Cổ phiếu 'ông lớn' ngành thép Việt 'bốc hơi' 5.000 tỷ

Hàng loạt cổ phiếu đầu ngành có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ triển vọng về dài hạn. Cuộc đua tới ngôi vị cao nhất đầy khốc liệt và nó quyết định ai sẽ trở thành ông trùm Việt.

Trong vài phiên giao dịch gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục chứng kiến áp lực chốt lời mạnh sau cả một năm 2017 và nguyên quý 1/2018 tăng bứt phá. Nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường điều chỉnh giảm.

Về triển vọng dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực. Nhiều cổ phiếu đầu ngành vẫn tăng trở lại nhờ lực bắt đáy. Tuy nhiên, vẫn có những cổ phiếu trượt dài, bốc hơi hàng chục phần trăm trong khoảng thời gian ngắn qua.

HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ là một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất. Chỉ trong vòng chưa tới 3 tháng, cổ phiếu này đã giảm khoảng 50%, từ mức gần 26.000 đồng/cp xuống 14.550 đồng/cp như hiện tại. Riêng trong 2 phiên giảm sàn vừa qua (2-3/5), cổ phiếu này đã bốc hơi khoảng 17%.

Giá trị vốn hóa của Tập đoàn Hoa Sen đã giảm khoảng 5.000 tỷ đồng. 

So với đỉnh cao cách đây gần 1 năm, HSG còn giảm mạnh hơn. HSG từng ghi nhận mức giá cao lên tới 33.000 đồng/cp. Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu này đã liên tục giảm do lợi nhuận gây thất vọng và áp lực bán ròng từ khối ngoại cũng như những phi vụ giao dịch ở đỉnh của chính ông Lê Phước Vũ.

Mặc dù vậy, điều mà nhiều người lo ngại nhất chính là triển vọng của doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ trong tương quan so sánh với đối thủ Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú USD Trần Đình Long.

Trong khi cổ phiếu HSG giảm mạnh, cổ phiếu HPG của ông Trần Đình Long vẫn giữ được mức giá khá cao 54.300 đồng/cp bất chấp TTCK trải qua nhiều phiên sụt giảm kinh hoàng. Tổng giá trị vốn hóa của HPG đạt 82 ngàn tỷ đồng và ông Trần Đình Long vẫn là tỷ phú USD với xếp hạng của Forbes tính tới hết ngày 3/5 là gần 1,2 tỷ USD.

Vì thế, vị trí đầu ngành ở mảng tôn mạ của ông Lê Phước Vũ đang bị đe dọa nghiêm trọng khi mà trong 2 năm gần đây, HPG bất ngờ tấn công rất mạnh vào mảng này, trong khi đó Tôn Nam Kim và Tôn Đông Á đang đẩy mạnh đầu tư và giành giật thị trường.

Trong khi đó, vị trí số 2 trên thị trường ống thép đang bị Hòa Phát bỏ xa và có thể còn tụt xa hẳn so với doanh nghiệp của ông Trần Đình Long khi mà dự án trọng điểm mang tính quyết định đến triển vọng của HSG là Đại dự án thép Cà Ná, Ninh Thuận đang vướng mắc, trong khi Đại dự án thép Dung Quất của ông Trần Đình Long đang được triển khai dồn dập. 

Trong vài năm gần đây, HSG đối mặt với tình trạng nợ tăng vọt, lên gấp 3 lần vốn chủ sở hữu, do phải đẩy mạnh đầu tư để chiếm và giữ thị phần tôn thì HPG của ông Long lại có tỷ lệ nợ rất an toàn, chỉ bằng 0,6 lần so với vốn chủ sở hữu.

Không những thế, HPG gần đây lãi lớn nhưng không trả cổ tức đồng thời huy động thêm hơn 5.000 tỷ đồng, dồn lực cho Đại dự án thép Dung Quất được thực hiện đúng tiến độ đề ra.

Một khi Hòa Phát đã hoàn thành dự án thép Dung Quất thì HSG sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể theo kịp Hòa Phát cả về thị phần, quy mô và lợi nhuận.

Trên TTCK, hàng loạt các mã cổ phiếu đầu ngành vẫn được các nhà đầu tư bắt đáy, như trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, xây dựng…

Trong phiên 3/5, các mã cổ phiếu như Vietcombank, Vietinbank, MBBank,... đều tăng trở lại.

Khối ngoại bán ròng khá mạnh, với 800 tỷ đồng nhưng vẫn đang mua ròng một số mã FPT, FPT Retail, SHS,...

Kết thúc phiên giao dịch 3/5, VN-index giảm 2,62 điểm xuống 1.026,46 điểm; HNX-Index tăng 1,53 điểm lên 122,51 điểm. Upcom-Index tăng 0,18 điểm lên 56,1 điểm. Thanh khoản đạt 270 triệu cổ phần. Giá trị đạt 7,5 ngàn tỷ đồng.

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG