Trên tiến trình phát triển, lịch sử xã hội loài người đã trải qua nhiều thời kỳ khác nhau. Lao động là động lực để thúc đẩy sự phát triển đó. Có lao động chân tay, lao động trí óc.
Có nhiều con đường để mở ra cánh cửa tương lai và có nhiều cách để cống hiến cho xã hội. Ảnh: Phạm Yên. |
Dù được thực thiện dưới hình thúc nào là chủ yếu, lao động vẫn là “nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hành phúc của chúng ta” (Hồ Chủ tịch). Người lao động luôn có một vị thế vinh quang, vì đã góp phần tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội.
Ở nước ta, thời kỳ phong kiến; do bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng Nho giáo nên hàng mấy trăm năm, người ta quá đề cao hình ảnh các nho sĩ, cố tình hạ thấp vai trò của những người lao động làm các công việc khác.
Nho sinh theo học chữ thánh hiền từ thủa nhỏ đến lúc lớn, chỉ có nhiệm vụ duy nhất là chú tâm sôi kinh nấu sử; luyện sao cho văn hay, chữ tốt chờ ứng thí.
Ngoài ra mọi việc đã có các bậc “Nữ nhi thường tình” và người nhà lo việc. Thậm chí, ngay cả lúc vác lều chõng đến trường thi; họ thường cũng không phải nhúng tay. Họ kỳ vọng sẽ có tên trong bảng vàng đăng khoa để làm một cuộc đổi đời, khi triều đình bổ nhiệm, theo quan niệm: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Vậy nên, có câu ca dao vui: Ai ơi chớ lấy học trò/ Dài lưng, tốn vải, ăn no lại nằm.
Tư tưởng ấy, vẫn còn ảnh hưởng nặng nề mãi đến hôm nay, với những hình thức khác nhau. Thói ham chuộng hư danh về bằng cấp; hiện tượng “học giả, bằng thật” đang tồn tại khá phổ biến.
Chính nó là một trong những căn nguyên dẫn tới bệnh trầm kha: Chạy theo thành tích và tiêu cực trong thi cử của ngành giáo dục và đào tạo. Để có tấm bằng cử nhân, người ta đổ xô đi học đại học, chen chân vào giảng đường bậc học này, với các loại hình đào tạo vô cùng đa dạng: Chính quy, tại chức, từ xa, liên kết…
Nhiều gia đình coi việc đầu tư cho con đi học đại học là con đường duy nhất vào đời. Nhiều gia đình và bản thân học sinh, không cần và không biết cân nhắc giữa thực lực học tập của thí sinh và yêu cầu về trình độ đối với kỳ thi tuyển sinh đại học – vốn khác hẳn với kỳ thi tốt nghiệp; cũng như chỉ tiêu tuyển sinh, nhu cầu xã hội của trường, ngành sẽ đăng ký dự thi.
Thực tế cho thấy, việc chạy đua vào đại học trong những năm gần đây đã trở thành một áp lực nặng nề, gây lãng phí không nhỏ về kinh tế và tác động nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Nó làm mất cân đối trong giáo dục; giữa đào tạo và sử dụng… dẫn tới tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay.
Mỗi một mùa tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng đi qua, không ít những cô tú, cậu tú chưa đạt được ước mơ nơi giảng đường đại học, lại bắt đầu lao vào bước khởi động cho cuộc đua mới bằng cách đến các “lò” luyện thi trên các thành phố lớn hoặc tại quê với mục đích “phục thù”, mong kiếm một chỗ ngồi trên giảng đường đại học; có thể là bất cứ đại học gì.
Biết bao câu chuyện bi hài đã xuất hiện khi chính “thân chủ” mang theo niềm khao khát ngỡ như có vẻ rất chính đáng kia, nhiều khi cũng không có những hiểu biết tối thiểu về ngành, nghề mình lựa chọn.
Nhiều lý do đưa ra cho việc chọn trường của các sĩ tử khiến người ngoài không khỏi giật mình; ví dụ “nghe nói ngành này kiếm tiền dễ”, “chóng tìm được việc làm”, hay: “dễ nổi tiếng”, “theo ý gia đình”, “tự nhiên thấy thích” (!?)...
Một số trong họ lại bi quan, cho rằng nếu không vào được Đại học thì tương lai thật là “mờ mịt” nếu phải học các trường trung cấp hay công nhân; đối với các thí sinh này, là một điều “thiệt thòi”, kém may mắn lớn.
Cũng vì theo đuổi mục đích đó, nhiều đứa trẻ ngay từ nhỏ đã được các bậc cha mẹ tìm mọi cách đưa vào trường điểm, học thêm liên miên; thời gian nghỉ ngơi vui chơi hết sức ít ỏi; nhiều trường hợp, bất chấp khả năng tiếp thu của con trẻ ra sao.
Điều này, cùng với nội dung chương trình một số môn còn bất cập đã khiến cho học sinh ở các bậc phổ thông, nhất là tiểu học và THCS; phải học nhiều. Nhiều trẻ em sống tại các thành phố lớn thiếu nhưng kỹ năng cần thiết trong việc tự chăm sóc bản thân. Lớn lên vào đại học các em tiếp thu bị nhồi nhét kiến thức theo một chương trình cũ kỹ, lạc hậu nặng về lý thuyết.
Trong xã hội hiện đại, hàm lượng trí thức luôn hiện diện ở mọi công việc. Ranh giới giữa lao động chân tay và lao động trí óc sẽ không còn. Nhà khoa học cũng có thể là người trực tiếp sản xuất.
Chúng ta đang cố gắng trí thức hóa đội ngũ công nhân; đảm bảo những người trực tiếp lao động sản xuất cũng có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
Trịnh Tuấn Anh
Văn phòng Đoàn khối cơ quan Khoa giáo T.Ư