Cảnh sát cho biết khi được giải cứu, Gunja Devi, 25 tuổi, trông bẩn thỉu, đáng thương bởi bộ quần áo trên người đã rách tả tơi, còn móng tay thì mọc dài. Người phụ nữ trẻ khóc nức nở vì được đoàn tụ với người thân nhưng cô cũng đau lòng khi đứa con gái 3 tuổi không nhận ra mẹ.
Kumar Eiklaiy, sĩ quan cao cấp của phòng cảnh sát ở Darbhanga, bang Bihar, cho biết các nhân viên của ông đã đột nhập vào nhà chồng Devi sau khi bố mẹ Gunja thông báo rằng họ bị thông gia cấm gặp mặt con.
"Chúng tôi tìm thấy cô ấy ở nhà vệ sinh trong tình trạng bẩn thỉu, hôi hám. Cô ấy phải ăn thức ăn thừa và sống trong bóng tối. Nạn nhân kể rằng cô bị đối xử tệ bạc vì không mang của hồi môn đến cho nhà chồng. Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn sau khi cô sinh được một bé gái", Telegraph dẫn lời ông Eiklaiy cho biết.
"Nhà chồng bắt đầu đánh đập và nhốt cô ấy vào nhà vệ sinh. Nạn nhân không được gặp gỡ ai và không có cách nào để liên lạc với thế giới bên ngoài", ông nói thêm.
Việc đòi tiền hồi môn hoặc quà khi cưới ở Ấn Độ được xem là trái pháp luật. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn yêu cầu cô dâu phải mang theo ôtô, của cải hay những món đồ đắt tiền khi về nhà chồng.
Ở Ấn Độ, mỗi năm có khoảng 8.000 phụ nữ bị giết hại do gia đình họ không đáp ứng được yêu cầu của hồi môn từ chồng và nhà chồng. Các vụ việc phụ nữ bị đánh đập, đối xử tàn bạo do liên quan đến của hồi môn đã tăng gấp đôi, từ 5.000 vụ vào năm 2009 đến hơn 10.000 vụ tính đến năm 2013.
Theo Hướng Dương