Có bệnh nhưng bác sĩ không kê toa
“Uống nước lọc mà cũng nghẹn, chắc có vấn đề lớn rồi”, anh Lê Trung Hiếu, 50 tuổi ở Mễ Trì, Từ Liêm Hà Nội than vãn. Khoảng 3 tháng trở lại đây, anh Hiếu thỉnh thoảng lại thấy cảm giác nghẹn ở cổ và đau vùng ngực khi ăn hoặc uống nước. Nhiều khi anh thấy như có đá đè ngực gây cơn co thắt, rồi cơn đau lan ra bả vai, “cứ như ăn tham nên trời phạt bắt nghẹn”. Không chỉ đau nghẹn, thỉnh thoảng anh còn bị nôn vì vậy anh dần ngại đi đến các buổi tiệc hay khi ăn cơm cùng khách. Bạn bè anh bảo “phải đi bệnh viện ngay, có khi có u chèn ở họng…”, người nhà nghi vấn “đau ngực thế hay tim có vấn đề”.
Nghe nhiều cũng đâm hoảng, anh vội vàng đến bệnh viện khám. Lúc nhận kết quả khám, anh thấy bác sĩ ghi “Co thắt thực quản lan tỏa” nhưng không thấy ghi toa điều trị. Anh hoang mang “không lẽ bệnh nặng” nên thắc mắc thì bác sĩ liền bảo “Về ăn uống cẩn thận, dùng thức ăn loãng và miếng nhỏ thôi. Nếu còn bị tái phát nhiều thì quay lại đây điều trị”. Về nhà anh cứ thắc mắc chẳng nhẽ bệnh không chữa được!
Nói về căn bệnh này, BS.TS. Nguyễn Bạch Đằng, Bộ môn Tiêu hóa, Học viện Quân y cho biết: Thực chất những dấu hiệu đau tức ngực, nuốt nghẹn khi ăn hoặc khi làm việc nặng nhọc là triệu chứng của bệnh co thắt thực quản lan tỏa (DES). Đây là thuật ngữ dùng để xác định tình trạng rối loạn vận động của cơ trơn thực quản với đặc điểm là co thắt không đồng đều, có nhiều cơn co tự phát và co do nuốt gây ra.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân xảy ra hiện tượng này với biên độ lớn, dài lâu và lặp lại. Hiện nay, y khoa thế giới chưa có phương pháp điều trị thống nhất, việc chẩn đoán và điều trị DES khó khăn nên với những bệnh nhân chưa có dấu hiệu nguy hiểm, bác bác sĩ có thể chưa đề nghị điều trị, không phải “bệnh nặng hết cách chữa”.
Có gây ung thư?
Nuốt nghẹn từng được nhiều chuyên gia cảnh báo là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm như u xơ thực quản,ung thư thực quản, khối u phế quản… Tuy nhiên ngoài nuốt nghẹn, đau đớn, DES có những dấu hiệu điển hình phân biệt với bệnh u thực quản là: ợ nóng và cảm thấy đau ngực nhưng không liên quan đến bệnh tim mạch (không có tiền sử bệnh tim, không thấy tim đập nhanh, huyết áp cao...). Một số bệnh nhân có trào ngược nước bọt từ trong lòng thực quản.
Triệu chứng của DES có thể tăng lên khi ăn thức ăn và nước uống lạnh và có thể gây trào ngược dạ dày - thực quản. Nhưng dấu hiệu tắc thực quản thường không xảy ra. Nuốt nghẹn trong DES không đi kèm với biểu hiện hạch to, tuyến giáp to, dấu hiệu tim mạch như trong bệnh u xơ, ung thư thực quản hay khối u phế quản.
Một số bệnh nhân cho rằng DES để lâu sinh ra ung thư. Điều này là không đúng vì chúng chỉ là sự co thắt của cơ không có biến đổi trong cấu trúc mô, tế bào. Hệ lụy lớn nhất của DES là khiến bệnh nhân khó ăn, đau đớn kinh niên dẫn tới ngại ăn, khó đưa thức ăn vào dạ dày nên gầy yếu, thiếu chất.
Hạn chế DES bằng lối sống
Đến nay, nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh của DES chưa rõ ràng, giới chuyên môn chẩn đoán do sự rối loạn phức hợp hệ thống thần kinh. Cụ thể là khiếm khuyết của sự ức chế dẫn truyền đám rối thần kinh ruột, điều này làm cho hệ thống cơ của thực quản hoạt động không đồng bộ. Thực tế điều trị cho thấy, căng thẳng, rối loạn, lo âu, làm việc quá sức cùng một số bệnh lý đường tiêu hoá sẽ làm tăng nguy cơ mắc DES.
Khi bệnh mới ở mức độ nhẹ (chưa điều trị), một vài thay đổi trong lối sống hàng ngày sẽ giúp bạn hạn chế các rắc rối do bệnh gây ra:
- Tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong bữa ăn; hạn chế tối đa cảm giác ức chế, căng thẳng, cãi vã. Khi ăn cần loại bỏ suy nghĩ sợ hãi bị nghẹn.
- Giảm thiểu đồ uống kích thích như rượu, bia, trà đặc vì chúng có thể khiến cơ thực quản co thắt nhiều hơn.
- Hạn chế thức ăn rắn, xắt nhỏ đồ ăn để hạn chế tình trạng nghẹn, đau tức. Thức ăn thích hợp cho bệnh nhân DES là các loại thực phẩm mềm, lỏng, nên ăn chậm và chia làm thành nhiều phần nhỏ.
- Chọn thức ăn không nóng cũng không lạnh, nên để thức ăn ấm để chúng hạn chế tác động lên cơ thực quản.
Nếu có dấu hiệu trào ngược dạ dày - thực quản hoặc có kết luận của bác sĩ về test chức năng thực quản thì nên điều trị trào ngược dạ dày- thực quản. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại thuốc cải thiện tình trạng nuốt nghẹn và đau như: thuốc kháng tiết cholin, thuốc giãn cơ trơn để hạn chế co thắt thực quản, thuốc an thần để giảm các cơn đau…
DES có thể phẫu thuật được không? Phẫu thuật mở thực quản hoặc nong bằng que nong được áp dụng cho một số bệnh nhân bị DES nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đưa thức ăn vào dạ dày. Nhưng đây là chỉ định ít gặp và “bất đắc dĩ” khi các phương pháp rèn lối sống, ăn uống, thuốc hỗ trợ không mấy tác dụng. Hiệu quả của những phương pháp này còn chưa rõ ràng vì vậy bệnh nhân nên tích cực thay đổi lối sống để khắc phục. |