Con chữ Nậm Nơn

Con chữ Nậm Nơn
TP - “Ở đây chỉ có gạo và măng rừng, họa hoằn lắm mới bắt được con cá dưới khe, thịt thì Tết cháu mới được ăn!” - Xeo Thị Hà Vy nhỏ nhẹ nói. Bên dòng Nậm Nơn, bất chấp đói rét, những túp lều lá cọ mọc lên. Lều vừa là chỗ ở vừa là bếp nấu ăn của các em học sinh nơi sơn cùng thủy tận.

> Về nơi học sinh đi học lúc gà chưa gáy
> Phận đời của giáo viên bản xa

Ngược Nậm Nơn

Muốn vào Hữu Khuông, một trong những xã khó khăn nhất huyện Tương Dương (Nghệ An), phải bỏ xe máy lại ở bến Thượng (Yên Na), rồi từ đó theo thuyền ngược dòng Nậm Nơn 2 giờ đồng hồ luồn lách giữa lòng hồ.

Từ khi ngăn đập xây thủy điện bản Vẽ, mực nước có chỗ dâng cao hàng trăm mét, Nậm Nơn không ra hình một con sông nữa. Nậm Nơn bây giờ như một cái hồ dài.

Ông Lương Văn Thắng, 50 tuổi, quê Mỹ Lý (Tương Dương) từng 25 năm cầm lái vượt thác ghềnh hiểm yếu, đưa khách từ Yên Na vào các xã vùng sâu Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông trên con thuyền gỗ.

Vợ bán hàng, chuyên cung cấp lương thực, thực phẩm cho dân các xã lòng hồ, chồng lái thuyền, gom góp được một số vốn kha khá ông Thắng đóng thuyền mới, mua sà-lan chở máy móc, vật liệu xây dựng.

25 năm vào ra, xuôi ngược trên Nậm Nơn, ông Thắng thuộc từng hẻm núi, đêm tối nhìn trời đoán hướng chạy không cần đèn. Tài nghệ sông nước của người lái thuyền cự phách này từng cứu nhiều hành khách thoát chết.

“Lên thuyền thôi!”, giọng ông khỏe khoắn, giục khách rời bến sông. Bỏ lại sau lưng tiếng xì xầm hàng tôm hàng cá, tiếng nhạc rầu rĩ phát ra từ gánh hàng rong và cả mùi tạp hóa vảng vất mặt hồ, chúng tôi rời bến.

“Mong trời đừng mưa!”, Bí thư Huyện Đoàn Tương Dương Mạc Nguyên thốt lên. Nguyên bảo tôi khoác thêm chiếc áo ấm, ra sau ngồi tránh gió.

Đang chạy thì đột nhiên nghe chiếc bao tải phát ra tiếng kêu quang quác. “Vịt đấy! Chẳng mấy khi anh em lên!”, Hiệu trưởng Trường THCS Hữu Khuông Nguyễn Tất Thi thật thà.

Mấy con vịt bị nhốt trong bao tải thiếu không khí thò cổ ra ngoài kêu ỏm tỏi. Hữu Khuông xa lắc, thịt thì xa xỉ... Tuần nào thầy Thi cũng về thị trấn Hòa Bình, khi thì thăm vợ, khi thì ra huyện làm công việc của trường.

Mỗi lần trở lại Hữu Khuông, thầy đều mang theo món gì đó cùng anh chị em giáo viên cải thiện. Núi dựng đứng. Thượng nguồn Nậm Nơn trồng luống rau cũng khó.

Lòng hồ, lòng sông mênh mông, có chỗ nước sâu cả trăm sải tay, rộng hàng trăm mét. Chốc chốc chúng tôi lại gặp một vài chiếc thuyền ngược dòng chở học sinh, thầy cô giáo về bến Yên Na.

Dân các xã Hữu Khuông, Nhôn Mai và Mai Sơn muốn đi lại, phải dùng thuyền. Hai bên bờ bây giờ chỉ còn núi non, cây cối và la liệt cành củi mục. Thuyền chạy được khoảng 1h đồng hồ thì ghé bến vào bản Muỗng. Bến sông trơ trọi. Dăm hộ dân bản Muỗng vừa từ Thanh Chương trở về, chặt nứa chụm lều trên sông làm nghề chài lưới.

“Dưới đó vất vả quá! Không có tiền cho con đi học, tôi và vợ đành phải về Nậm Nơn kiếm ăn!”, anh Lương Thanh Tịnh bảo.

Gia đình 4 người, ở Ngọc Lâm (Thanh Chương) túng thiếu triền miên, tháng 6-2012 anh Tịnh gửi hai đứa con nhỏ lại Ngọc Lâm nhờ bố mẹ trông, vợ chồng khăn gói hồi hương. Đêm đêm, chồng đi thả lưới.

Chị vợ Lương Thị Thiên lái đò chở khách từ bản Muỗng đến bản Con Phen. Ngày vài chuyến, trừ tiền xăng dầu cũng lãi được dăm ba chục ngàn đồng. Cuối tháng, vợ chồng anh lại xuôi thị trấn Hòa Bình bắt xe xuống Thanh Chương thăm con.

Trên đường vào Hữu Khuông, thuyền chúng tôi lướt qua nhiều căn nhà di động như vậy. “Xã bảo, cá thì đánh thoải mái, nhưng rừng thì không được phá!”, Lô Đại Sứ, hàng xóm của anh Tịnh ở bản Muỗng nói.

Dòng sông hoang sơ, huyền bí, nhưng mùa khô thường xuất hiện lốc xoáy. Tháng trước, thuyền của ông Lương Văn Thắng suýt bị lốc đánh chìm khi vừa rời bến Hữu Khuông.

Dựng lều học chữ

Ông Thắng khéo léo đưa thuyền luồn lách vào thung lũng nước, giảm ga. “Tới rồi!”, Mạc Nguyên thông báo. Mũi thuyền lừ đừ tiến vào hẻm núi, ghé sát một triền đất. Không điện lưới. Không sóng điện thoại di động.

Hữu Khuông cũng như Nhôn Mai, Mai Sơn xa tít tắp biệt lập với bên ngoài. Khung cảnh đại ngàn ở đâu cũng như nhau, buồn buồn, vắng lặng. Bên phải: núi. Bên trái: núi. Phía trước: núi. Phía sau: lại núi. Núi trùng điệp ruổi theo mạch sông. Chóp núi nào cũng lảng bảng bóng mây.

Một học sinh bán trú người Mông đang học bài
Một học sinh bán trú người Mông đang học bài .

Cô Thương, giáo viên trường Hữu Khuông tất tả ra bến sông. Nghe tiếng máy nổ, cô biết là thuyền chở các thầy đã về bến Con Phen. “Cô giáo đi đón thầy, hay đón vịt?”, bạn tôi đùa. “Đón cả thầy lẫn vịt!”, Thương cười.

Trên một triền núi thoai thoải, ký túc xá giáo viên hướng ra bờ sông, khoảnh đất nhỏ phía trước được các thầy cô tận dụng trồng rau.

“Em vào bản Con Phen dạy học từ đầu năm 2012, hỗ trợ một cô giáo nghỉ sinh, lương hơn 2 triệu đồng/tháng!” - Dương Đức Hải (trú tại Khe Bố, xã Tam Quang, Tương Dương) cho biết.

Chia sẻ với khó khăn của các em học sinh vùng sâu vùng xa, báo Tiền Phong phối hợp với Đài PTTH Nghệ An, CIENCO4 và Cty Viễn thông Nghệ An tổ chức chương trình “Thương về miền Tây”. Buổi truyền hình sẽ được phát sóng trực tiếp trên NTV vào ngày 21-1-1013.

Từ triền núi nhìn xuống thung lũng, những túp lều tạm bợ vừa là chỗ ở, vừa là bếp ăn của các em học sinh bán trú. Hai dãy lều kéo dài ra khe nước, đủ chỗ cho hàng chục em học sinh. Mái lợp lá cọ, xung quanh lều che chắn bằng liếp nứa, bên trong xoong nồi lỉnh kỉnh bên cạnh đống quần áo, chăn màn ngổn ngang.

Dường như, ở Hữu Khuông quanh năm các em học sinh ăn xôi thay cơm. Nồi xôi nhỏ nấu lên, xới ra, lèn chặt vào chiếc giỏ tre, đến bữa các em mang ra chấm muối. Nếp nấu xôi ở đây không gây ngán!

“Khoảng 2 tuần em lại về nhà một lần, đi bằng thuyền, cả đi lẫn về hết 20.000 đồng. Nhà em nghèo, thỉnh thoảng bố mẹ mới cho tiền mua thức ăn. Hằng ngày bọn em phải tự kiếm thức ăn, khi thì măng rừng, khi thì ăn xôi với rau, khổ lắm nhưng đi học vui, quên cả đói!”, Vang Văn Báo, lớp 8 Trường Hữu Khuông nói.

Cứ hết năm học, phụ huynh từ các bản lẻ lại lục tục kéo về bản Con Phen sửa sang lều cho con cái trọ học.

“Ở đây chỉ có gạo và măng, họa hoằn lắm mới bắt được con cá dưới khe, thịt thì Tết cháu mới được ăn!” - Xeo Thị Hà Vy nói. Nhìn bộ quần áo lọ lem của cô bé học trò và làn da tím tái vì rét, tôi chợt chạnh lòng.

Đường từ bản đến trường, từ trường về bản vượt qua nhiều khe suối, qua bao núi cao vực sâu. “Vào bản Piêng Òi, Piêng Luống (xã Nhôn Mai) mới khổ. Bên vực, bên suối, thầy cô cắm bản phải chống gậy men theo vách đá mà đi” - Phó Trưởng phòng GD huyện Tương Dương Hồ Duy Thịnh nói.

Trên đỉnh núi cao chót vót, không đủ giáo viên, nhiều trường phải bố trí giáo viên cùng một lúc dạy hai lớp cấp 1, cấp 2 gọi là “lớp ghép”. Hai chiếc bảng kê hai đầu, dạy xong lớp này, cô giáo lại tất tả chạy sang đầu bên kia dạy học. Có khi, lớp học chỉ lèo tèo vài ba em.

Tối đến, chốn thâm sơn cùng cốc lại vang lên tiếng trống. Đã thành thói quen, hễ nghe tiếng trống giục, các em học sinh bán trú rời lều lần theo ánh đèn pin đến trường học thêm.

“Cả trường chỉ có một chiếc tua-bin nước mini, nhiều đêm nước chảy yếu, không đủ điện thắp sáng, thầy cô phải ngừng soạn giáo án nhường điện cho các em học sinh học bài!” - cô Thương nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG