Còn đổ lỗi nhiều cho quá khứ

Vụ tai nạn đường sắt tại Thanh Hóa hôm 24/5. Ảnh: Hoàng Lam.
Vụ tai nạn đường sắt tại Thanh Hóa hôm 24/5. Ảnh: Hoàng Lam.
TP - Bàn về phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ngày 4/6, nhiều chuyên gia cho rằng, bộ trưởng chỉ trả lời đúng 50-60% trọng tâm, còn đổ lỗi nhiều cho quá khứ, tiền nhiệm.

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng: Những phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trên diễn đàn Quốc hội cho thấy tuy mới về lãnh đạo ngành nhưng ông cũng đã nắm được tình hình hoạt động chung của ngành GTVT. “Tuy nhiên, khi trả lời ông Thể chỉ đúng trọng tâm được 50-60% nội dung người hỏi và mong muốn của nhân dân. Tuy nhiên, thực chất sau này bộ trưởng có thực hiện lời hứa hay không mới quan trọng”, ông Thủy chia sẻ.

TS Thủy cũng thông cảm với việc ông Thể mới về lãnh đạo ngành được nửa năm nên không thể nói hết tất cả mọi thứ.

Là người am hiểu, tâm huyết với ngành giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, các đại biểu Quốc hội còn chất vấn chủ yếu vào các vấn đề tiểu tiết, kỹ thuật. Theo ông, vấn đề quan trọng nhất mà các đại biểu cần xoáy mạnh, là chiến lược, tầm nhìn, chính sách của một tư lệnh ngành GTVT. “Thí dụ như phát triển đường sắt, bộ trưởng vẫn có tư tưởng chờ Nhà nước đầu tư để làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Thay vì phải chờ 10-15 năm nữa để làm điều này, Bộ trưởng GTVT phải chỉ đạo nâng cấp đường sắt hiện nay theo hình thức cuốn chiếu, từng đọan một. Thế nhưng, ông Thể lại muốn làm tuyến đường sắt hoàn toàn mới, trong khi kinh phí không có”.

“Một tấn hàng đi từ Cà Mau ra Quảng Ninh, Hải Phòng bằng đường bộ có chi phí vận tải cao gấp 2-3 lần so với vận chuyển bằng đường biển, đường sắt. Tại sao anh không hướng vào tận dụng những ưu việt mà thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam là đường biển chạy dọc từ Bắc vào Nam, trong khi nhiều nước trên thế giới mơ cũng không có”, vị chuyên gia phân tích.

Bàn về vấn đề sử dụng từ ngữ “trạm thu giá” thay “trạm thu phí”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nói: “Bộ trưởng Thể phải nhận rõ sai lầm, có thể gọi là ấu trĩ”.

Cũng theo ông Thủy, các dự án BOT hiện nay vẫn quá thiên về lợi ích cho nhà đầu tư, người dân có thể thấy được dấu hiệu lợi ích nhóm ở đây.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông - TS Phạm Sanh (Trường ĐH GTVT TPHCM) cho rằng: Nhìn chung, Bộ trưởng Thể trả lời vẫn còn bảo thủ, chỉ khi nào chủ tọa Nguyễn Thị Kim Ngân gợi ý thì ông Thể mới xin lỗi. Còn lại, hầu như bộ trưởng có vẻ nói cho được thôi, đổ thừa cho quá khứ nhiều, đổ thừa cho các bộ khác.

l Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tiếp tục kiến nghị giữ nguyên 17 trạm BOT đặt sai vị trí. Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, hợp đồng nhà nước (trực tiếp là Bộ GTVT) đã ký với nhà đầu tư đã có các điều khoản rất rõ về trạm thu hồi vốn, vị trí đặt, thời gian thu... “Việc tính toán dự án và ký hợp đồng sai là do thiếu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các đơn vị thẩm định, phê duyệt, giờ ký rồi phải thực hiện, không thể đùn đẩy trách nhiệm hay hủy hợp đồng được. Hậu quả của những cái sai đó dân phải chịu”, ông Long nói.

Ông Long phân tích trường hợp trạm BOT Tào Xuyên (Thanh Hóa), trạm đặt trên quốc lộ 1, nhưng thu phí để thu hồi vốn cho dự án đường tránh TP Thanh Hóa. Số năm thu hồi vốn tính trong hợp đồng là 27 năm, nhưng mới thu 7 năm nhà đầu tư đã có lãi. “Cái này do tính toán sai của cơ quan nhà nước, không thể trách chủ đầu tư”, ông Long nói thêm.

Ngày 4/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã có công văn yêu cầu Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR) khẩn trương xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng vừa qua. Bộ GTVT yêu cầu VNR chấn chỉnh công tác bảo đảm an toàn chạy tàu, đặc biệt các nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu.
Kết quả xử lý báo cáo về Bộ GTVT trước ngày 10/6/2018.

                LÊ HỮU VIỆT

MỚI - NÓNG