Con đường đến với đại học quốc tế của 'thần đồng' biết đọc lúc 3 tuổi

Ảnh:NVCC
Ảnh:NVCC
TPO - Đã là sinh viên trường ĐH Fulbright được 1 học kỳ nhưng Quách Minh Phát vẫn chưa thể tin đây là sự thật.

Sinh ra và lớn lên ở một huyện của tỉnh Bạc Liêu, Quách Minh Phát đã được dư luận coi như “thần đồng” khi biết đọc từ năm 3 tuổi. Tuy nhiên, “thành tích” đó đến bây giờ nghĩ lại, Minh Phát chỉ cười và thậm chí có đôi lúc em đã quên mất điều này. Cũng chính vì vậy mà Phát đi học sớm hơn các bạn cùng trang lứa.

Lên bậc THCS, thiên hướng thích môn Văn của Phát bộc lộ rõ. Tuy học trong lớp Toán nhưng tình yêu văn học của Phát ngày càng mãnh liệt hơn. Chính vì vậy nên em đã đỗ vào lớp 10 chuyên văn, trường THPT chuyên Bạc Liêu. Tuy không vào đội tuyển thi quốc gia nhưng Phát lại đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.

Em tự nhận lực học không có gì nổi bật. Chỉ có một điều đó là em rất quan tâm và có hứng thú đối với vấn đề giáo dục, những vấn đề chính trị xã hội có liên quan trực tiếp đối với mình.

Con đường đến với đại học quốc tế của 'thần đồng' biết đọc lúc 3 tuổi ảnh 1 Ảnh: NVCC

Cũng chính vì vậy mà Phát quan tâm đến giáo dục khai phóng. Năm Phát học lớp 12, đại diện trường ĐH Fulbright tổ chức buổi nói chuyện ngắn tại trường THPT Chuyên Bạc Liêu. Lúc đó, em chỉ quan tâm  đây là một trường khai phóng và chưa có ý định học tại ĐH này. Vì mục tiêu lúc đó của Phát là muốn học ngành báo chí, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM. Đây cũng là mơ ước từ rất sớm của Phát.

Nhưng trong thời gian nghỉ COVID-19, một số người bạn của em là đại sứ  kết nối trường ĐH Fulbright đến với học sinh THPT. Những người bạn đã thúc giục em làm hồ sơ. Tuy nhiên, thời gian đó đã sát với kỳ tuyển sinh đầu tiên của  trường nên Phát bỏ qua cơ hội này. Dịch COVID-19 bùng phát trở lại,  do thời gian còn nhiều nên em thử làm hồ sơ với mục đích thử xem  một trường như ĐH Fulbright cần gì ở các ứng viên.

Con đường đến với đại học quốc tế của 'thần đồng' biết đọc lúc 3 tuổi ảnh 2 Ảnh: NVCC

Trong suy nghĩ, Phát vẫn cho rằng cả hai điều kiện để trở thành sinh viên của trường em đều không đạt. Điều kiện về năng lực, Phát không có cơ sở nào để chắc chắn em sẽ vượt qua vòng hồ sơ hay kỳ phỏng vấn. Về năng lực tài chính, với một trường ĐH quốc tế, gia đình Phát thật sự không kham nổi.

Có đôi khi, em nhận thấy, ngay cả học ở trường công như trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn gia đình em cũng khó có thể chu cấp được tài chính cho em học suốt 4 năm.  

Vì hiện nay, mọi sinh hoạt của gia đình đều phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của bố (bố Phát là kỹ thuật viên  chụp X-quang). Trong khi đó, mẹ Phát trước đây công việc không ổn định, làm một số việc lặt vặt kiếm thêm nhưng từ khi bà nội chuyển ra ở cùng, mẹ em phải nghỉ ở nhà để chăm bà.

Nhưng đến khi qua vòng nộp hồ sơ rồi lại qua vòng phỏng vấn, Phát thực sự bất ngờ. Vui hơn nữa là trường có chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên và Phát đã đạt đủ điều kiện của trường.  Cánh cửa giáo dục khai phóng mở ra, với Phát, giấc mơ đã thành hiện thực.

Bắt đầu bước chân vào ĐH, Phát còn hơn 1 năm nữa để đưa ra quyết định lựa chọn ngành nghề theo học. Hiện em mong muốn sẽ được học ngành Việt Nam học của trường.

Quách Minh Phát sinh ngày 24/5/2003, ngụ ấp Trà Ban 1, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi được nhiều người tôn là thần đồng vì biết đọc chữ khi mới 20 tháng tuổi. Ngoài việc biết đọc chữ từ rất sớm, Phát còn nhớ rõ và viết được tất cả tên các chương trình giải trí trên truyền hình lúc đó như: Chiếc nón kỳ diệu, Hành trình văn hóa, Ai là triệu phú, Chúng tôi là chiến sĩ... 5 tuổi, cậu bé này được đặc cách vào lớp 1.

Từng được mọi người tôn là thần đồng nhưng cha mẹ Phát cố gắng giữ cho con một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Bố mẹ em không bao giờ tạo áp lực học tập cho con trai, dù người cha rất muốn Phát theo ngành Y như mình.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.