Cồn cào sóng biển

Ông Khảm (phải) trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ông Khảm (phải) trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
TP - Tình nguyện lên tàu không số ở tuổi đôi mươi, nay những thủy thủ già sống sót thường đứng lặng hàng giờ trước biển để tưởng nhớ đồng đội đã hi sinh.

> Tên một thuyền trưởng ở Trường Sa

Ông Khảm (phải) trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ông Khảm (phải) trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 

Thầy giáo thành thủy thủ

Giảng viên trẻ trường Hàng hải, Lê Xuân Khảm (quê ở xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, Thái Bình) 23 tuổi nhiều lần lấy máu của mình viết đơn xin ra tiền tuyến, nhưng mãi đầu năm 1964, mới thỏa mong ước. Sau nhiều chuyến đi làm quân xanh thu hút sự chú ý của địch để các tàu không số khác chở vũ khí vào Nam an toàn, ông Khảm được điều về phụ trách máy 2 của tàu không số (mật số 69) đầu năm 1966.

“Sau khi nhận 62 tấn vũ khí, chờ đúng ngày biển động dữ dội, tàu xuất phát từ Hải Phòng đi Vàm Lũng (Cà Mau). Dù đã cải trang, các tàu địch thay phiên nhau đeo bám. Tàu mất phương hướng, cứ lần mò rồi đến ấp Vinh Hoa (Ngọc Hiển, Cà Mau). Bà con trong ấp vội chặt cây ngụy trang cho tàu.

Đúng đêm 1-1-1967, chọn lúc địch sở hở trong dịp năm mới, tàu 69 ra khơi. Tuy nhiên, tàu lại bị tàu địch đuổi theo. Vừa chống trả quyết liệt tàu vừa chạy hết tốc lực tìm đường vào vùng giải phóng, 1 chiến sĩ hi sinh và nhiều người bị thương mất tích, ông Khảm cũng mất liên lạc với đơn vị.

Ông Khảm hiện trú tại Hải Phòng khắc sâu trong ký ức hình ảnh chiến sĩ Phan Hải Hồ (giờ sống cùng gia đình ở Nam Định) khi đó 26 tuổi bị thương nặng ở chân. Anh Hải Hồ yêu cầu đồng đội dùng dao chặt chân mình để đỡ vướng rồi tiếp tục chiến đấu. Rạng sáng, tàu phóng vào cửa Lũng (Cà Mau). Các chiến sĩ tàu không số 69 nhập vào quân giải phóng chiến đấu ở chiến trường U Minh.

“Tháng 6 năm 1969, địch dùng trực thăng đổ quân xuống rừng tìm tàu, ba chiến sĩ tàu không số chống trả quyết liệt. Anh Hoàng Thanh bị địch bắt tra khảo, thậm chí bị mổ bụng đến chết, nhưng nhất quyết không khai vị trí giấu tàu. Anh Thanh hi sinh khi mới 26 tuổi, chưa vợ”, giọng ông Khảm nghẹn lại.

Tháng 10-1973, sau hơn 10 năm bặt tin, ông Khảm đột nhiên trở về quê hương. Năm 1978, ông Khảm lập gia đình khi đã 38 tuổi và năm 1983 trở lại ĐH Hàng hải Việt Nam công tác đến năm 2001 nghỉ hưu tại Hải Phòng. Năm 1987, ông Khảm cùng các cựu thủy thủ tìm vào rừng Cà Mau vẫn thấy vỏ con tàu không số 69 nằm ở đó...

Ông Thẩm Hồng Lăng luôn nhớ về đồng đội
Ông Thẩm Hồng Lăng luôn nhớ về đồng đội.
 

Phút cuối trên chuyến tàu cuối

Ông Thẩm Hồng Lăng (hiện sống tại Hải Phòng) là một trong những thủy thủ trên chuyến tàu không số cuối cùng. Chính trên con tàu mật số 645 này, anh hùng Nguyễn Văn Hiệu đã hy sinh để các đồng đội được sống.

Cuối năm 1968, chàng sinh viên Thẩm Hồng Lăng, 21 tuổi (quê Yên Lương, Ý Yên, Nam Định) gia nhập hải quân.

Ông hồi tưởng: “Tối 23-4-1972, tàu giả là tàu đánh cá Trung Quốc đến vùng biển miền Nam thả vũ khí theo quy ước. Bất ngờ tàu chiến, máy bay địch ập đến kêu gọi đầu hàng bằng 4 thứ tiếng. Sáng hôm sau, tàu chạy tới khu vực cách tây nam đảo Phú Quốc (Kiên Giang) hơn 60 hải lí. Biết không thể khuất phục được, địch tấn công làm cháy mũi tàu, 4 chiến sĩ và thuyền phó Nguyễn Chiên hi sinh còn tôi bị thương nặng ngất đi”.

Lúc ông tỉnh dậy, tàu vẫn chạy lòng vòng vì mất lái. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu (quê xã Thăng Phương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đề nghị anh em rời tàu thật nhanh, còn mình ở lại để điểm hỏa hủy tàu. Ông Lăng bị thương nặng không muốn rời tàu.

“Tôi đang phân vân thì anh Hiệu đẩy tôi xuống biển cùng anh em. Khi tàu cách chỗ chúng tôi đang bơi gần 500 mét, một tiếng nổ long trời. Anh Hiệu cho tàu nổ sớm hơn hẹn giờ, hi sinh mình để cứu đồng đội”, ông Lăng nghẹn ngào. Sau đó, các thuỷ thủ bị địch bắt.

Đây cũng là chuyến đi cuối cùng của đoàn tàu không số chở vũ khí vào Nam. Về sau, nhóm ông Lăng được trao trả theo Hiệp định Pa-ri năm 1973. Chuyến đi này, tàu có 22 người, 6 người hi sinh còn lại đều bị thương.

“Anh Hiệu sống chan hòa, tình cảm. Trong công việc, chiến đấu là chỗ dựa tinh thần cho chúng tôi nhất là lúc gian nguy, bởi anh luôn bình tĩnh, gan dạ. Anh ít nói, dáng người dong dỏng cao, hơi đen, vào việc anh rất quyết liệt, còn cuộc sống đời thường luôn nhẫn nhịn. Chúng tôi đều còn trẻ, chưa vợ, chưa va vấp nhiều còn anh là đảng viên, đã lập gia đình...”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.