Cổ phiếu bảo hiểm 2022: Cơ hội sẽ đến với những mã có “câu chuyện riêng”

0:00 / 0:00
0:00
Vượt qua những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, năm 2021, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận. Năm 2022, nhiều dự báo cho thấy, cổ phiếu ngành bảo hiểm có thể sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của dòng tiền, đặc biệt là những mã có câu chuyện riêng như thoái vốn hay nới room ngoại.

Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng tốt nhờ thích ứng nhanh với thời thế

Tương tự như 2020, năm 2021, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục chịu tác động mạnh vì giãn cách xã hội kéo dài do đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu khá mạnh tại các thị trường lớn, đặc biệt là các kênh kinh doanh theo mô hình truyền thống.

Theo các chuyên gia của SSI Research cũng đồng thuận cho rằng, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm năm 2021 chịu ảnh hưởng nặng nề do giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Riêng trong quý III/2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm (GWP) và doanh thu phí khai thác mới (NBP) của bảo hiểm nhân thọ có mức tăng trưởng thấp nhất từ trước đến nay là +8,5% và -10,5% so với cùng kỳ. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ giảm -12% so với cùng kỳ.

“Một số khâu trong quy trình bán bảo hiểm nhân thọ (kiểm tra sức khỏe và chữ ký trực tiếp của bên mua) đã bị gián đoạn trong thời gian giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến việc ghi nhận doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Trong khi đó, đối với bảo hiểm phi nhân thọ, nhu cầu đối với bảo hiểm ô tô xe máy, bảo hiểm tai nạn con người và bảo hiểm du lịch (đóng góp khoảng 50% tổng doanh thu phí bảo hiểm) ở mức thấp trong kỳ. Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm y tế là ngoại lệ duy nhất với mức tăng 118% và 113% so với cùng kỳ, thể hiện nhu cầu bảo vệ sức khoẻ gia tăng trong bối cảnh đại dịch” – chuyên gia của SSI Research cho biết thêm.

Cũng theo các chuyên gia của SSI Research, mặc dù tăng trưởng doanh thu chậm lại, song lợi nhuận vẫn mạnh mẽ nhờ lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm cải thiện. Trong khi đó, tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp trong 2021 đều ở mức thấp chưa từng có do không có/ hoãn yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Theo số liệu của Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm cả năm 2021 ước tính đạt 215 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ, dù vẫn thấp hơn mức tăng của năm 2020 và mức trước khi Covid-19 xảy ra.

Cổ phiếu bảo hiểm 2022: Cơ hội sẽ đến với những mã có “câu chuyện riêng” ảnh 1

Trên thực tế, trong kỳ công bố Báo cáo tài chính 2021 nhiều doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết sàn chứng khoán vẫn cho thấy sự tăng trưởng tích cực cả về doanh thu và lợi nhuận nhờ sự đa dạng kênh bán, chuyển đối số mạnh mẽ trong năm vừa qua.

Trong số đó, Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC; mã Ck: MIG) đã vượt lên những khó khăn, thách thức từ Covid-19 và ghi nhận tổng doanh thu đạt 4225 tỷ đồng tăng trưởng 23,5 %, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc 3.936 tỷ đồng, tăng trưởng 25%. Lợi nhuận của MIC trong năm qua cũng đạt 281 tỷ đồng, tăng trưởng 16%, tăng trưởng gấp 5 lần so với thị trường và đứng thứ 5 về thị phần.

Thông tin từ MIC còn cho biết, theo ước tính sơ bộ về kinh doanh, quý 1/2022 MIC ghi nhận tổng doanh thu bảo hiểm gốc hơn 1,200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ gấp 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của ngành. Lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 90 tỷ đồng tăng trưởng 93% so với cùng kỳ, nhờ việc tăng trưởng doanh thu và quản lý hiệu quả chi phí.

Cổ phiếu bảo hiểm 2022: Cơ hội sẽ đến với những mã có “câu chuyện riêng” ảnh 2

Kênh bảo hiểm số đóng góp quan trọng vào việc tăng trưởng doanh thu với mức tăng ấn tượng 5 lần so với cùng kỳ, chiếm 20% doanh thu. Sản phẩm chiến lược phân phối qua kênh số là các sản phẩm bán lẻ như: bảo hiểm con người, bảo hiểm xe cơ giới. Kết quả trên khẳng định MIC đã có những bước đi linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số phù hợp xu hướng phát triển của ngành.

MIC tiếp tục đặt mục tiêu cao - lọt Top 4 thị phần và Top 1 về hiệu quả

Với kịch bản cơ sở là việc mở cửa nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối 2022, các chuyên gia của SSI Research kỳ vọng các hoạt động bán hàng cũng sẽ hồi phục tốt trong năm. Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự báo đạt 256 nghìn tỷ đồng (tăng 18% - 20% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, theo các chuyên gia này, bên cạnh động lực chính đến từ nhu cầu được phục hồi, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm có thể đến từ các yếu tố mới. Theo đó, kỳ vọng Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử (E-insurance) cũng sẽ dần được hợp pháp hoá cho các sản phẩm bảo hiểm khác (bảo hiểm sức khỏe, tài sản thiệt hại, hàng hóa). Do đó, bán hàng qua kênh trực tuyến cũng sẽ dần được đẩy nhanh. Đồng thời, sự hợp tác với các công ty insurtech để tăng cường đổi mới cải tiến trong việc phân tích big data cũng sẽ giúp các công ty bảo hiểm đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối trong tương lai.

Theo đại diện lãnh đạo MIC, mặc dù năm 2022, bối cảnh vĩ mô nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng dự kiến sẽ còn gặp nhiều thách thức; tuy nhiên, MIC vẫn tiếp tục đặt mục tiêu cao trong năm mới. Năm 2022, MIC đặt mục tiêu lọt vào Top 4 thị phần với mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận >40% và là Top 1 hiệu quả trong ngành.

“Năm 2022, MIC sẽ tiếp tục chuyển đổi số sâu rộng và toàn diện. Mục tiêu doanh thu kênh số chiến lược chiếm 20% doanh thu 2022 và chiếm 30% doanh số năm 2025. Bên cạnh những khách hàng lớn hiện có, MIC cũng đang hoàn thiện và xây dựng các hệ sinh thái bao gồm: hệ sinh thái với các ngân hàng lớn, hệ sinh thái với các tập đoàn lớn ở Việt Nam như (Viettel, Masan, MWG…)” – đại diện MIC cho hay.

Quan sát trên thị trường chứng khoán, năm 2021 có thể nói là năm thành công của nhiều cổ phiếu ngành bảo hiểm, khi phần lớn các cổ phiếu đều có sự tăng trưởng mạnh về giá. Bên cạnh yếu tố là nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ trong bối cảnh diễn biến thị trường khó lường, thì nhiều mã đã được hưởng lợi từ dòng chảy thông tin liên quan tới thoái vốn nhà nước hay nới sở hữu đầu tư nước ngoài (FOL; room ngoại).

Trong tháng 8/2021, trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cập nhật Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nêu rõ tỷ lệ FOL đối với ngành bảo hiểm là 100%. Động thái này đã gỡ bỏ khó khăn của nhiều công ty bảo hiểm trong những năm qua khi có kế hoạch tăng tỷ lệ room ngoại.

Trên thực tế thị trường, thông tin xác nhận tỷ lệ room ngoại đã có tác động lớn hơn đến định giá của cổ phiếu bảo hiểm so với thông tin về tăng trưởng lợi nhuận. Điều này theo các chuyên gia có thể sẽ còn tác động tích cực tới các doanh nghiệp có câu chuyện liên quan tới thoái vốn, nới room ngoại trong năm 2022.

Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo MIC cũng chia sẻ, việc nâng room cho nhà đầu tư nước ngoài và tiếp tục làm việc với các đối tác nước ngoài để tìm kiếm đối tác chiến lược là nhiệm vụ trọng tâm của MIC trong năm 2022. “MIC cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của các quỹ đầu tư lớn trong, ngoài nước, các đối tác là các công ty/tập đoàn bảo hiểm lớn của nước ngoài về việc đề nghị hợp tác” – lãnh đạo MIC tiết lộ thêm./.

MỚI - NÓNG