Tại Việt Nam, tỷ lệ người bị tăng tiết mồ hôi khoảng 3 - 5% dân số. Bệnh không nguy hại tới sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, giao tiếp và công việc hằng ngày, nặng nhất là những người làm công việc có liên quan đến giấy tờ như thư ký, học sinh, họa sĩ, hoặc các vận động viên quần vợt, nhà ngoại giao.
Người bị bệnh này cũng không thể làm những công việc liên quan đến thiết bị điện tử như lắp ráp, sửa chữa đồng hồ, máy tính. Nhiều người mắc chứng bệnh này có những mặc cảm về bản thân, dẫn tới bị stress.
Mọi thắc mắc xin gửi về email suckhoe@baotienphong.com.vn |
Có nhiều nguyên nhân của bệnh tăng tiết mồ hôi như cảm xúc, rối loạn thần kinh giao cảm, khối u chèn ép thần kinh tủy sống, hạ đường huyết, thậm chí phụ nữ thời kỳ mang thai, mãn kinh, yếu tố di truyền… Nhưng đa số bệnh nhân bị bệnh do rối loạn thần kinh thực vật, dây thần kinh giao cảm kích thích mồ hôi tiết ra nhiều hơn bình thường.
Tăng tiết mồ hôi không chỉ khu trú ở bàn tay mà còn ở nhiều bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên bệnh có thể điều trị được.
Hiện tại, để điều trị bệnh, có thể áp dụng các phương pháp như bôi thuốc tại chỗ, điện chuyển ion, uống thuốc giảm tăng tiết mồ hôi. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị nội khoa không giải quyết dứt điểm bệnh và thường có tác dụng phụ. Biện pháp mang lại kết quả khả quan nhất vẫn là tiêm nước sôi vào hạch thần kinh giao cảm hoặc là phẫu thuật cắt bỏ nó.
Phương pháp này cho hiệu quả đến 90%, tác dụng nhanh, ngừng tiết mồ hôi hoàn toàn hai bàn tay, tuy nhiên da tay trở nên khô ráp khó chịu hoặc ra bù mồ hôi ở các nơi khác trên cơ thể như đầu hoặc nách. Điều trị bằng phương pháp cắt hạch giao cảm ngực được tiến hành ở các bệnh viện trung tâm như Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Bạn cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ điều trị bệnh từ y học cổ truyền. Hiện có rất nhiều phương pháp được sử dụng để trị chứng bệnh này như châm cứu, ngâm thuốc, xoa bóp, uống thuốc.