Có trường hơn 1.000 sinh viên F0: Nhà trường lùi lịch học, sinh viên ‘khóc ròng’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường quyết định điều chỉnh lịch học trực tiếp của sinh viên.

Nhiều trường “quay xe”, có trường hơn 1.000 sinh viên mắc COVID-19

Học viện Ngoại giao vừa thông báo chuyển hoạt động giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến từ ngày 23/2 đến 11/3. Trường sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh địa bàn Hà Nội để quyết định lịch trở lại trường.

Đại học Tài nguyên và Môi trường vừa thông báo điều chỉnh hình thức dạy và học. Cụ thể, khóa 8, sinh viên tiếp tục thực tập tốt nghiệp tại địa phương theo các quyết định đã ban hành. Sau khi thực tập xong, nhà trường sẽ có thông báo cụ thể về kế hoạch làm khóa luận tốt nghiệp và học môn thay thế khóa luận tốt nghiệp.

Với khóa 9, sinh viên tiếp tục học trực tiếp tại trường theo thời khóa biểu. Còn sinh viên khoá 10 học trực tuyến từ ngày 28/2. Khóa 11 học trực tuyến từ ngày 7/3.

Đại học Thương Mại hiện ghi nhận khoảng 1.049 sinh viên mắc COVID-19. Sau khi khảo sát, lấy ý kiến, trường nhận thấy 75% sinh viên chính quy năm 2 và 3 mong muốn tiếp tục học trực tuyến. Do đó, trường quyết định kéo dài thời gian dạy học trực tuyến sinh viên năm 3 đến hết ngày 21/3 (kế hoạch trước đó là ngày 7/3).

Còn lại sinh viên các lớp liên kết quốc tế (năm thứ nhất, thứ hai), sinh viên đại học chính quy năm 1 và 4 cùng một số lớp cao học tiếp tục học trực tiếp tại trường.

Trước đó, nhiều trường đại học tạm dừng đón sinh viên trở lại trường bởi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Hà Nội như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Vinh, Đại học Công Đoàn,...

Có F0, nhiều bạn vừa học được 1 buổi trực tiếp đã phải ở nhà

Nhiều sinh viên các trường đại học ở Hà Nội như Học viện Ngân hàng, Đại học Kiến trúc, … cho biết, khi vừa lên học trực tiếp trên giảng đường được một ngày thì lại phải học luôn ở nhà khi có trường hợp trong lớp bị F0.

Sinh viên Nguyễn Đình Nguyệt Hà, sinh viên năm nhất trường Học viện Ngân hàng cho biết, em ra Hà Nội trọ học từ ngày 20/2 và ngày hôm sau đến trường. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi vừa gặp bạn bè thì hôm sau ở lớp có bạn bị F0, lập tức cả lớp chuyển sang học trực tuyến như trước.

Hà cho biết, theo quy định của trường, cả lớp sẽ phải học online cả tuần rồi cuối tuần bạn nào cũng phải test nhanh, nếu ai âm tính thì sang tuần sẽ được học trực tiếp bình thường.

“Mới đi học được 2 ngày em có triệu chứng như đau họng, sốt, ho em gọi điện về nhà bảo mẹ em gửi ra ba bộ test nhanh mới dùng 2 bộ thì hôm qua có triệu chứng rõ ràng, em phải về quê thì ở trạm y tế xã test dương tính luôn. Biết là đi học rất có thể sẽ bị nhiễm nhưng vẫn muốn đi học trực tiếp. Đúng là nếu đi học mà phải thủ cả bộ test nhanh tốn kém thế này, chắc sinh viên nghèo không trụ được, khóc ròng mà thôi”- Hà chia sẻ.

Cũng giống như Hà, em Nguyễn Thị Vy, sinh viên năm 2 của trường ĐH Kiến trúc cho biết, ngày 20/2 em đã tìm được nhà trọ thuê ở khu vực gần trường nhưng vừa định dọn đồ ra thì test thấy mình dương tính, em đành lại phải học online thêm 1-2 tuần nữa đến khi khỏi bệnh.

Em Ngô Thùy Linh, sinh viên trường Đại học Hà Nội cho biết, ngày 1/3 tới trường em sẽ học tập trung. Linh cho biết, em vừa vui sướng vì đây là lần đầu tiên được gặp bạn bè sau hơn 1 kì học online nhưng lo lắng nhất là nếu nhập học các bạn tỉnh khác lên thì rất dễ lây nhau.

“Em đã thuê nhà trọ, chỉ sợ nếu quá nhiều sinh viên bị F0 thì lúc đó phải học online như trước thì rất vất vả, vừa mất tiền trọ học mà nếu bình thường ở quê thì vẫn tiết kiệm được khoản này”- Linh chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.