Dự báo của hầu hết các đài khí tượng lớn trên thế giới đều cho rằng, cơn bão Doksuri sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc sau đó di chuyển theo hướng Tây Bắc và tăng cấp rất nhanh. Cơn bão này có thể đạt mức siêu bão (cấp 16) trước khi đổ bộ vào Đài Loan (Trung Quốc).
Về quỹ đạo, Cơ quan khí tượng Hồng Kông nhận định, kịch bản cao nhất là bão Doksuri đi vào Đài Loan với xác suất khoảng 50%. Một kịch bản khác là bão sẽ đi vào khu vực Đông Bắc của Hồng Kông (Trung Quốc), sau đó đổ bộ hòn đảo này hoặc hướng về bán đảo Triều Tiên.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản cũng nhận định, bão Doksuri sẽ rất mạnh, hướng về phía đảo Đài Loan (Trung Quốc) vào giữa tuần tới.
Bão Doksuri hình thành từ một vùng áp thấp ngoài khơi Philippines, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới vào 20/7, sau đó tiếp tục mạnh lên thành bão vào sáng 21/7, trở thành cơn bão thứ 5 trên Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm nay.
Hình ảnh bão Doksuri trong chiều nay trên ứng dụng windy. |
Trước đó, ngày 14/7, một áp thấp nhiệt đới khác hình thành ngoài khơi Philippines đã đi vào Biển Đông. Ngày 15/7, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 1 trên Biển Đông, tên quốc tế là TALIM.
Bão số 1 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc trên Biển Đông và đổ bộ vào khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ngày 18/7, sau đó đi dọc theo biên giới Việt - Trung và suy yếu thành vùng thấp trên khu vực các tỉnh Cao Bằng-Lạng Sơn vào chiều tối ngày 19/7.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm, từ nay đến nửa đầu tháng 8, dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục hoạt động và có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông. Dự báo từ ngày 21/7-20/8 có khoảng 1- 2 cơn áp thấp nhiệt đới/bão hoạt động trên Biển Đông.
Ngoài ra, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dải hội tụ nhiệt đới cũng là tác nhân gây ra gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh ở các vùng biển phía Nam, cần đề phòng gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản của ngư dân.
Cũng do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động tăng cường nên Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa lớn kéo dài đến hết tháng.
Dự báo từ chiều tối ngày 22/7 đến ngày 24/7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 180mm (mưa lớn tập trung vào chiều và đêm).
Tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ từ chiều tối 22/7 đến ngày 23/7 cũng có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 60mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.