Coi di sản văn hóa là nguồn lực phát triển bền vững, tránh tận thu vịnh Hạ Long

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với những giá trị vô cùng to lớn của di sản văn hóa, lịch sử, thành phố Hạ Long xác định nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, biến lợi thế trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển bền vững.

Ngày 15/12, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Hội đồng di sản văn hóa quốc gia phối hợp với Thành ủy Hạ Long tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững thành phố Hạ Long”.

Gần 500 đại biểu là nhà quản lý thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học từ Hà Nội và địa phương cùng đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh.

Coi di sản văn hóa là nguồn lực phát triển bền vững, tránh tận thu vịnh Hạ Long ảnh 1

Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững thành phố Hạ Long”.

Hội thảo đã đánh giá tiềm năng, thế mạnh di sản văn hóa của TP. Hạ Long, đề xuất các mô hình phát triển và giải pháp thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa với tư cách là nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa phục vụ việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà địa phương có ưu thế trong đó có ngành du lịch văn hóa.

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học tập trung thảo luận một số vấn đề về nhận thức mới về mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển bền vững, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của di sản văn hóa với tư cách nguồn lực cho phát triển du lịch văn hóa.

Coi di sản văn hóa là nguồn lực phát triển bền vững, tránh tận thu vịnh Hạ Long ảnh 2

Hạ Long muốn biến di sản văn hóa thành nội lực để phát triển bền vững.

Hội thảo nhận được 55 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cán bộ lãnh đạo trên các lĩnh vực như kinh tế, du lịch, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học... đặc biệt là những chuyên gia có kinh nghiệm nghiên cứu văn hóa lịch sử thành phố Hạ Long.

Ông Vũ Quyết Tiến - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy thành phố Hạ Long - khẳng định di sản văn hóa có thể góp phần phát triển kinh tế, góp phần giáo dục nhân cách, điều chỉnh hành vi cá nhân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Muốn như vậy Hạ Long cần quan tâm hơn đến hệ thống di sản văn hóa khác, không chỉ tập trung khai thác di sản thế giới vịnh Hạ Long.

Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Hạ Long đã đạt được nhiều thành tựu. Số lượng khách du lịch và doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ ngày càng tăng.

Năm 2006, Vịnh Hạ Long đón khoảng 1,5 triệu khách, trong đó có hơn 700.000 khách quốc tế, thu từ vé đạt hơn 42 tỷ đồng. Năm 2019, vịnh Hạ Long đón 4,4 triệu khách (2,9 triệu khách quốc tế), thu từ vé đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Nguồn thu từ du lịch và dịch vụ thương mại nói chung trong đó có vịnh Hạ Long đã đóng góp đáng kể vào tổng GDP của thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh.

Coi di sản văn hóa là nguồn lực phát triển bền vững, tránh tận thu vịnh Hạ Long ảnh 3

Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) - phát biểu tại hội thảo.

“Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật và các dịch vụ phục vụ du khách tại Hạ Long ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Thông qua các hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu cho khách tham quan, nghiên cứu, các hoạt động du lịch, dịch vụ và bảo tồn di sản thế giới đã mang lại thu nhập và lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương. Điều này tạo nên mối quan hệ mật thiết, gắn bó của cộng đồng dân cư đối với di sản”, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - nêu.

Bên cạnh đó, di sản thế giới vịnh Hạ Long cũng góp phần mở rộng sự giao lưu, hiểu biết và thế giới quan của người dân, tăng cường đầu tư kinh tế cho địa phương và thúc đẩy sự hòa nhập của kinh tế địa phương vào hoạt động kinh tế chung của cả nước.

Coi di sản văn hóa là nguồn lực phát triển bền vững, tránh tận thu vịnh Hạ Long ảnh 4

Hội thảo đã đánh giá tiềm năng, thế mạnh của TP. Hạ Long về mặt di sản văn hóa.

Các ý kiến thảo luận dựa trên tinh thần khoa học, khách quan và xây dựng của các nhà khoa học tại hội thảo gợi mở cho lãnh đạo thành phố Hạ Long tiến tới xây dựng một chương trình hành động và các dự án tu bổ, bảo quản và tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa ở Hạ Long, để văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển bền vững.

Thành phố Hạ Long có 96/638 di tích lịch sử - văn hóa của toàn tỉnh; trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Danh thắng vịnh Hạ Long, 6 di tích cấp quốc gia, 16 di tích lịch sử cấp tỉnh, 73 di tích nằm trong danh mục được kiểm kê, phân loại, cùng nhiều di tích khảo cổ thời sơ sử và tiền sử, phản ánh sự kế tiếp lịch sử từ khi con người xuất hiện ở vùng đất này cách hàng nghìn năm về trước.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.