Thanh Hóa:

Cơ sở kinh doanh của hội người mù hoạt động gần 30 năm không có quy chế, điều lệ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mặc dù được công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh và người tàn tật, và đã hoạt động gần 30 năm, nhưng cơ sở sản xuất Ánh Sáng trực thuộc Hội Người mù thành phố Thanh Hoá không ban hành quy chế hoạt động, không mở tài khoản ngân hàng, không thành lập ban chủ nhiệm.

Cụ thể, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, cơ sở sản xuất Ánh Sáng được UBND thành phố Thanh Hóa thành lập theo quyết định số 409, ngày 30/11/1996, và hoạt động theo quyết định số 1077 ngày 12/6/1997 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh và người tàn tật.

Theo quyết định thành lập, cơ sở sản xuất Ánh Sáng là tổ chức kinh tế tập thể được Nhà nước và các ngành bảo trợ; có tư cách pháp nhân được sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản tại ngân hàng để giao dịch; có bộ máy quản lý độc lập. Cơ sở có ngành nghề sản xuất: Tăm - đũa tre, phấn viết và dịch vụ tẩm quất cổ truyền.

Cơ sở kinh doanh của hội người mù hoạt động gần 30 năm không có quy chế, điều lệ ảnh 1

Hoạt động sản xuất tăm tre tại Hội người mù thành phố Thanh Hóa.

Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, cơ sở sản xuất Ánh Sáng không thành lập ban chủ nhiệm, ban quản lý và không ban hành quy chế, điều lệ hoạt động; không mở tài khoản riêng tại ngân hàng để giao dịch theo quy định mà cơ sở hoạt động chung với Hội Người mù thành phố về nghề làm tăm tre và tẩm quất cổ truyền. Tính đến tháng 5/2024, cơ sở có 23 người tham gia lao động sản xuất (trong đó làm tăm tre có 7 người, tẩm quất cổ truyền có 16 người), ngoài cơ sở không còn hoạt động, sản xuất kinh doanh nào khác.

Cũng theo cơ quan chức năng, từ khi thành lập đến nay, cơ sở sản xuất Ánh Sáng không có báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của cơ sở về UBND thành phố, chỉ có báo cáo chung về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của Hội Người mù thành phố và UBND Thanh Hóa cũng chưa chỉ đạo các phòng, đơn vị, địa phương có liên quan kiểm tra hoạt động của cơ sở nên chưa có đánh giá tình hình hoạt động của cơ sở sản xuất Ánh Sáng.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND thành phố Thanh Hóa có trách nhiệm chỉ đạo các phòng, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của cơ sở sản xuất Ánh Sáng. Trường hợp nếu đủ điều kiện hoạt động thì sở hướng dẫn cơ sở thực hiện kiện toàn ban quản lý, ban hành quy chế, điều lệ hoạt động, chuyển đổi hình thức hoạt động và giải quyết các chế độ hỗ trợ theo thẩm quyền đối với cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định.

MỚI - NÓNG