Cổ phiếu ITA xuống đáy lịch sử, bà Đặng Thị Hoàng Yến bặt tin

Cổ phiếu ITA xuống đáy lịch sử bất chấp doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi lớn. Sự đi xuống của Itaco gắn liền với sự "biến mất" bí ẩn của nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13 Đặng Thị Hoàng Yến trong nửa thập kỷ qua.
Cổ phiếu ITA xuống đáy lịch sử, bà Đặng Thị Hoàng Yến bặt tin ảnh 1

Bà Đặng Thị Hoàng Yến 

Cuối tháng 5/2018, cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Itaco) lần đầu tiên trong lịch sử xuống dưới ngưỡng 2.000 đồng/cp, so với đỉnh cao lên tới gần 35.000 đồng/cp (theo giá điều chỉnh).

Cổ phiếu ITA đi xuống liên tục trong khoảng 7 năm qua, kể từ thời bà Đặng Thị Hoàng Yến vẫn còn đương nhiệm đại biểu Quốc hội từ tháng 5/2011 tới tháng 5/2012 và cả vào thời điểm bà Yến 3 năm liên tiếp nằm trong top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam (2008, 2009, 2010).

ITA liên tục giảm xuống đáy lịch sử trong bối cảnh bà Đặng Thị Hoàng Yến “biến mất” một cách bí ẩn trong 5 năm qua và cũng không thể hồi phục ngay cả khi ông Đặng Thành Tâm, em trai bà Yến và là Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP PT Đô thị Kinh Bắc (KBC) đã xuất hiện chủ trì cuộc họp đại hội cổ đông 2017 thay chị gái. 

Ông Đặng Thành Tâm, từng là người giàu nhất trên TTCK năm 2007, là cổ đông sáng lập, cựu Tổng giám đốc ITA.

Trong năm đại hội cổ đông 2017, ông Đặng Thành Tâm cho rằng thị trường bất động sản nói chung (bao gồm cả bất động sản công nghiệp) sẽ khởi sắc và giá cổ phiếu ITA - một doanh nghiệp từng là đầu ngành trong lĩnh vực phát triển các khu công nghiệp - sẽ không thể xuống thấp hơn mức 3.500 đồng/cp khi đó.

Sở dĩ ITA xuống giá thấp là do doanh nghiệp này nhiều lần gây thất vọng với hàng loạt kế hoạch khủng nhưng không hoàn thành, đặc mục tiêu lãi cao nhưng cuối cùng đổ vỡ. Trong giai đoạn 2014-2016, ITA lâm vào tình cảnh nợ nần và liên tiếp phát hành tăng vốn để cấn trừ nợ.

Hàng loạt dự án lớn, trong đó có dự án tỷ USD, chậm chễ.

Nhiệt điện Kiên Lương là một trong những dự án quy mô lớn nhất của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) thuộc Tập đoàn Tân Tạo, do bà Đặng Thị Hoàng Yến làm chủ tịch. Dự án có quy mô 4.400-5.200 MW, vốn đầu tư gần 7 tỷ USD.

Được Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2008, Dự án Nhiệt điện Kiên Lương dự kiến khởi công cuối năm 2009 và đến 2013 đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay dự án có số vốn "khủng" này vẫn giậm chân tại chỗ.

Ngoài Nhiệt điện Kiên Lương, chị em bà Đặng Thị Hoàng Yến còn có hàng loạt dự án khủng khác, nhưng cũng trì trệ.

Hồi 2016, dự án Trung tâm Điện lực tỉnh Bình Định do CTCP Năng lượng Sài Gòn - Bình Định thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (của ông Đặng Thành Tâm) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 7,5 tỷ USD, cũng bị UBND tỉnh Bình Định ban hành văn bản thu hồi.

Cổ phiếu ITA xuống đáy lịch sử, bà Đặng Thị Hoàng Yến bặt tin ảnh 2  Ông Đặng Thành Tâm

Hay, dự án Khu Thương mại - Dịch vụ Vina Universal Paradise do CTCP Đầu tư Khu du lịch - Phim trường VINA (công ty con của Tập đoàn Tân Tạo) làm chủ đầu tư với vốn gần 1,2 ngàn tỷ đồng tại Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) với hàng trăm nhà liền kề, biệt thự bungalow,... cũng không thể triển khai.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến (1959) là người sáng lập ITA từ năm 1993. Bà Yến giữ chức chủ tịch ITA kể từ 1996 tới nay. Bà Yến được Ủy ban MTTQ tỉnh Long An giới thiệu ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 13 năm 2011 nhưng tới 2012 bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội.

Trong 4 ĐHCĐ gần đây, bà Yến đều vắng mặt, mỗi lần với một lý do khác nhau. Tại ĐHCĐ 2016, cổ đông đã đề nghị xem xét tính cần thiết sự có mặt của chủ tịch HĐQT. Khi đó, bà Yến vắng mặt do chương trình bảo vệ Tiến sỹ trùng với ĐHĐCĐ. Trong các ĐHCĐ trước đó, bà Yến ủy quyền cho ông Thái Văn Mến, TGĐ ITA, điều hành Đại hội.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), hàng loạt doanh nghiệp có quy mô ngàn tỷ như ITA nhưng có giá ngang cốc trà đá, mớ rau.

Cổ phiếu OGC của nguyên chủ tịch Hà Văn Thắm hiện có giá 2.150 đồng/cp; PVX của nguyên chủ tịch Trịnh Xuân Thanh còn 1.500 đồng/cp; HHS của nhà Huy Hoàng còn 4.010 đồngc/p; Địa ốc Hoàng Quân HQC còn 2.100 đồng/cp,...

Trên TTCK áp lực chốt lời sau khi VN-Index lên đỉnh cao thập kỷ vẫn còn khá lớn. Sau khi mất 14% rớt từ đỉnh 1.200 điểm xuống 915 điểm, VN-Index đã có 7 phiên hồi phục. Tuy nhiên, thị trường đã quay đầu giảm mạnh trong phiên 12/6.

Nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng quay đầu giảm khá mạnh trong bối cảnh khối ngoại vẫn liên tiếp bán ròng trên toàn thị trường.

Nhiều CTCK cho rằng, thị trường đang bước vào một nhịp điều chỉnh và có thể quay về ngưỡng 1.000 điểm.

SHS nhận định, xu hướng của VN-Index ngắn hạn đang dần trở nên rủi ro. Việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng sẽ là một trở ngại thực sự cho thị trường. Trong tuần có nhiều thông tin có thể ảnh hưởng đến thị trường thì tâm lý thận trọng của nhà đầu tư là có thể hiểu được và thị trường khả năng sẽ cần sự tích lũy trong vùng giá thấp hơn.

Mặc dù vậy, cũng có CTCK dự báo, thị trường có ít khả năng giảm sâu.

Kết thúc phiên giao dịch 12/6, VN-Index giảm 18,26 điểm xuống 1.020,76 điểm; HNX-Index giảm 1,97 điểm xuống 116,49 điểm. Upcom-Index giảm 0,64 điểm xuống 53 điểm. Thanh khoản đạt 270 triệu cổ phần. Giá trị đạt 7,3 ngàn tỷ đồng.

Theo Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG