Lý do thứ ba, trong buổi ra mắt số 8-2012, ông Nguyễn Xuân Hoa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Huế, tiết lộ hai nguyên tắc mà chúng tôi cho rằng họ đã tự làm khó cho mình.
Từ ngày đầu nhóm họp Hội đồng biên tập đã đề ra nguyên tắc: Không nhận quảng cáo; không nhận sự tài trợ của bất kỳ tổ chức nào. Họ chỉ mong muốn nhận được hỗ trợ, động viên bằng hình thức mua tạp chí.
Trong cái khó cũng có cái hay. Tờ tạp chí không chịu một sự ràng buộc, chi phối ngoài chuyên môn nào cả. Nội dung các số đều được tập trung vào mục đích nghiên cứu Huế.
Huế là kinh đô của hai triều đại. Trước đó, trong một thời gian dài giữ vai trò trung tâm của cả Đàng Trong.
Vì thế, Nghiên cứu Huế không phải là một tờ tạp chí mang dáng dấp địa phương học, mà có quy mô, ý nghĩa lớn hơn, mang tầm vóc quốc gia trong nhiều mối quan hệ đối nội, đối ngoại, giao lưu văn hoá, chính sách giáo dục, tập hợp nhân tài, khuyến nông, khuyến công v.v…
Cùng với các nhà nghiên cứu tại Huế, nhiều học giả, nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực ở trong nước, và ở nước ngoài đã góp bài cho mỗi số để tờ tạp chí dày trang và “nặng chữ”.
Tạp chí mỗi số in 1.000 bản, khổ 19 x 26.5 cm, dày 500 trang nhưng giá bán hiện tại chỉ 165.000 đồng. Rất mừng là tạp chí tiêu thụ được, sau khi trừ phí phát hành và chi nhuận bút vẫn còn đủ tiền để in số khác.