Có thể tòa tháp cháy do tàn thuốc, hàn xì

Phó Giám đốc Sở PCCC Tô Xuân Thiều
Phó Giám đốc Sở PCCC Tô Xuân Thiều
TP - Trong cuộc trao đổi với báo chí chiều 16-12, đại tá Tô Xuân Thiều PGĐ Sở PCCC Hà Nội cho biết: theo quy định, trong quá trình tổ chức thi công, đơn vị thi công phải đảm bảo công tác an toàn về người về PCCC cho quá trình thi công.

> Diễn tập chữa cháy lớn ở nhà cao tầng
> Đề xuất phương án dùng trực thăng chữa cháy

Bên trong hiện trường vụ hỏa hoạn
Bên trong hiện trường vụ hỏa hoạn.

Còn hệ thống PCCC của tòa nhà là để phục vụ khi đưa vào hoạt động. Nhưng trong vụ cháy ngày hôm qua, tòa nhà đã ở giai đoạn hoàn thiện, nhưng nước không được đưa lên tầng trên. Tòa nhà có 4 cầu thang thoát nạn, nhưng đang trong giai đoạn thi công thành cầu thang hở và cửa vào các tầng từ phía ngoài đều bị khóa. Việc để hỏa hoạn xảy ra có trách nhiệm của nhà thầu thi công.

Sở PCCC đã điều động 19 xe chuyên dụng, 12 xe chữa cháy, 3 xe thang, 2 xe cứu hộ và các xe téc và 300 lính cứu hỏa của các đội, cùng với sự phối hợp của khoảng 300 người thuộc công an quận, phường, đặc công và các lực lượng chức năng tham gia cứu người, cứu hỏa. Chúng tôi chia một bộ phận chữa cháy, còn lại ưu tiên tập trung cứu người. Cái thiếu của ngày hôm qua là thiếu bình thở ô xy, mặt nạ phòng độc.

Phó Giám đốc Sở PCCC Tô Xuân Thiều
Phó Giám đốc Sở PCCC Tô Xuân Thiều.

Sao không dùng thang cao 72 mét và các hệ thống thang dây, ống trượt để đưa người bị nạn xuống?

Vì ở độ cao này, xe thang sẽ bị gió thổi, lắc, giảm độ an toàn. Hiện ở Việt Nam chỉ có thể áp dụng xe thang 52m là hợp lý. Nếu dùng xe 72m ở Hà Nội thì không có đường nào chịu nổi vì các cầu, cống sẽ sập hết bởi trọng tải của nó. Hơn nữa thang sẽ cua bằng hết dây điện ở trên đường.

Mặt khác, không phải nệm nhảy, ống tụt lúc nào cũng dùng được. Nệm nhảy chỉ cho phép nhảy từ tầng 4-5, ống tụt cũng vậy, chỉ có khẩu độ nhất định. Nó chỉ áp dụng cho nhà thấp tầng, còn để người nhảy và tụt từ nhà mấy chục tầng xuống thì không biết người mảnh nào còn, mảnh nào mất. Như trường hợp hôm qua, người ta trèo ra cả lan can, có đưa trực thăng lên có khi người còn chưa lên được đã bị quạt bay.

Trong tương lai, Sở PCCC vẫn phải tính đến phương án mua trực thăng, thưa ông?

Không phải tương lai mà hiện tại cũng cần rồi. Chúng tôi đã có văn bản đề xuất với thành phố cho mua những thiết bị rất cần thiết cho PCCC. Với điều kiện kinh tế như hiện nay, phân kỳ ra đến năm 2020 mới có trực thăng cứu hỏa. Giá một máy bay trực thăng bằng 10 xe chữa cháy, mua một xe chữa cháy đã khó.

Ngày 16-12, công tác khám nghiệm hiện trường tìm hiểu nguyên nhân vụ cháy đã được tiến hành. Thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng CSHS cho biết các lực lượng đang thống kê thiệt hại và tìm nguyên nhân vụ cháy, chưa khởi tố vụ án.

Trao đổi với báo chí chiều 16-12, một lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong quá trình thi công tòa nhà, tập đoàn đã ký nhiều loại hợp đồng bảo hiểm với một số hãng bảo hiểm khác nhau, trong đó có Công ty bảo hiểm Toàn cầu (GIC). Ước tính ban đầu cho thấy thiệt hại không lớn lắm.

Lê Dương

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG