'Cơn bão' gom 'sổ đỏ' tấn công vùng sâu

'Cơn bão' gom 'sổ đỏ' tấn công vùng sâu
TP - Vài tháng trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Kon Tum liên tục xuất hiện những vụ thu gom sổ đỏ của dân để vay vốn. Mặc dù nhiều địa phương trong cả nước cảnh báo chiêu lừa này, song những người ở vùng sâu vùng xa tại Kon Tum vẫn tiếp tục trở thành nạn nhân.

>> Kon Tum: Gom 'sổ đỏ', ôm tiền bỏ trốn

'Cơn bão' gom 'sổ đỏ' tấn công vùng sâu ảnh 1
Sổ đỏ bị các đối tượng lừa đảo thu gom

Ngày 24/9, ông Thao Nổi - Trưởng Công an xã Đăk Xú - Ngọc Hồi - Kon Tum cho biết, hợp tác xã Chăn nuôi tổng hợp và dịch vụ Đăk Xú (HTX) được thành lập vào giữa năm 2008 do ông Nguyễn Văn An, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Đăk Xú làm chủ nhiệm, ông Lại Kế Biên, Phó Chủ tịch MTTQVN xã Đăk Xú làm phó chủ nhiệm.

Từ khi thành lập đến nay, dù chưa có văn phòng và HTX chưa hoạt động gì, nhưng tại địa bàn ba làng: Kei Joy, Chiên Chiết và Phi Pháp, cơ quan chức năng phát hiện HTX này đã vận động xã viên giao nộp 31 sổ đỏ, trong đó có 30 sổ của người dân tộc thiểu số, để chạy dự án trồng rừng phát quang môi trường xanh và phòng cháy chữa cháy.

Để tạo lòng tin cho dân sở tại, HTX này hứa mỗi hộ được vay ít nhất 30 - 80 triệu đồng lãi suất 0 phần trăm, và không phải hoàn lại trong thời gian hàng chục năm. Nếu bà con nào già yếu hoặc qua đời thì sẽ xóa nợ (?).

Ở một số địa phương như ở Đăk Glei, các siêu lừa còn trả công cho trưởng thôn 100.000 đồng, nếu vận động được người dân cho mượn sổ đỏ.

Tuy nhiên, đến nay dân vẫn chưa nhận được tiền và cũng không thấy sổ đỏ đâu, trong khi nhiều tháng nay ông chủ nhiệm HTX này đã đi khỏi địa phương với lý do tìm đối tác ký kết dự án.

Trước đó cũng trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, vào tháng 3/2008, bà Lê Thị Huệ (Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn 4, xã Đăk Kan) trong các cuộc họp thôn và họp Hội Phụ nữ thông báo: Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ngọc Hồi có chủ trương cho các đối tượng là giáo viên, học sinh được vay vốn với lãi suất là 0,9 phần trăm /tháng.

Bà Huệ còn nói nếu các đối tượng còn lại trong thôn có nhu cầu vay vốn với lãi suất ưu đãi như trên thì phải đưa sổ đỏ để bà giúp làm thủ tục vay.

Bằng cách này, bà Huệ thu gom được 19 sổ đỏ của dân và làm giấy uỷ quyền giả đem thế chấp tại các điểm cho vay bên ngoài để lấy tiền bỏ túi và biến mất khỏi địa phương.

Theo điều tra của cơ quan công an, đến nay xác định được năm sổ đỏ đang thế chấp tại các điểm cho vay tư nhân ở thị trấn Đăk Tô và thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) với tổng số tiền cho vay gần một tỷ đồng.

Tại huyện Đăk Glei (Kon Tum), trong tháng 8/2009, UBND huyện này phát hiện và chỉ đạo ngăn chặn, buộc hai tổ chức và cá nhân (gồm: bà Nguyễn Thị Kiều Thu, xã Đăk Pét, Đăk Glei và Công ty TNHH Hòa Hiệp, số 71 Hoàng Hoa Thám, P.Quyết Thắng, TP Kon Tum) có hành vi tổ chức thu gom trên 100 sổ đỏ của người dân tại địa bàn thị trấn Đăk Glei và xã Đăk Pét trả lại sổ đỏ cho dân.

Trong lúc đó, tại huyện Sa Thầy vào tháng 7/2009, cơ quan chức năng cũng phát hiện và ngăn chặn kịp thời bảy cá nhân và hai tổ chức thu gom hàng trăm sổ đỏ của dân địa phương cũng với mục đích là để hợp đồng với một số tổ chức trồng rừng.

MỚI - NÓNG