Có thể không cho tích nước vĩnh viễn tại thủy điện Sông Tranh 2

Có thể không cho tích nước vĩnh viễn tại thủy điện Sông Tranh 2
TP - Ngày 16-11, một ngày sau trận động đất 4,7 độ richter diễn ra tại Bắc Trà My (Quảng Nam), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về các công trình xây dựng đã đến Bắc Trà My để kiểm tra đập thủy điện Sông Tranh 2. Ông Dũng nói: Chính phủ chưa cho tích nước hoặc có thể không cho tích nước vĩnh viễn.

> Bỏ thủy điện Sông Tranh là mất 2.500 tỉ đồng
> Đại biểu QH Ngô Văn Minh: Nên dừng thủy điện Sông Tranh 2
> Sông Tranh 2: Thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng

Mâu thuẫn trong số liệu, đề nghị làm rõ

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã khảo sát bên trong đường hầm Thủy điện Sông Tranh 2, thăm các hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề do động đất và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và huyện Bắc Trà My xung quanh vấn đề an toàn đập thủy điện và an toàn dân vùng động đất.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), BQL dự án Thủy điện 3, đơn vị tư vấn thiết kế đều khẳng định đập an toàn.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, huyện Bắc Trà My tỏ ra quan ngại về an toàn đập, đặc biệt là an toàn tính mạng của người dân khi động đất có xu hướng xảy ra ngày càng mạnh.

 Người dân làm sao yên tâm, dám ở trong những ngôi nhà nứt nẻ chằng chịt như vậy được. Phải làm sao để có câu trả lời cho nhân dân, cho công luận trong cả nước rõ ràng. Các đoàn đến kiểm tra, không thể cứ tới chỉ tay vào vết nứt rồi ra đi, người dân thì vẫn cứ lo lắng".  

Ông Trần Văn Hải, trưởng BQL dự án Thủy điện 3 cho biết: Nhà của người dân, công trình công cộng bị nứt lớn hơn. Thống kê sơ bộ đến nay, đã có 856 công trình nhà ở và 8 công trình công cộng bị hư hỏng nặng.

“Sau động đất không có vết nứt nào trên thân đập. Kiểm tra trong hành lang đường hầm, các khe nhiệt không xuất hiện dấu hiệu bất bình thường. Lưu lượng thấm qua khe nhiệt sau trận động đất 4,7 độ richter là 2,77 lít/s.” ông Hải nói.

Tuy nhiên theo ông Hải, sau trận động đất, hạng mục nhà vận hành trên đập Thủy điện Sông Tranh 2 đã xuất hiện vết nứt. Nhà vận hành nằm ngay giữa thân đập, bức tường xuất hiện vết nứt khá rõ, dù rằng công trình này được xây dựng khá kiên cố.

Một kỹ sư làm việc tại đây cho biết: “Vết nứt xuất hiện ngay sau trận động đất 4,7 độ richter, khiến nhiều anh em làm việc tại đây rất lo sợ!”.

Ông Nguyễn Quyết Thắng- Chủ tịch HĐQT Cty CP tư vấn xây dựng điện 1 đơn vị thiết kế chính của công trình Sông Tranh 2 một lần nữa khẳng định: Đập Thủy điện Sông Tranh 2 được đặt trên đá granite vững chắc, lý tưởng để xây dựng thủy điện.

PGS.TS Phạm Hữu Sy, ĐH Thủy lợi, thuộc Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cho biết, kiểm tra số liệu về các khe nhiệt không có gì bất thường. Số liệu Viện Vật lý địa cầu công bố động đất 4,7 độ richter nhỏ hơn so với thiết kế.

Tuy nhiên, có một số mâu thuẫn giữa các số liệu. Dịch chuyển gia tốc nền sau trận động đất 4,7 độ richter máy quan trắc đập đo được 268cm/s2.

Đem số liệu này đối chứng với thang động đất thiết kế đập thì tương đương với 6,5 độ richter.

Nếu tra thang MSK_64 thì động đất đến cấp 9. Ông Sy khẳng định: “Có mâu thuẫn giữa các số liệu. Đề nghị phải làm rõ!”. Cùng quan điểm, ông Phong cho rằng có sự mâu thuẫn ở đây.

“Động đất 4,7 độ richter xảy ra UBND huyện được BQL thông báo gia tốc nền dịch chuyển 268cm/s2. Sự mâu thuẫn được phân tích khiến chính quyền huyện thêm lo lắng” ông Phong cho biết.

TS. Lê Tử Sơn, chuyên gia địa chấn (Viện Vật lý Địa cầu) giải thích rằng: trận động đất xảy ra lúc 14h24 ngày 15-11 tâm chấn nằm giữa lòng hồ, nhưng khoảng cách giữa chấn tâm và thân đập đã rút ngắn hơn nên gia tốc nền đo được cũng lớn hơn.

Trận động đất đã gây ra chấn động cấp 7, nằm trong dự báo trước. Số liệu quan trắc phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có vị trí đặt máy đo gia tốc nằm ở vị trí nào.

Không thể cứ chỉ tay vào vết nứt rồi ra đi

Ong Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, quan tâm nhất an toàn đập nhưng lo lớn nhất là động đất.

Hơn 48 ngàn hộ của 5 huyện trực tiếp ảnh hưởng rất hoang mang lo lắng. Kết quả đo gia tốc nền là 268 cm/s2 nhưng lại chỉ có 4,7 độ richter do đó đề nghị các nhà khoa học làm rõ hơn nữa.

 Cần thực hiện nghiêm theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chưa cho tích nước hoặc có thể không cho tích nước vĩnh viễn. Việc này cần phải tính toán kỹ lưỡng. Đây không chỉ là nhiệm vụ khoa học mà phải xem là một nhiệm vụ chính trị, làm phải quyết liệt!” 

“Trạm quan trắc chỉ báo kết quả chứ chưa thể dự báo trước được động đất. Nhiều nhà khoa học nói động đất đến 4,6 độ richter là hết nhưng giờ lại cao hơn. Động đất 5,5 độ richter là an toàn đập nhưng công trình nhà dân không thể chịu nổi, dân có an toàn tính mạng? Chúng tôi cần một sự đảm bảo về an toàn đập nhưng cũng phải an toàn cho dân. An toàn đập và động đất phức tạp tỉnh tiếp tục đề nghị không cho tích nước” ông Thu nói.

Về đền bù cho các hộ dân thì khoảng 2,5 tỷ đồng ông Thu yêu cầu EVN cần hỗ trợ ngay để chính quyền triển khai.

Ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN hứa trong tuần này sẽ giải quyết vấn đề hỗ trợ và trước mắt là 200 triệu đồng đóng góp với huyện tổ chức ngày đại đoàn kết dân tộc cho người dân.

Trước nỗi lo an toàn đập và động đất diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nói: Động đất xảy ra, bản thân lãnh đạo tỉnh Quảng Nam không thể yên tâm được và rất lo lắng cho dân.

Cường độ động đất tăng, phạm vi ngày càng rộng nên vấn đề không còn là an toàn đập mà an toàn của hàng ngàn hộ dân.

“Người dân làm sao yên tâm, dám ở trong những ngôi nhà nứt nẻ chằng chịt như vậy được. Phải làm sao để có câu trả lời cho dân, cho công luận trong cả nước rõ ràng. Các đoàn đến kiểm tra, không thể cứ tới chỉ tay vào vết nứt rồi ra đi, người dân thì vẫn cứ lo lắng. Nếu cần thiết thì phải di dời nhà cửa dân nứt nẻ, không thể chờ nhà sập rồi mới khắc phục. Đã hứa với dân là phải làm cho dân” - ông Hải nói.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, các ý kiến của các chuyên gia, chủ đầu tư, lãnh đạo tỉnh về công trình thủy điện Sông Tranh 2 và việc công trình này rò rỉ nước đã gây ra các tranh cãi cho các nhà khoa học gây tâm lý bất an cho người dân.

Động đất là vấn đề không thể lường trước, động đất đã làm hỏng nhà dân có thiệt hại về kinh tế và đặc biệt là gây tâm lý hoang mang lo lắng cho dân, do đó phải coi an toàn cho dân là nhiệm vụ số một.

“Cần thực hiện nghiêm theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chưa cho tích nước hoặc có thể không cho tích nước vĩnh viễn. Việc này cần phải tính toán kỹ lưỡng. Đây không chỉ là nhiệm vụ khoa học mà phải xem là một nhiệm vụ chính trị, làm phải quyết liệt!” ông Dũng nói.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các thiết bị quan trắc gia tốc nền không đảm bảo phải thay thế ngay.

Nhanh chóng mời các chuyên gia nước ngoài về kiểm tra động đất tại Sông Tranh 2 để có kết luận sớm nhất. Chủ đầu tư cần tập trung hỗ trợ, thực hiện những gì đã cam kết và phát sinh sau động đất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.