Bạn thân tôi là giáo viên dạy thể dục (giáo dục thể chất) tại một trường trung học phổ thông khá có tiếng của thành phố. Câu hỏi thường xuyên được các bậc tiền bối, hay cụ thể là các bà, các cô trong nhà đặt ra cho nó là: "Tại sao mày không dạy Văn/Toán/Sinh/Sử/Địa... mà lại đi dạy "cái" môn Thể dục?”.
Với lớp người đi trước, Thể dục không những không đem lại "màu mè" (đơn cử như hoạt động dạy thêm) cho giáo viên mà còn luôn bị xếp ở "chiếu dưới" so với các môn học khác.
Không phải ngẫu nhiên mà trong Tiếng Việt, thành ngữ Vai u thịt bắp được dùng để ví “hạng người chỉ biết có lao động chân tay, không có tri thức”. Tác phẩm nghệ thuật thường miêu tả hình ảnh người học nhiều, hiểu rộng với dáng vẻ gầy gò, tay “trói gà không chặt” – trái ngược hoàn toàn với ngoại hình mập mạp, cao lớn của những kẻ “hữu dũng vô mưu”, nói theo cách dân dã hơn là “đầu óc ngu si tứ chi phát triển”.
Sự vận động liên tục của xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin dường như vẫn chưa đủ để xóa bỏ hoàn toàn quan niệm kể trên.
>>>Nhiều học sinh trên 9,0 vẫn trung bình: Tiếc nhưng không thể xé rào
>>>Nữ sinh đạt tổng kết 9,3 bị xếp loại trung bình vì môn thể dục, ai nói bất công?
Đến nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn coi nhẹ, thậm chí có lời nói kỳ thị bộ môn thể dục trong chương trình giảng dạy. Chuyện một học sinh lớp 8 tại TP. HCM có điểm tổng kết là 9,3 nhưng vẫn bị xếp loại học lực Trung bình và xếp hạng thứ 42 trong lớp vì môn Thể dục "chưa đạt" một lần nữa cho thấy thái độ “phân biệt đối xử” của chính họ.
Bảng điểm của nữ sinh có học lực trung bình. Ảnh: Internet.
Những người đặt ra các giả thiết tiêu cực về sức khỏe của nữ sinh này nhằm chỉ trích giáo viên thể dục và Thông tư 58 về đánh giá xếp loại học sinh của Bộ GD-ĐT chắc hẳn chưa biết đến Quy định miễn giảm, tạm hoãn môn học Giáo dục thể chất. Nếu sức khỏe yếu, các em học sinh có thể xin Giấy miễn thể dục cho mình ngay từ đầu năm học.
Bạn tôi vẫn hay đùa rằng: Sức khỏe giờ không còn là "vốn quý" trong các tiết thể dục nữa. Học trò bình thường càng quậy phá, nghịch ngợm bao nhiêu càng siêng trốn tiết vì... đau bụng, nhức đầu bấy nhiêu. Có em còn mang vở bài tập hoặc sách giáo khoa các môn “văn hóa” ra sân tập để tranh thủ "ôn luyện kiến thức".
Dĩ nhiên, những người mang tâm lý coi thường môn học thể dục nói riêng hay quá trình rèn luyện thể chất nói chung sẽ chỉ thiệt thân. Bởi một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc phát triển kỹ năng vận động (Motor skills) có thể góp phần cải thiện kỹ năng nhận thức, cũng như bổ sung và hoàn thiện các kỹ năng xã hội. Mặt khác, nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng đưa ra một mức lương trên trời để thu hút những ứng viên có khả năng thích ứng với trạng thái thay đổi múi giờ, luôn giữ được tinh thần tỉnh táo dù phải làm việc liên tục trong nhiều giờ đồng hồ.
Cuối cùng, tôi xin được trích dẫn lại câu trả lời của cậu bạn thân mỗi khi bị vặn vẹo về nghề nghiệp để kết thúc bài viết này: "Vì Văn/Toán/Sinh/Sử/Địa... không thể duy trì sự phát triển hài hòa cho cơ thể được ạ!"