Đang là mùa trứng kiến gai đen (từ tháng 3- 5) nên dù khá đắt, không ít người vẫn thể hiện độ “chịu chơi” mua món ăn lạ miệng từ loài côn trùng này. Theo quảng cáo, trứng kiến gai đen rất bổ dưỡng cho sản phụ, đặc biệt là giúp cánh mày râu có thể cải thiện “bản lĩnh quý ông”(?!).
Các chuyên gia khuyến cáo: Để nói trứng kiến gai đen có tốt thật cho quý ông hay không thì chưa có công trình khoa học nào công bố kết quả. Ảnh: V.T
Chi bạc triệu mua niềm tin “cải thiện bản lĩnh”
Theo lời quảng cáo trên các diễn đàn mạng, chúng tôi liên hệ với một số điện thoại bán trứng kiến gai đen ở đường Hoàng Quốc Việt- Nam Từ Liêm, Hà Nội. Người bán hàng cho biết, giá 1kg là 600.000 đồng, chỉ bán từ 1kg trở lên. “Mua nhanh không hết nhé! Hàng “chuẩn” ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Đang vào mùa mà, chỉ được 2 tháng thôi! Năm ngoái nhà tôi bán được hơn 1 tạ trứng kiến gai đen đấy”, anh này không ngớt “quảng cáo” khi thấy chúng tôi chần chừ vì sợ không ăn hết 1kg mà chỉ muốn mua mấy lạng. “Món này ngon, 1 kg bõ bèn gì? Có người còn mua liền 4-5 kg ấy chứ! Nếu không ăn hết thì bỏ ngăn đá tủ lạnh ăn dần, không sợ hỏng! Món này cực tốt cho đàn ông. Một người ăn, hai người vui đấy!”, người đàn ông này nói tiếp.
Tại một địa chỉ khác, ở Phủ Lý- Hà Nam, giá trứng kiến gai đen là 800.000 đồng/kg, được nhập về từ Cao Bằng. Cũng với lời quảng cáo tương tự, chị này cho hay, ngoài việc chế biến được thành nhiều món ăn ngon, có nơi còn dùng trứng kiến gai đen gói lá ăn như ăn gỏi. Trứng kiến gai đen ngâm rượu cũng rất tốt cho quý ông muốn “tăng cường sinh lý”(?!).
Trên các diễn đàn, giá trứng kiến gai đen được bán từ 450.000 - 1 triệu đồng. Dù giá mỗi nơi một khác, đều cao ngất ngưởng, nhưng tất cả các chủ bán trứng kiến gai đen đều khẳng định: Hàng bán rất chạy bởi đặc tính lạ, bổ dưỡng, nhiều đạm, tốt cho mọi thành viên trong gia đình. Đặc biệt, tốt cho quý ông muốn tăng cường “bản lĩnh phòng the”.
Cẩn thận dị ứng vì protein lạ
Theo bác sỹ nam khoa Nguyễn Thế Lương- Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội, đúng là trong thành phần của trứng kiến gai đen có nhiều chất bổ dưỡng, lượng đạm chiếm tỷ lệ lớn, với hàm lượng trytophan cao (một loại amino acid giúp giải tỏa stress) và một số acid amin mà cơ thể không tự tổng hợp được.
Tuy nhiên, bác sỹ Lương cũng cho rằng, để nói trứng kiến gai đen có tốt thật hay không thì chưa có công trình khoa học nào kết luận. Hơn nữa, trong trứng kiến gai đen có những thành phần protein lạ nên người dùng có thể bị dị ứng như arginin, prolin, histidin... Đây là các protein tốt, nhưng mỗi người lại có thể dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào. Ngoài ra, kiến là loài côn trùng sống ở nhiều môi trường khác nhau, trong đó, có ở nơi ẩm ướt vùng rừng núi, nên có thể chứa rất nhiều ký sinh trùng, vi khuẩn có hại. Do đó, nếu người tiêu dùng không sử dụng được nguồn thực phẩm tươi, sạch và chế biến kỹ, vô tình chúng ta tự đưa vào cơ thể mình nguồn vi khuẩn có hại. Hoặc nhiều nam giới thường dùng rượu rắn, tuy nhiên rắn cũng hay sống ở môi trường ẩm thấp chứa nhiều ký sinh trùng trên thân, nếu có rửa bằng rượu, cồn hay ngâm rượu mạnh đi chăng nữa, cũng không ai khẳng định số ký sinh trùng, vi khuẩn có hại này đã bị tiêu diệt 100%.
Bác sỹ Nguyễn Thế Lương cũng băn khoăn rằng, kiến gai đen cũng chỉ có ở một số địa phương nhỏ lẻ và không quần tụ, không biết nguồn kiến ở đâu ra để có thể cung cấp một số lượng lớn trên thị trường như vậy? Hơn nữa, phải ăn đến bao nhiêu trứng kiến gai đen để cải thiện được sinh lý đàn ông cũng chưa ai minh chứng được (!?).
Về hiện tượng người dân tự ý sử dụng rượu ngâm các côn trùng hay động vật (trong đó có trứng kiến gai đen) để “tăng cường sinh lý” đàn ông, theo bác sỹ Lương, đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào chỉ ra cơ chế tác dụng của các loại rượu ngâm này đến việc điều trị rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh hay cách cải thiện tình trạng sinh lý. Có chăng, đó là liệu pháp tâm lý “uống gì bổ nấy” mà thôi!
Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm nặng do ăn côn trùng
Theo thống kê trên cả nước của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hầu như năm nào cũng xảy ra những ca ngộ độc thực phẩm do người dân ăn các loại côn trùng, ấu trùng.
Giữa tháng 3 vừa qua, 5 người tại tỉnh Bình Phước bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải nhộng ve sầu có nhiễm nấm độc ký sinh. Tháng 6/2014, 29 người ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã phải nhập viện sau khi ăn bọ xít đen rang mỡ, trong đó có 1 người tử vong. Tháng 4- 5/2013, tại tỉnh Bình Thuận và TP Bà Rịa - Vũng Tàu đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm do ăn ấu trùng ve sầu nhiễm nấm làm 22 người mắc, 19 người phải nhập viện với biểu hiện nôn ói, chân tay co giật, trong đó 5 người bị rất nặng phải chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM.
Côn trùng có hơn 1 triệu loài, nên việc nhận biết những côn trùng có thể gây ngộ độc không đơn giản. Việc thiếu kiến thức trong lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc, thậm chí gây ra tử vong cho người ăn.
Nguyên nhân các vụ ngộ độc, thường do sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía… không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến; côn trùng có nhiều protein lạ gây dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm để chế biến thức ăn.
Để tránh ngộ độc khi ăn côn trùng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: Tuyệt đối không sử dụng, không “thử nghiệm” các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn. Chỉ nên lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống. Đặc biệt, những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn. Phải sơ chế, chế biến, bảo đảm an toàn bằng cách ngâm, thả côn trùng vào nước muối ấm, nước vôi… để côn trùng bị kích thích, thải hết chất độc trong ruột hay các tuyến ngoại tiết; Loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi; Rửa sạch bằng nước ấm, nước muối để loại bỏ vi sinh vật, chất bẩn bám trên thân côn trùng; Để ráo nước, đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến. Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái, nấu chín nguyên con không qua sơ chế, vệ sinh… Trường hợp sau khi ăn có biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Coi chừng “tiền mất, tật mang”
Bác sĩ nam khoa Nguyễn Thế Lương – Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội chia sẻ: “Dùng thực phẩm điều trị bệnh, nâng cao sức khỏe đã có từ khi con người ra đời, gần đây nó được phát triển thành một chuyên ngành trong y khoa là dinh dưỡng tiết chế. Việc sử dụng thực phẩm để chữa bệnh, cần thực hiện một cách khoa học, không nên theo tâm lý đám đông; cần có các bằng chứng khoa học, không nên theo kiểu “nghe người ta nói thế”; cũng đừng vì chạy đua để thể hiện độ chịu chơi khi mua về những sản phẩm “đặc sản” không rõ nguồn gốc để rồi “tiền mất, tật mang”.