi ghi lại câu chuyện này, vì thấy nó thật đẹp; và thành tâm mong giấc mơ của chàng trai Mông ở FUV sẽ đạt thành!