1. Hôm đó, 14/9/2019, có dễ phải hơn 11 giờ khuya, sau một ngày dài làm việc liên tục tại Liên hoan nghệ thuật Việt kiều toàn thế giới “Tôi yêu tiếng nước tôi” tổ chức ở thủ đô Warszawa, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Hùng (nguyên Giám đốc Nhà hát Quân đội, Trưởng Ban Giám khảo Liên hoan) và tôi được Nguyễn Lê Hùng - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan rủ qua dự cuộc gặp gỡ, sinh hoạt của Câu lạc bộ Hoàng Sa - Trường Sa Ba Lan. Đã mệt lả, tôi không muốn đi nhưng nể Hùng quá đành giao hẹn chỉ qua chào anh chị em một tiếng rồi về.
Cuộc gặp gỡ do CLB Hoàng Sa - Trường Sa của Ba Lan tổ chức nhưng có sự tham dự của các doanh nhân Việt kiều cả từ các nước Anh, Ba Lan, Bulgary, Đức, Romany, Israel, Singapore…, những người từng đi thăm Trường Sa và các nhà giàn DK1 trong các năm từ 2012 đến 2019. Họ có mặt cùng lúc tại thủ đô Ba Lan vì đến dự một diễn đàn của doanh nhân Việt kiều toàn thế giới.
Cuộc gặp mặt mở rộng đó của CLB Hoàng Sa - Trường Sa Ba Lan không chỉ có vui và hát. Các chiến sĩ Trường Sa (những Việt kiều đã đi Trường Sa tự gọi mình như vậy) cùng nhau ôn lại kỷ niệm những ngày ở biển đảo quê hương, cùng nhau hát về Trường Sa, về đất nước. Nguyễn Lê Hùng cho biết các anh chị đã quyết định cùng nhau chuẩn bị những món quà Tết sắp tới cho các chiến sĩ đang làm việc tại 3 nhà giàn ở bãi ngầm Tư Chính. Tổng giá trị của những gói quà huy động được đến giờ phút đó là 1.500 euro. Có nhiều anh chị, do bận công việc không tham gia được buổi gặp gỡ nhưng vẫn chung tay chuẩn bị quà Tết ra các nhà giàn, như anh Xuân Nhung (Ba Lan), chị Bích Hường (Ý). Trong buổi gặp gỡ này, tất cả thành viên tham gia nhất trí thành lập nhóm Các chiến sĩ Trường Sa tại châu Âu, với mục đích kết nối những người đã thăm Trường Sa và cùng nhau làm những việc thiết thực hướng về Trường Sa.
Sôi động nhất là mỗi khi quê nhà xứ Thanh có việc. Nào là cơ hội đầu tư, giúp đỡ quê hương. Nào là ở quê lại xảy ra chuyện XYZ đáng bàn, đáng trách, đáp góp ý, rút kinh nghiệm… Đặc biệt là khi ở quê có nơi nào đó đồng bào gặp nạn.
Mỗi khi có bão biển, mưa rừng, lụt dâng, lũ cuốn phá huỷ, làm trôi nhà cửa, tài sản, hoa màu và nhất là con người ở xứ Thanh, cái điện thoại của tôi cả ngày cứ “rinh, rinh” tiếng báo có tin nhắn viber của hai cộng đồng doanh nhân Thanh Hoá. Các anh chị thao thiết gọi nhau quyên góp giúp đỡ quê hương, đồng bào và thông báo tiến độ tiếp nhận. Đi đầu bao giờ cũng là Chủ tịch Hội Doanh nhân Thanh Hoá tại TPHCM Nguyễn Đình Thắng (Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Postbank, Chủ tịch Công ty Hồng Cơ) và Chủ tịch Hội Doanh nhân Thanh Hoá tại Hà Nội Nguyễn Hùng Dũng (Ủy viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia). Lần nào cũng gom góp được những khoản tiền lớn. Rồi tiếp đó lại “rinh, rinh” tiếng tin nhắn hẹn nhau lập đoàn, lên lịch về thăm hỏi, động viên, trao quà cho địa phương, đồng bào bị nạn. Vui nữa là có sự liên thông nhất định giữa hai nhóm viber này khiến cho mối liên lạc của hai cộng đồng doanh nhân Thanh Hoá tại hai thành phố lớn này khá thông suốt.
Tôi cứ nghĩ những việc làm vừa kể của các doanh nhân Việt kiều ở Ba Lan, ở châu Âu, của các doanh nhân xứ Thanh, và còn nhiều nữa của các doanh nhân Việt ở khắp mọi nơi trên đất nước chúng ta cũng như trên thế giới chứng minh một điều rằng dù có phiêu bạt nơi chân trời góc bể, họ vẫn gắn bó máu thịt với nơi họ đã sinh ra. Bởi đơn giản họ là con của quê hương.
Hiện tại, có hơn 40 Việt kiều Ba Lan đăng ký tham gia CLB Hoàng Sa – Trường Sa, trong đó có 21 thành viên là doanh nhân từng tham gia các chuyến thăm Trường Sa – Nhà giàn DK1 từ năm 2012 đến 2019.
Các doanh nhân thành đạt Xứ Thanh lo đến chuyện hỗ trợ, đầu tư lâu dài phát triển nguồn nhân lực, nhân tài cho quê hương. Một loạt quỹ khuyến học, khuyến tài được thành lập với quy mô không nhỏ. Quỹ Nguyễn Đan Quế do doanh nhân Nguyễn Đình Thắng lập. Quỹ Lê Xuân Lan của gia đình tiến sĩ - doanh nhân Lê Xuân Thảo. Quỹ Lê Viết Ly của Chủ tịch Tập đoàn Sungroup Lê Viết Lam…