Theo đó, ngoài các nội dung quy định đối với giáo trình như thông tư hiện hành và có sửa đổi bổ sung cho phù hợp thì Thông tư mới đã bổ sung thêm các quy định đối với bài giảng và tài liệu tham khảo đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018.
Thông tư lần này còn bổ sung quy định các cơ sở giáo dục đại học có thể thực hiện việc biên soạn giáo trình theo phương thức đặt hàng hoặc đấu thầu đối với các đơn vị, cá nhân ở trong và ngoài cơ sở đào tạo, đảm bảo theo các quy định của cơ sở đào tạo và các quy định hiện hành của pháp luật.
Để phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Thông tư đã quy định các nội dung khung tổng thể chung về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo đối với các trình độ giáo dục đại học và đã giao cho các cơ sở đào tạo tự chủ trong việc quy định cụ thể, chi tiết hoặc có thể quy định ở mức cao hơn về xây dựng và thực hiện quy định của cơ sở đào tạo về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo đối với các trình độ giáo dục đại học, bao gồm cả chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam để cấp văn bằng giáo dục đại học.
Mặt khác, bổ sung quy định việc cơ sở giáo dục đại học xây dựng bàn hành quy định áp dụng trong nội bộ cơ sở đào tạo, đồng thời phổ biến, hướng dẫn cho giảng viên, người học và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan về các quy định của cơ sở đào tạo trong việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo đối với các trình độ giáo dục đại học; phổ biến hướng dẫn đối với người học về quyền và trách nhiệm được tiếp cận và sử dụng giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo ngay từ đầu khóa học.
Trong thông tư mới, Bộ GD&ĐT tiếp tục đưa ra các yêu cầu về nội dung đối với giáo trình như phải cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng và thái độ quy định trong mỗi học phần của chương trình đào tạo, ngành đào tạo và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, bảo đảm chất lượng đào tạo.
Nội dung giáo trình phải phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng, đáp ứng chuẩn đầu ra của học phần.
Kiến thức trong giáo trình được trình bày khoa học, logic, bảo đảm cân đối giữa lý thuyết và thực hành; phù hợp với thực tiễn và cập nhật những tri thức mới của khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội đã được kiểm chứng và công nhận.
Đối với đào tạo trình độ đại học, cơ sở đào tạo phải bảo đảm mỗi học phần có ít nhất một giáo trình là tài liệu chính dùng cho giảng viên và người học trong giảng dạy và học tập, nghiên cứu học phần, trong đó nội dung của giáo trình phải đáp ứng tối thiểu 70% nội dung kiến thức của học phần giảng dạy.